Xã hội
Những cuộc lang thang ngoài thành phố
Tôi gọi mấy chuyến đi của mình là những cuộc lang thang. Dù mục đích đi là gì, du lịch, về quê, rong chơi, chụp ảnh hay tác nghiệp cho một đề tài, tất cả đều sẽ được gói gọn trong những cuộc lang thang cùng con chữ. Trong chuỗi hành trình ấy, nhiều lần tôi nổ máy xe rời Ðà Nẵng hay xách hành lý lên một chuyến xe, chuyến tàu để “đi đến một nơi không phải Ðà Nẵng”.
1. Có chuyến đi gói gọn 1 ngày, cũng có những chuyến đi gần cả tuần. Đích đến là đâu? Có khi là một con hẻm nho nhỏ giữa lòng phố cổ Hội An, một con nước nội đồng ở Đại Lộc hay một cánh đồng ở ngoại ô Tam Kỳ của Quảng Nam quê nhà, khi khác là một con đường len dưới những thành quách của xứ Huế cố đô, xa hơn là cánh rừng thông bạt ngàn phủ đầy sương trên phố núi Đà Lạt…
Hành trang lúc đi chỉ có áo quần, máy ảnh và laptop, rồi đến lúc về lại nặng trĩu những kỷ niệm, những bức ảnh và nhiều tư liệu.
Tác giả trong một chuyến đi Đà Lạt. |
Nhớ mùa hè của đúng 10 năm trước, khi chuyến xe của một hãng lữ hành đưa tôi và những người bạn cùng lớp đại học qua những cung đường phía Bắc. Đó là chuyến thực tế trong năm thứ 3 của lớp báo chí khóa 2011 tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Với nhiều người trong chúng tôi, đó là chuyến đi xa khỏi Đà Nẵng lần đầu tiên trong đời. Những tưởng những ngày đi qua Quảng Bình, Vinh, Quảng Ninh, Hà Nội… đủ khiến tâm trí “tạm” quên đi đất Đà thành, vậy mà cả lớp vẫn ồ lên thích thú khi bắt gặp một chiếc xe cùng chiều mang biển số 43 lướt qua.
Cảm giác ấy theo tôi đến tận sau này, dần thành hình một thói quen, đó là đi đến thành phố nào cũng sẽ cố tìm thử có hình bóng Đà Nẵng hay xứ Quảng nói chung không, có thông tin gì liên quan để khai thác thành bài viết không… Nếu không có, tôi vẫn thoải mái tìm hiểu, ghi lại câu chuyện của địa phương đó, xem như một dịp để trải nghiệm.
Tôi đặt chân vào Báo Đà Nẵng cuối năm 2017 rồi có bài báo đầu tiên tại đây vào tháng 1-2018. Dù là tờ báo Đảng địa phương nhưng Báo Đà Nẵng vẫn dành “đất” đáng kể cho những câu chuyện từ bên ngoài thành phố. Đó cũng là một động lực cho những cuộc lang thang.
2. Tôi trở lại Đà Lạt vào đầu năm 2024, hơn 3 năm từ ngày đầu tiên đặt chân lên cao nguyên Lang Biang vào mùa đông năm 2020. Sau 2 cuộc lang thang trên phố núi, tôi “vác” về Đà Nẵng hơn 3.000 bức ảnh và một số tư liệu đời sống, một phần trong số đó sau này được đăng tải trên Đà Nẵng Cuối tuần.
