Xã hội

Cải tạo, xanh hóa các lô đất trống

09:22, 01/08/2024 (GMT+7)

Các địa phương trên địa bàn thành phố đã có những cách làm nhằm cải tạo cảnh quan và tăng cường quản lý, xử lý ô nhiễm các lô đất trống. Qua đó, giúp tránh lãng phí tài nguyên đất, khắc phục tình trạng mất mỹ quan đô thị cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường.

Mô hình “Vườn rau đô thị” của các hội, đoàn thể phường Hòa Thuận Tây thu hút đoàn học sinh đến tham quan và học tập. Ảnh: TRẦN TRÚC
Mô hình “Vườn rau đô thị” của các hội, đoàn thể phường Hòa Thuận Tây thu hút đoàn học sinh đến tham quan và học tập. Ảnh: TRẦN TRÚC

Lô đất khoảng 5.000m2 nằm trên đường Vân Đồn (quận Sơn Trà) được Hội Nông dân phường Mân Thái khai hoang, cải tạo hơn 4 năm qua. Từ một bãi đất với um tùm cây lau sậy và xà bần mất mỹ quan đô thị đã hình thành một cảnh quan mới với những luống rau xanh tươi và hàng dài lớp chậu cây cảnh đẹp mắt. Ông Võ Thành Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Mân Thái chia sẻ: “Với mong muốn làm đẹp mỹ quan đô thị và vừa cải thiện thu nhập, 4 thành viên của hội đã sản xuất tại lô đất này với những loại cây ngắn ngày. Các loại cây được trồng tại đây như xà lách, tần ô, cải xanh và các loại hoa cúc, vạn thọ... Qua đây thì giúp cải thiện đáng kể thu nhập cho mọi người và khi Nhà nước cần lấy lại thì cũng dễ hoàn nguyên hiện trạng. Hiện tại trên địa bàn phường có nhiều lô đất trống nhưng nằm rải rác và cũng được thành viên của hội khai hoang để trồng các loại rau”.

Tương tự, mô hình “vườn rau đô thị” tại phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) được triển khai từ 3 năm qua. Nằm trên đường Yên Khê 1, khu đất có diện tích khoảng 2.000m2 này từng là một bãi đất trống, nhếch nhác và điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Khu đất đã được UBND phường giao cho Hội Nông dân phường quản lý, cải tạo đất để trồng hoa, cây cảnh và rau sạch giúp hội viên phát triển kinh tế cho 10 hộ dân. Ngay đối diện khu đất là vườn rau sạch của Hội Phụ nữ phường với diện tích khoảng 500m2. Cũng từ một bãi đất bỏ hoang, hội đã được UBND phường cho quản lý tạm thời, tiến hành xử lý ô nhiễm, cải tạo đất, trồng rau sạch. Đặc biệt, rau sau khi thu hoạch sẽ không bán mà được hội hỗ trợ cho các hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Đinh Quang Tưởng, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây cho rằng, cách làm này dù chỉ khai thác hiệu quả trong ngắn hạn nhưng đã góp phần trong việc hạn chế lãng phí nguồn lực đất đai và giúp cải thiện cảnh quan khu dân cư. Trên địa bàn phường hiện có 112 lô đất trống, đất của dự án và chủ hộ chưa xây dựng nằm rải rác trên địa bàn phường. Đến nay, có 5 vườn được địa phương khai thác từ đất trống, khu trống dự án chưa triển khai bỏ hoang để triển khai mô hình. Thời gian đến, địa phương tiếp tục nhân rộng các mô hình điểm “vườn rau đô thị”, cải tạo và xanh hóa các lô đất trống với sự sáng tạo của các hội, đoàn thể cũng như sự chung sức của người dân khu dân cư.

Tại quận Hải Châu, để bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, UBND quận đã phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện thu hồi và đưa vào quản lý theo quy định đối với quỹ đất công do các cá nhân, tổ chức đang lấn chiếm, sử dụng trái phép, không bảo đảm vệ sinh môi trường. Theo thống kê đến nay, số lượng lô đất trống do Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố quản lý trên địa bàn quận là 251 lô đất tái định cư và 20 khu đất lớn; 606 khu đất, lô đất trống do các tổ chức, cá nhân quản lý. Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Nguyễn Văn Duy cho hay, hiện trạng đa số các khu đất, lô đất trống trên địa bàn quận đều đã được các tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp rào chắn, bảo vệ. Do vậy, tình hình về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường đối với các lô đất trống do các tổ chức, cá nhân quản lý trên địa bàn tương đối bảo đảm. Tuy nhiên, vẫn còn có một số khu đất triển khai thực hiện dự án để lâu năm không có người quản lý, tạo điều kiện cho một số đối tượng thực hiện hành vi đổ trộm rác thải, giá hạ, xà bần gây ô nhiễm vệ sinh môi trường.

UBND quận đã đề ra lộ trình và chỉ đạo các phường hoàn thành việc xử lý hành vi lấn chiếm, thực hiện tháo dỡ, di dời toàn bộ công trình, vật kiến trúc và bàn giao mặt bằng cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố quản lý đúng quy định theo tỷ lệ 20% trong năm 2023, 50% trong năm 2024 và 100% trong năm 2025; đồng thời, bảo đảm mặt bằng sạch đối với 100% các lô đất trống thuộc quỹ đất công.

Cũng theo đánh giá từ các địa phương, việc bỏ hoang các lô đất trống nằm ở khu vực trung tâm thành phố gây lãng phí về nguồn lực đất đai, trong khi nhu cầu sử dụng đất của người dân cao. Từ đây, xuất hiện tình trạng một số người dân tự ý chiếm dụng đất để sử dụng, một số trường hợp được tạo điều kiện để tự chi trả kinh phí dọn dẹp vệ sinh môi trường để sử dụng tạm vào nhiều mục đích khác nhau (để gara ô-tô, trồng rau, buôn bán tạm…); một số phường giao cho các hội, đoàn thể sử dụng phục vụ cho công tác chung tại địa phương.

Việc sử dụng đất của các cá nhân, tổ chức nêu trên là không đúng quy định nhưng cơ bản khắc phục được tình trạng để đất hoang hóa, không quản lý gây ô nhiễm vệ sinh môi trường; góp phần tạo an sinh xã hội cho một bộ phận người dân và giảm bớt áp lực cho chính quyền các cấp trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường. Mặt khác, lực lượng chức năng các địa phương cũng duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi đổ rác thải, giá hạ, xà bần... tại những nơi không đúng quy định; hành vi xây dựng không phép, trái phép, lấn chiếm đất đai; phối hợp với các hội đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức vận động, tuyên truyền cho người dân về các quy định pháp luật, ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, tổ chức các ngày hội về môi trường nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng.

TRẦN TRÚC

.