Xã hội

Phát triển báo chí trên các nền tảng số

09:44, 22/06/2024 (GMT+7)

Phát triển báo chí đa nền tảng là xu hướng chuyển đổi số tất yếu, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tiếp cận, lan tỏa thông tin nhanh chóng đến bạn đọc. Báo Đà Nẵng cũng không nằm ngoài xu hướng trên và đã đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức đào tạo, nâng cao nghiệp vụ, xây dựng các chuyên mục mới, nền tảng mới.

Các nhà báo của Báo Đà Nẵng tác nghiệp sản phẩm podcast “Làng nghề bánh tráng hối hả làm hàng phục vụ Tết”. Ảnh: VĂN HOÀNG
Các nhà báo của Báo Đà Nẵng tác nghiệp sản phẩm podcast “Làng nghề bánh tráng hối hả làm hàng phục vụ Tết”. Ảnh: VĂN HOÀNG

Tháng 5-2024, fanpage Báo Đà Nẵng được đầu tư chuyên nghiệp với thiết kế, thể hiện đầy đủ hình ảnh, tiêu đề, bộ nhận diện thương hiệu Báo Đà Nẵng, địa chỉ các nền tảng mạng xã hội, hashtag (từ khóa tìm kiếm)… giúp tăng độ nhận diện, kịp thời phục vụ nhu cầu đa dạng của công chúng. Ngoài fanpage, Báo Đà Nẵng có kế hoạch  sản xuất nội dung đăng tải trên các nền tảng khác như youtube, tiktok, instagram. .

Tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ “Kỹ năng viết tin bài đa nền tảng” do Hội Nhà báo thành phố phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức vào giữa tháng 12-2023, nhà báo Đặng Sinh, Biên tập viên phụ trách phát triển các mạng xã hội của Báo Thanh Niên từng khẳng định: “Báo chí hiện đại không thể tách rời các nền tảng mạng xã hội”. Với tốc độ lan tỏa thông tin nhanh chóng của mạng xã hội, công chúng dễ dàng tìm kiếm được những tin tức tích cực lẫn “fake news” (tin giả). Báo chí cần hòa chung dòng chảy với mạng xã hội để kịp thời phản ánh đúng tình hình xã hội. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra khi thay đổi từ “đơn nền tảng” sang “đa nền tảng” chính là việc chạy đua thời gian tin tức cần song song với yêu cầu tăng chất lượng nội dung thông tin, sáng tạo nhiều sản phẩm độc đáo, xu hướng thu hút công chúng”.

Xác định đây là yêu cầu cấp thiết, những năm qua Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Đà Nẵng đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động để thực hiện hiệu quả đề án Chuyển đổi số tại Báo Đà Nẵng giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, 4 nội dung chính cần triển khai chính là: Hệ thống phần mềm tòa soạn hội tụ, nâng cấp báo điện tử và trang thiết bị tòa soạn Báo Đà Nẵng; đầu tư trang thiết bị đa phương tiện Báo Đà Nẵng; dự án số hóa toàn bộ số lượng ấn bản báo giấy Báo Quảng Nam - Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng từ năm 1975 đến năm 2022; dự án đào tạo nghiệp vụ chuyển đổi số hằng năm.

Năm qua, Báo Đà Nẵng đã tổ chức 3 chương trình tập huấn mời những chuyên gia nhà báo, giảng viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực để trao đổi, giảng dạy, hướng dẫn đội ngũ nhà báo, phóng viên, cộng tác viên của cơ quan như hội nghị tập huấn nghiệp vụ chuyên đề về “Chuyển đổi số báo chí” vào tháng 2-2023 do Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân dân truyền đạt; lớp đào tạo chuyển đổi số “Báo chí đa nền tảng và đa phương tiện” vào tháng 10-2023 với sự chia sẻ của PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam và Th.s Nguyễn Văn Hào, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền; lớp tập huấn “Kỹ năng sản xuất nội dung số đa phương tiện”... vào tháng 12-2023.

Bên cạnh đó, Báo Đà Nẵng đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến một số địa phương khu vực phía bắc, phía nam để giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi số báo chí với các cơ quan báo Đảng địa phương. Từ những chương trình học tập kinh nghiệm, đào tạo nghiệp vụ, tập huấn… Báo Đà Nẵng đã đạt được hiệu quả bước đầu trong việc tổ chức, thiết kế và sáng tạo nhiều mô hình sản phẩm thông tin mới. Cụ thể như Podcast (âm thanh kỹ thuật số), Infographic (đồ họa kết hợp thông tin), Emagazine (kết hợp đa phương tiện)… ngày càng chuyên nghiệp với nhiều sản phẩm ấn tượng, thu hút đông đảo công chúng theo dõi. Đến nay, hầu hết nhà báo, phóng viên, đặc biệt phóng viên trẻ đều có kỹ năng thực hiện sản phẩm số độc lập…, tạo nên sự đa dạng, sáng tạo trong hình thức thể hiện trên các nền tảng số của Báo Đà Nẵng.

Một số sản phẩm báo chí đa phương tiện của Báo Đà Nẵng
Một số sản phẩm báo chí đa phương tiện của Báo Đà Nẵng

Nhóm phóng viên thường thực hiện chuyên mục Podcast chia sẻ, đây là sản phẩm sáng tạo với yêu cầu cao về ứng dụng công nghệ, hình thức thể hiện mới mẻ, phát triển được trên nhiều nền tảng với đa dạng nội dung, bắt kịp xu hướng báo chí hiện đại. Tại các nền tảng, Podcast đã thể hiện “vị thế” quan trọng, thu hút lượng lớn thính giả trong thời đại truyền thông số (media digital). Để nâng cao được chất lượng sản phẩm, trang thiết bị và hệ thống để sản xuất cần phải đồng bộ, hiện đại; nội dung cần phải có sự đa dạng trong từng thể loại báo chí, phản ánh kịp thời vấn đề thời sự, phù hợp và đúng đối tượng công chúng. Đây được xem là các yếu tố góp phần phát huy được tiềm năng và thế mạnh Podcast.

Những thay đổi tích cực từ việc xây dựng các nền tảng số, sáng tạo chuyên mục, sản phẩm mới…  là sự nỗ lực của Đảng ủy, Ban biên tập, toàn thể cán bộ, phóng viên, nhân viên, người lao động Báo Đà Nẵng. Việc phát triển báo chí trên các nền tảng số không chỉ thực hiện hiệu quả đề án chuyển đổi số tại Báo Đà Nẵng, mà còn góp phần thành công trong đề án chuyển đổi số và thành phố thông minh của thành phố Đà Nẵng; qua đó, hướng tới mục tiêu xây dựng Báo Đà Nẵng trở thành cơ quan báo chí với mô hình tòa soạn hội tụ, phát triển các sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số, nâng cao trải nghiệm của độc giả.

VĂN HOÀNG

.