Những ngày ở Đà Lạt, tôi gặp Nguyễn Đức Hiếu, nhiếp ảnh gia kiêm vlogger du lịch trẻ tuổi, về sau trở thành nhân vật trong chuyên đề “Nhiếp ảnh và cuộc sống”; là Nguyễn Xuân Đông, đồng hương Quảng Nam và là chủ quán mì Quảng nhà Shin trên đường Nguyễn Công Trứ , người đã đi vào ghi chép “Mì Quảng của ký ức” của tôi trong một số báo đầu năm 2024…
Và còn nhiều người khác, là ông chú chạy xe ôm tóc bạc phơ ở khu Hòa Bình bằng tuổi ba tôi, là cô bán bánh canh trên đường Hoàng Diệu với nồi nước dùng làm tôi nhớ về quán ăn của mẹ ngày cũ, anh chàng người Đà Nẵng mở dịch vụ cho thuê xe máy ở Cư xá Bưu điện, hay nhóm sinh viên từ Thành phố Hồ Chí Minh ấp ủ chuyến đi ra Đà Nẵng tắm biển Mỹ Khê…
Tôi chưa đưa hết câu chuyện của những người này vào trang báo, chỉ lưu giữ hình ảnh họ như một phần hành trình đẹp đẽ, để còn một lý do trở lại Đà Lạt vào một ngày nào đó không xa, khi có đủ đầy thời gian và trải nghiệm.
Những ngày ở Đà Lạt, tôi không quên lần đang dạo chơi, chụp ảnh ở khu Cây thông cô đơn bên hồ Suối Vàng thì bị nhiều người vây quanh hỏi: “Anh có phải phóng viên đi điều tra không?”. Bấy giờ mới nhận ra nơi mình đứng là khu vực họ chở du khách qua lòng hồ trái phép. Vậy là phải giải thích rằng bản thân chỉ là du khách, trong tình huống này thì người ta mới rời đi. Tình trạng chở khách này sau đó đã được nhiều đồng nghiệp ở Lâm Đồng phản ánh. Đó cũng là một kỷ niệm đáng nhớ của lần lang thang xa nhà. Cũng trong hôm ấy, tôi tổng hợp được một chùm ảnh về thiên nhiên Đà Lạt để gửi về cơ quan.
3. Tôi sinh ra ở Quảng Nam và có 2 năm công tác tại đó (2015-2017) trong vai trò cán bộ truyền thông ở Sở Y tế tỉnh, trước khi trở lại Đà Nẵng theo nghề báo. Quãng thời gian ngắn ngủi đó giúp tôi gặp gỡ được nhiều đồng nghiệp nhiệt tình, đi được nhiều nơi khắp xứ Quảng, từ đồng bằng tới miền cao. Sau này, khi có dịp tác nghiệp ở Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Núi Thành…, tôi luôn có cảm giác được trở về. Trong tâm thức một người Quảng, Quảng Nam - Đà Nẵng mãi là anh em một nhà, chung một mạch nguồn văn hóa, đều hàm chứa rất nhiều câu chuyện hay.
Tôi đã đi qua đủ “Quảng Nam tam đại xã”, là “nhất Trà Kiệu, nhì La Qua, ba Tú Tràng”. Trong đó La Qua là ở Điện Bàn, Tú Tràng ở loanh quanh Phú Ninh ngày nay, còn Trà Kiệu thì Duy Xuyên.
Tôi nhớ đêm trắng theo chân đồng nghiệp Mai Vinh của Chuyên đề Công an thành phố Đà Nẵng và Huy Đạt của Báo Thanh Niên viết phóng sự về chợ khuya ở cầu Cẩm Nam (Hội An); cùng Quốc Tuấn (Báo Quảng Nam) và Tuấn Vỹ (Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp) thực hiện “farmtrip” khám phá vùng đất Tiên Phước; cùng nhóm đồng nghiệp Đà Nẵng vào thánh địa Mỹ Sơn thực hiện đề tài văn hóa về kèn saranai; một mình chạy xe len lỏi dưới chân núi Hòn Tàu viết về giống lúa nếp đắng ở làng Lộc Đại (huyện Quế Sơn); tìm câu chuyện của tiền nhân dưới hàng sưa di sản trăm tuổi ở làng Hương Trà (Tam Kỳ) hay di tích Đồng Dương (Thăng Bình)…
Ở đó, tôi gặp được những nhân vật nặng lòng với quê nhà. Mỗi người mỗi vẻ nhưng đều chung một chất Quảng “rặt”, thuần hậu và chất phác.
Những chuyến đi ra khỏi địa phận thành phố đã là một phần không thể thiếu trong hành trình nghề báo của tôi, từ quá khứ, hiện tại và tương lai sau này.
XUÂN SƠN