Xã hội

Xây dựng Luật Cấp, thoát nước hướng đến bảo đảm sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường

16:54, 16/08/2024 (GMT+7)

ĐNO - Ngày 16-8, tại Đà Nẵng, Bộ Xây dựng và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp tổ chức hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Cấp, thoát nước.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn thông tin, từ năm 2022, Bộ Xây dựng đã báo cáo Chính phủ về nghiêu cứu, rà soát, xây dựng dự án Luật điều chỉnh về cấp, thoát nước.

Sau một thời gian lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước, đến tháng 6-2024, Quốc hội đã ban hành nghị quyết đưa dự án Luật Cấp, thoát nước vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 với 3 chính sách căn bản là phát triển cấp, thoát nước đồng bộ, thống nhất, hiệu quả theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch; quản lý, vận hành và khai thác hệ thống cấp, thoát nước; bảo đảm nguồn lực phát triển cấp, thoát nước.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, dự thảo Luật Cấp, thoát nước gồm 8 chương, 68 điều.

Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tổ chức 6 buổi hội thảo, tọa đàm, họp lấy ý kiến với đại diện các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cấp, thoát nước, các Hiệp hội, chuyên gia và tổ chức quốc tế.

Nội dung dự thảo Luật Cấp, thoát nước đã được tiếp thu, cập nhật cơ bản các ý kiến đóng góp các chuyên gia, các đại biểu của các hội thảo, tọa đàm...

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Tuy vậy, Bộ Xây dựng tiếp tục lấy ý kiến một số vấn đề trọng tâm như: thúc đẩy đầu tư công trình cấp nước bền vững, cấp nước có quy mô vùng, có chất lượng nước bảo đảm quy định, có chất lượng dịch vụ cao, không phân biệt đô thị nông thôn hay vùng sâu, vùng xa; bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động cấp nước; kiểm soát rủi ro có thể xảy ra do tác động biến đổi khí hậu, sự cố môi trường, an ninh trật tự; kiểm soát nước mưa, phòng chống ngập nước; thúc đẩy đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải...

Bên cạnh đó, nội dung dự thảo Luật Cấp, thoát nước cần có những quy định cụ thể từ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành đến nguồn lực đầu tư, giá dịch vụ; vai trò trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức.,,

“Luật Cấp, thoát nước có tầm quan trọng đến sức khỏe của con người, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Để Luật Cấp, thoát nước đi vào đời sống và đồng bộ, thống nhất với hệ thống văn bản luật hiện hành, Bộ Xây dựng tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế”, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.

Đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Ông Shinoda Takanobu, Phó đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang rất cần một cơ sở pháp lý quy định về các hoạt động trong lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý nước thải, nhằm bảo đảm các hoạt động chính yếu trong đời sống người dân và chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề liên quan đến nước, JICA cũng đã và đang triển khai nhiều dự án vốn vay và hợp tác kỹ thuật tại một số tỉnh, thành phố nhằm xây dựng các nhà máy xử lý nước thải và mạng lưới đường ống thoát nước, từ đó giúp cải thiện môi trường nước, hoạt động thoát nước và xử lý nước thải.

Đồng thời, đang phối hợp với Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) triển khai dự án Hợp tác kỹ thuật nâng cao năng lực hoàn thiện khung pháp lý quản lý thoát nước và xử lý nước thải đô thị trong hơn 1 năm qua với lĩnh vực trọng tâm là thoát nước.

HOÀNG HIỆP

.