Xã hội
Phát huy vai trò phụ nữ trong giám sát, phản biện xã hội
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố chủ động, sáng tạo triển khai công tác giám sát, phản biện xã hội, góp phần quan trọng trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chính sách liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới.
Đoàn giám sát chuyên đề công tác triển khai, thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 làm việc với khu dân cư, thành viên tổ hòa giải. Ảnh: X.D |
Thực hiện chương trình công tác năm 2024, Hội LHPN thành phố phối hợp các đơn vị, sở, ngành triển khai nhiều đoàn giám sát 2 chuyên đề, gồm: công tác triển khai, thực hiện Luật phòng chống bạo lực gia đình 2022 và phân loại rác thải sinh hoạt tại các quận, huyện trên địa bàn.
Trong việc giám sát thực hiện Luật phòng chống bạo lực gia đình 2022, hội làm việc với hơn 10 địa chỉ tin cậy, tổ hòa giải ở 3 phường: Hòa An (quận Cẩm Lệ), Hòa Minh (quận Liên Chiểu) và Hòa Khê (quận Thanh Khê). Trong đó, phường Hòa Minh là địa phương điển hình trong triển khai luật, kịp thời giải quyết nhiều vụ việc bạo lực gia đình. Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh Phạm Tiến Thành cho biết, địa phương có mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh, thực hiện chức năng bảo vệ an toàn, chăm sóc sức khỏe, tâm lý cho người bị bạo lực và can thiệp, xử lý người gây ra bạo lực.
Nhờ có mô hình, số vụ bạo lực giảm dần qua các năm (năm 2023: 13 vụ, năm 2024: 3 vụ), không có vụ việc mang tính chất nghiêm trọng. Ngoài ra, địa phương luôn quan tâm tuyên truyền cộng đồng dân cư chấp hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở nhằm ứng phó kịp thời khi có tình huống bạo lực gia đình xảy ra ở khu dân cư, tổ dân phố.
Đối với công tác giám sát phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, Hội LHPN thành phố tổ chức nhiều đoàn làm việc với các địa phương, khu dân cư trên địa bàn. Qua giám sát, đoàn ghi nhận nhiều kết quả tích cực từ công tác triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hội gia đình; đồng thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc triển khai thực hiện công tác này tại địa phương.
Phó ban Tuyên giáo - Chính sách, Pháp luật (Hội LHPN thành phố) Trần Thị Thu Huyền cho hay, ghi nhận qua giám sát, người dân đã dần nâng cao ý thức về phân loại rác thải tại nguồn và áp dụng nhiều mô hình hiệu quả như thu gom rác tái chế, thu gom pin cũ, sản xuất phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn trong công tác này, điển hình như: thiếu trang thiết bị, thiếu chủ động trong phương án thu gom và xử lý các nhóm chất thải rắn sinh hoạt nguy hại, cồng kềnh. Trên cơ sở đó, đoàn đề nghị địa phương tiếp tục duy trì và phát huy các mô hình hay về phân loại rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường; đề xuất giải pháp đưa việc phân loại chất thải rắn trở thành thói quen, nếp sống của người dân. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường thành phố ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Cuối tháng 7, HĐND thành phố ban hành nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ chi phí mua điện thoại thông minh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố, tạo được dư luận tích cực, người dân đồng tình. Ngoài các cơ quan, đơn vị góp ý dự thảo nghị quyết, Hội LHPN thành phố tích cực góp ý, kiến nghị nhằm hỗ trợ đúng đối tượng, tạo điều kiện tối đa cho gia đình chính sách mua điện thoại thông minh; đề nghị thành phố giao cơ quan chuyên môn làm việc với các công ty kinh doanh điện thoại thông minh theo hướng tạo điều kiện hỗ trợ người dân mua sắm trước, trả tiền sau; hỗ trợ sim, card điện thoại cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn thành phố.
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Lương Thị Đạo, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các cấp hội phụ nữ thành phố đã phát huy được quyền làm chủ, sự tham gia và trí tuệ của cán bộ, hội viên, góp phần đẩy mạnh thực hành dân chủ xã hội.
Qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, những đề xuất, kiến nghị của hội đã được thành phố, các sở, ngành tiếp thu, điều chỉnh, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Thời gian tới, Hội LHPN thành phố tiếp tục bám sát định hướng giám sát, phản biện xã hội của Trung ương, yêu cầu nhiệm vụ chính trị, cũng như vấn đề xã hội, hội viên quan tâm để chọn vấn đề giám sát phù hợp từng năm.
“Việc tổ chức, thành lập các đoàn giám sát chuyên đề với sự tham gia của các ban, ngành liên quan; có phương pháp làm việc khoa học, phù hợp... để việc giám sát, phản biện xã hội đạt hiệu quả, chất lượng cao, phát huy vai trò của tổ chức hội, hội viên đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, bà Đạo cho hay.
THIÊN DUYÊN