Xã hội
Chăm lo chu đáo cho người có công với cách mạng
Thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 100.000 lượt người có công được xác nhận theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Trong đó, hơn 18.225 liệt sĩ với hơn 8.000 thân nhân liệt sĩ còn sống đang hưởng trợ cấp hằng tháng và 1 lần; 12.580 thương, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh; 3.387 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện còn sống 73 mẹ); 3.397 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 6.171 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày; 18.917 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến hưởng trợ cấp 1 lần. Xác định công tác “Đền ơn đáp nghĩa” là chủ trương lớn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo chu đáo cho người có công với cách mạng cả về vật chất, sức khỏe lẫn tinh thần.
Năm 2024, thành phố đặt mục tiêu xóa hết hộ nghèo đối với người có công còn sức lao động. TRONG ẢNH: Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường (thứ 2, bên phải sang) thăm, chúc Tết ông Đỗ Huyên (quận Thanh Khê) là đối tượng chính sách. Ảnh: L.P |
Bài 1: Chung tay giúp người có công thoát nghèo
Ngày 19-1-2024, UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn thành phố, trong đó đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm thoát hết hộ nghèo còn sức lao động thuộc diện người có công. Cụ thể hóa kế hoạch trên, các ngành, địa phương đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực nhằm giúp hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng vươn lên thoát nghèo.
Đến từng nhà, rà từng hộ
Đầu tháng 3-2024, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) hướng dẫn UBND các quận, huyện tiến hành khảo sát, lập danh sách, ghi nhận hoàn cảnh, nguyện vọng và đề xuất giải pháp giúp hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng. Trên cơ sở đó, ngày 4-6-2024, UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo còn sức lao động có thành viên người có công với cách mạng thoát nghèo năm 2024.
Theo đó, toàn thành phố hiện còn 72/112 hộ nghèo người có công còn sức lao động với 341 nhân khẩu. Cụ thể, các quận: Thanh Khê 1 hộ, Liên Chiểu 23 hộ, Sơn Trà 14 hộ, Ngũ Hành Sơn 18 hộ, Cẩm Lệ 1 hộ, Hải Châu 4 hộ và huyện Hòa Vang 11 hộ. Trong đó, 42 hộ có người đau ốm thường xuyên, không còn sức lao động. Các hộ còn lại đều nằm trong diện đông người phụ thuộc, một số hộ còn khả năng lao động nhưng thiếu việc làm.
Qua khảo sát nhu cầu, nguyện vọng theo phương châm đến từng nhà, rà từng hộ, có 3 hộ đề nghị hỗ trợ chính sách bảo trợ xã hội; 24 hộ đề nghị hỗ trợ chính sách trợ cấp thường xuyên, đột xuất; 32 hộ đề nghị hỗ trợ sinh kế, vay vốn làm ăn; 7 hộ đề nghị giới thiệu việc làm; 5 hộ đề nghị hỗ trợ về nhà ở; 2 hộ đề nghị hỗ trợ thuê chung cư; 5 hộ đề nghị tặng sổ tiết kiệm; 37 con, cháu người có công đề nghị tặng học bổng. Trên cơ sở nguyện vọng, mong muốn của từng gia đình, các ngành, địa phương và cộng đồng xã hội chung tay hỗ trợ, đồng hành giúp các hộ vươn lên.
Theo Phòng Người có công, Sở LĐ,TB&XH, với 27 hộ nghèo người có công đề nghị giải quyết chế độ bảo trợ xã hội và trợ cấp thường xuyên, đột xuất theo Nghị quyết số 19/2016/NQ-HĐND ngày 11-8-2016 của HĐND thành phố, các địa phương kiểm tra, xem xét, nếu bảo đảm điều kiện sẽ hướng dẫn các hộ làm thủ tục, hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ theo quy định. Với 5 trường hợp có nguyện vọng hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở, ngân sách thành phố và các địa phương cùng hỗ trợ kinh phí xây mới mức 80 triệu đồng/nhà, sửa chữa mức 30 triệu đồng/nhà, tổng kinh phí hỗ trợ 250 triệu đồng. Đối với 2 hộ có nhu cầu thuê chung cư, nhà ở xã hội, Sở LĐ,TB&XH phối hợp Sở Xây dựng và địa phương hướng dẫn gia đình làm thủ tục thuê chung cư, nhà ở xã hội bảo đảm quy định.
Chú trọng trao “cần câu”
Xác định có việc làm, có thu nhập là chìa khóa quan trọng để thoát nghèo, các địa phương chú trọng giải pháp trao “cần câu” để các hộ nỗ lực làm ăn. Quận Liên Chiểu là địa phương hiện có số hộ nghèo có thành viên là người có công đông nhất thành phố với 23 hộ. Hầu hết các hộ đều rất khó khăn, không có việc làm, thu nhập không ổn định.
