Xã hội
Bài cuối: Hãy để học sinh có mùa hè bổ ích
Để trẻ có mùa hè bổ ích, ý nghĩa và an toàn, ngoài nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, gia đình cần quan tâm tạo điều kiện cho trẻ được tham gia các hoạt động hè. Phụ huynh cần dành thời gian cho con tham gia khóa học năng khiếu, kỹ năng sống, các sân chơi giải trí...
Nhiều phụ huynh cho con đến tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: LÊ PHẠM |
Hướng trẻ đến hoạt động lành mạnh
Theo bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), chủ trương của ngành giáo dục nghỉ hè phải là khoảng thời gian để học sinh thư giãn, tham gia chương trình vui chơi, giải trí, rèn luyện năng khiếu… Qua đó, các em kết hợp ôn tập kiến thức cũ để khi bước vào năm học mới tiếp tục học tập hiệu quả. Từ năm 2016, cùng với chủ trương trả lại trọn vẹn cho học sinh 3 tháng hè, sở thực hiện mở cửa trường hè với những trường học có điều kiện. Theo đó, mở cửa thư viện, các khu thể thao để học sinh và người dân được vui chơi, đọc sách, tập luyện thể dục - thể thao trong khuôn viên các trường học.
Mùa hè này, sở có công văn gửi các phòng GD&ĐT quận, huyện; các trường, trung tâm trực thuộc sở về triển khai hoạt động hè 2024. Trong đó nhấn mạnh các cơ sở giáo dục căn cứ điều kiện thực tế đẩy mạnh tổ chức các trò chơi, các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian; phối hợp các hội, đoàn thể, cơ quan văn hóa địa phương hướng dẫn, tổ chức cho học sinh, học viên chơi các trò chơi dân gian phù hợp.
Thực chủ trương mở cổng trường học, thư viện… phù hợp tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách, khuyến khích việc đọc sách tại thư viện, các tủ sách mở của trường góp phần hình thành văn hóa đọc. Đối với huyện Hòa Vang, ngành giáo dục và đào tạo phối hợp ngành văn hóa tăng cường tập luyện và biểu diễn các làn điệu dân ca Khu 5, bài chòi; rèn luyện biểu diễn điệu múa tung tung - da dá cho học sinh người đồng bào Cơ tu tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, THPT Phạm Phú Thứ.
“Chúng tôi mong muốn học sinh tích cực tham gia các hoạt động để có một mùa hè vui tươi, bổ ích. Thời gian tới, nhiều trường học được sửa chữa, nâng cấp, xây mới theo đề án Xây dựng, nâng cấp mở rộng trường lớp giai đoạn 2021-2025 kỳ vọng đổi mới về cơ sở vật chất, góp phần tạo không gian học tập khang trang, hiện đại, thu hút học sinh dịp hè”, bà Thuận nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho rằng, người lớn chúng ta, hầu như ai cũng biết những lợi ích quan trọng cho sự phát triển bền vững của con người và xã hội mà các bảo tàng mang lại nhưng việc tạo điều kiện, khuyến khích trẻ em đến với bảo tàng dường như vẫn còn rất hạn chế. Theo bà Trinh, để trẻ em, học sinh đến với các bảo tàng, đầu tiên phải xuất phát từ người lớn, từ phía gia đình, nhà trường... và đặc biệt từ phía các bảo tàng. “Đối với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, để hấp dẫn trẻ em, học sinh đến với bảo tàng, chúng tôi nỗ lực nghiên cứu để đổi mới, nâng cao chất lượng về nội dung, hình thức trưng bày tại các không gian trưng bày cố định, không gian nghệ thuật dành cho thiếu nhi..., đồng thời tổ chức nhiều hoạt động triển lãm chuyên đề, các cuộc thi, hoạt động trải nghiệm nghệ thuật chất lượng, hấp dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu vừa học vừa chơi vừa khám phá nghệ thuật phù hợp với độ tuổi của các em”, bà Trinh cho hay.
Trong khi đó, bà Ngô Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho rằng, để gia tăng số lượng học sinh đến bảo tàng trong dịp hè, cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa nhà trường - phụ huynh - bảo tàng. “Bảo tàng sẽ nghiên cứu, xây dựng chương trình hoạt động hè bổ ích và nhà trường phối hợp giới thiệu, tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh. Về phía phụ huynh cũng cần tích cực cho con đến bảo tàng để hình thành cho các em thói quen, sở thích đi bảo tàng ngay từ nhỏ. Ngoài ra, hằng năm chúng tôi có chương trình giới thiệu bảo tàng tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố để nâng cao nhận thức của công chúng đối với bảo tàng, cũng như giới thiệu, thu hút các gia đình tham gia các hoạt động tại bảo tàng. Chúng tôi rất mong UBND các phường, xã tiếp tục tạo điều kiện thực hiện chương trình này”, bà Vân chia sẻ.
