Xã hội

Khó khăn trong công tác thi hành án đối với tàu cá

09:10, 08/08/2024 (GMT+7)

Trên cơ sở bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự các địa phương ủy thác, Chi cục Thi hành án dân sự quận Sơn Trà ra quyết định thi hành đối với một số phương tiện tàu thuyền đánh bắt, khai thác hải sản đang neo đậu tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các quyết định gặp nhiều khó khăn, trở ngại do phương tiện bị chìm, hư hỏng nặng và chủ tàu không chịu hợp tác.

Theo Chi cục Thi hành án dân sự quận Sơn Trà, hiện đơn vị thụ lý giải quyết liên quan đến 8 phương tiện tàu thuyền đánh bắt, khai thác hải sản đang neo đậu tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, trong đó có 7 phương tiện là tàu gỗ do cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi ủy thác vào các năm 2023 và 2024. Các phương tiện này không hoạt động và neo đậu tại âu thuyền nhiều năm, không có người trông coi, bảo dưỡng định kỳ nên đã xuống cấp, thân vỏ mục nát, trang thiết bị hàng hải không còn. Đặc biệt, có 2 phương tiện bị chìm hoàn toàn dưới đáy, không thể xử lý và 4 phương tiện bị chìm, khoang máy ngập sâu dưới nước và đang bán đấu giá 2 tàu cá.

Lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự quận Sơn Trà cho biết, các phương tiện neo đậu tại nhiều vị trí khác nhau nên khó khăn trong việc gửi giữ, quản lý và bảo quản. Cùng với đó, chủ phương tiện là người địa phương khác, không hợp tác trong việc xử lý tài sản, nên việc tống đạt các thủ tục hành chính và giải quyết gặp nhiều khó khăn, quy trình tổ chức thi hành án chưa bảo đảm về mặt thời gian theo luật định. Khi xử lý tài sản gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: các tàu thuyền bị chìm, cần phải thuê đơn vị trục vớt, gia cố chống chìm để cơ quan chức năng kê biên, thẩm định giá và bán đấu giá.

Việc này tốn rất nhiều thời gian và kinh phí. Mặt khác, trên địa bàn Đà Nẵng không có cá nhân, tổ chức nào đáp ứng điều kiện bảo quản tàu cá theo quy định pháp luật. Trong quá trình giải quyết, chấp hành viên phải vào tận địa phương người phải thi hành án cư trú để làm việc, tạo mọi điều kiện để họ ra tự nguyện giao tài sản hoặc tham gia kê biên tài sản, thẩm định giá nhưng chủ phương tiện không hợp tác, giải quyết vụ việc.

Trong khi đó, nhiều ngư dân cho biết, việc các tàu thuyền đã chìm hoặc đang neo đậu chờ thi hành án phần nào gây trở ngại cho các phương tiện khác khi ra vào âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Theo Trưởng ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang Nguyễn Lại, do các tàu thuyền đang neo đậu chờ thi hành án gây cản trở, nên đơn vị phải làm dấu, thông báo cho các phương tiện khác biết để tránh. Bên cạnh đó, ban có thông báo đến ngân hàng và chủ tàu thuyền, yêu cầu trục vớt các phương tiện để hoàn trả lại mặt nước cho Ban Quản lý. Tuy nhiên, đến nay các đơn vị, cá nhân vẫn chưa thực hiện... Do việc trục vớt, di chuyển các tàu thuyền này khá tốn kém nên thời gian đến Ban Quản lý sẽ kết hợp xử lý trong quá trình thực hiện việc nạo vét cảng cá.

Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Sơn Trà Lê Văn Trịnh cho biết, đơn vị đang đẩy nhanh các thủ tục pháp lý liên quan. Đồng thời nghiên cứu di chuyển, tập trung các phương tiện về một địa điểm để tiện việc gửi giữ, quản lý và bảo quản. Song song đó, phối hợp các cơ quan để tiến hành thẩm định giá trên thực tế của các tàu. Sau đó, tổ chức bán đấu giá để thi hành án. “Tuy nhiên, hiện nay Chi cục Thi hành án dân sự quận Sơn Trà đang gặp khó khăn về khu vực tập kết và bãi giữ các phương tiện cũng như việc kiểm kê, thẩm định giá các tài sản để bán đấu giá. Bởi các tàu thuyền này bị ngâm nước quá lâu dẫn đến hư hỏng nặng”, ông Trịnh nói. 

LÊ HÙNG

.