Đơn cử, bà Phạm Thị Du (SN 1941, phường Hòa Khánh Nam) là thương bệnh binh, tù đày, hiện đang bị ung thư. Hai năm trước, con trai bà Du mất để lại hai con nhỏ đều khuyết tật, trong đó một cháu đang hưởng chế hộ bảo trợ xã hội. Chị Cao Thị Nữ (SN 1989), con dâu bà Du không có việc làm ổn định, hằng ngày đi buôn ve chai kiếm sống. Từ khi bà Du ngã bệnh, chị Nữ thường xuyên ở nhà chăm sóc, nguồn thu nhập của gia đình cũng giảm sút. Sau khi tìm hiểu nguyện vọng của gia đình, Phòng LĐ,TB&XH quận Liên Chiểu đề xuất trợ cấp đau ốm thường xuyên hằng năm cho bà Du, hỗ trợ học bổng cho 2 cháu nhỏ và nhất là hỗ trợ vốn để chị Nữ buôn bán ve chai, cải thiện thu nhập.
Trường hợp hộ ông Trần Văn Thọ (SN 1964, phường Hòa Minh) cũng khó khăn không kém. Bản thân ông Thọ là thương binh, bị suy thận; vợ bị ung thư, sống cùng vợ chồng con trai và 3 cháu nhỏ. Mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều phụ thuộc vào quầy bán trái cây của con dâu. Để giúp đỡ gia đình, địa phương đề xuất hỗ trợ sinh kế là xe máy và một số vật dụng giúp con dâu ông Thọ mở rộng buôn bán trái cây và hoa tươi, nâng cao thu nhập.
Tương tự, quận Ngũ Hành Sơn hiện còn 18 hộ nghèo còn sức lao động có thành viên là người có công với cách mạng. Bà Nguyễn Thị Ánh (SN 1968, phường Hòa Quý) là con liệt sĩ, bị câm, điếc, đang hưởng chế độ tuất liệt sĩ, con người hoạt động cách mạng nhiễm chất độc hóa học. Bà Ánh có 2 người con, trong đó con trai nhỏ đang học lớp 7, vợ chồng con trai lớn không có việc làm ổn định và 2 cháu nội đang đi học. Hằng ngày, bà trồng rau màu và đi bán ở chợ, thu nhập bấp bênh. Để giúp hộ bà Ánh từng bước thoát nghèo, Phòng LĐ,TB&XH quận Ngũ Hành Sơn đề xuất hỗ trợ vốn giúp bà Ánh đầu tư máy bơm, bạt che để mở rộng vườn rau, giúp trồng trọt hiệu quả; đồng thời hỗ trợ học bổng cho con và 2 cháu nội bà Ánh yên tâm học tập.
Theo Sở LĐ,TB&XH, trên cơ sở nguyện vọng của gia đình và đề xuất của các địa phương, thành phố thống nhất hỗ trợ sinh kế một lần mức 15 triệu đồng/hộ, tổng kinh phí hỗ trợ cho 32 hộ là 480 triệu đồng, trích từ ngân sách thành phố và các địa phương. Vừa qua, sở có công văn hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ đề xuất hỗ trợ để làm căn cứ phân bổ kinh phí về địa phương, sớm trao vốn, sinh kế đến các hộ có nhu cầu. Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách, thành phố khuyến khích các địa phương, hội, đoàn thể tăng cường vận động nguồn lực từ cộng đồng giúp các gia đình chính sách nghèo.
Mới đây, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em quận Liên Chiểu vận động nhà hảo tâm hỗ trợ sinh kế cho bà Phạm Thị Cúc (SN 1956, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) có chồng là thương binh. Bản thân bà lớn tuổi, có con trai nhiễm chất độc da cam. Nhằm chia sẻ khó khăn với gia đình, cán bộ hội kết nối mạnh thường quân hỗ trợ xe nước mía và 2 bộ bàn ghế, tổng trị giá 7,5 triệu đồng giúp bà Cúc có kế sinh nhai, nâng cao thu nhập để trang trải cuộc sống.
Bên cạnh trao sinh kế, các địa phương chú trọng công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho các hộ có nhu cầu; thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí cho con, em hộ nghèo người có công gắn với tạo việc làm tại chỗ. Ngoài ra, tăng cường kết nối với doanh nghiệp trên địa bàn để hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho con, em hộ nghèo người có công. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, mức sống cho hộ nghèo người có công bảo đảm bằng hoặc cao hơn hộ có mức sống trung bình theo chuẩn thành phố, từng bước giúp hộ người có công vươn lên thoát nghèo.
LAM PHƯƠNG