Đầu tư mạnh mẽ các khu vui chơi
Hiện nay, số lượng thanh thiếu nhi trên địa bàn thành phố khá đông, tuy nhiên, số lượng các thiết chế văn hóa, khu vui chơi thể dục-thể thao vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu vui chơi, giải trí của các em. Cùng với sự chung tay của các cơ quan, đơn vị, từ năm 2021 đến nay, Thành đoàn khánh thành 21 khu vui chơi thiếu nhi trên địa bàn thành phố, tuy nhiên, số lượng trên vẫn còn thiếu so với nhu cầu. Bên cạnh đó, nhiều khu vui chơi ngoài trời cho trẻ em sau do tác động thời tiết đã xuống cấp, hư hỏng do đó, cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp.
Về phía phụ huynh, một bộ phận khá ý thức đối với hoạt động vui chơi, giải trí cho con dịp hè. Ngay từ đầu tháng 5, nhiều bậc phụ huynh đã tìm hiểu thông tin các lớp học năng khiếu, kỹ năng sống theo mong muốn của trẻ. Chị N. T. Linh (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) cho biết, qua tìm hiểu, con gái mong muốn tham gia lớp nhảy trên đường Thanh Long (quận Hải Châu) nên chị đã cho học thử và chính thức đăng ký học trong 3 tháng hè.
“Các con nghỉ hè nhưng người lớn phải đi làm, nên tất nhiên không có thời gian đưa con đi đây đó nhiều. Tôi đã chọn cách cùng con trải nghiệm những điều nhỏ nhặt trong thành phố như: đi xe buýt quanh các tuyến đường, chèo thuyền kayak, xem pháo hoa, rồng phun lửa, dạo phố đi bộ Bạch Đằng... Đó cũng là cách cho con thư giãn và gần gũi với gia đình hơn. Tôi còn ấn tượng việc nhóm gia đình các bạn tôi ở chung cư, khuyến khích các con khởi nghiệp từ việc bán sữa chua vào các chiều cuối tuần. Các con tự trang trí bảng hiệu, tự vẽ mũ đội đầu, đi phát tờ rơi, phân công nhau bán hàng… Hoạt động này giúp các con rèn kỹ năng sống, gắn kết bạn bè và ít sử dụng thiết bị điện tử”, chị Linh chia sẻ.
Tương tự, anh N. V. Minh (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) cho con tham gia chương trình trải nghiệm “Voọc ơi mình đi đâu thế?” dành riêng cho các gia đình có con trong độ tuổi 10-14 để tìm hiểu kiến thức chuyên sâu cùng các chuyên gia, tìm hiểu về hệ sinh thái đặc trưng của Sơn Trà, trekking trên cung đường dài 1,5km dưới tán rừng già và cùng ngắm các gia đình Chà vá chân nâu xinh đẹp. “Tôi nghĩ có nhiều cách để kéo con ra khỏi không gian mạng, quan trọng là ba mẹ phải định hướng, khích lệ tinh thần và dành thời gian cho con”, anh Minh bày tỏ.
Theo Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Nguyễn Bá Duân, nhằm tạo môi trường hoạt động hè bổ ích cho thiếu niên nhi đồng, Thành đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn chọn những hoạt động phù hợp với từng lứa tuổi, đồng thời, tăng cường tổ chức trại hè và các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao cho các em tham gia. Thực tế cho thấy, các hoạt động mang đến sự vui tươi, sôi nổi, thiết thực sẽ thu hút đông đảo thanh thiếu nhi tham gia. Bên cạnh đó, các quận, huyện đoàn cần tập huấn, nâng cao kỹ năng cho cán bộ đoàn để triển khai các hoạt động, tránh tổ chức theo kiểu “qua loa, lấy lệ”.
Thành đoàn tiếp tục vận động các mạnh thường quân hỗ trợ, xây mới thêm các thiết chế văn hóa, khu vui chơi, khu thể dục - thể thao cho thanh thiếu nhi nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, sinh hoạt cho các em. “Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cần có sự quan tâm, tăng cường giáo dục, quản lý con em mỗi gia đình. Có như vậy, thanh thiếu nhi mới tránh xa các tệ nạn xã hội, có một mùa hè thiết thực, bổ ích”, anh Duân chia sẻ.
LÊ PHẠM - NGỌC QUỐC