Xã hội

Tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện

07:20, 19/09/2024 (GMT+7)

Thực hiện chương trình hành động vì trẻ em thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, các cấp chính quyền, hội đoàn thể thành phố đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc, bảo vệ, tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố an toàn, thân thiện với trẻ em.

Chăm sóc trẻ được gia đình, nhà trường, các cơ quan, đơn vị thường xuyên quan tâm. Trong ảnh: Vui hội trăng rằm đón Trung thu năm 2023 do Báo Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: GIA PHÚC
Chăm sóc trẻ được gia đình, nhà trường, các cơ quan, đơn vị thường xuyên quan tâm. TRONG ẢNH: Vui hội trăng rằm đón Trung thu năm 2023 do Báo Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: GIA PHÚC

Chăm sóc, bảo vệ trẻ em yếu thế

Quận Thanh Khê hiện có hơn 49.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 20,55% dân số. Trong đó, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chiếm 1%, bao gồm trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ, trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo; trẻ em sống trong gia đình nghèo, cận nghèo; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ.

Hằng năm, chính quyền, các hội, đoàn thể quận cụ thể hóa các chương trình bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Các ngành, hội, đoàn thể tăng cường vận động các nguồn lực giúp đỡ, chăm sóc trẻ em; xây dựng, nâng cấp các công trình phúc lợi cho trẻ; hỗ trợ cải thiện điều kiện sống, cơ hội phát triển toàn diện, bình đẳng cho mọi trẻ em... Bên cạnh đó triển khai các hoạt động phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trẻ em.

Quận Sơn Trà hiện có gần 40.000 trẻ em, trong đó 453 em có hoàn cảnh đặc biệt, gần 4.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bao gồm trẻ em sống trong gia đình nghèo, cận nghèo; mồ côi cha hoặc mồ côi mẹ…

Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Huỳnh Văn Hùng cho biết, toàn quận có 8 tổ tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường THCS; niêm yết và thông tin rộng rãi đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và Tổng đài 1022 của thành phố để liên hệ khi cần thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em hoặc cần giúp đỡ. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp quận xây dựng các “địa chỉ tin cậy” để phụ nữ, trẻ em tạm lánh khi cần thiết; phối hợp xử lý các vụ việc về bạo hành trẻ em, trẻ em bị bỏ rơi, nhận đỡ đầu 150 trẻ mồ côi. Năm 2023, toàn quận có 1.410 học sinh được hỗ trợ chi phí học tập, 1.198 học sinh được miễn giảm học phí, tổng số tiền hơn 2,85 tỷ đồng…

Nhờ thực hiện tốt các chương trình mục tiêu về chăm sóc sức khỏe trẻ em, 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn quận được quan tâm, chăm sóc dưới nhiều hình thức khác nhau. Tổng kinh phí đầu tư cho công tác trẻ em năm 2023 hơn 9,5 tỷ đồng.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Thu Hương, tháng 6 hằng năm được chọn là tháng hành động vì trẻ em với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa được tổ chức từ thành phố đến cơ sở. Trong tháng hành động vì trẻ em năm 2024, các ngành, hội, đoàn thể và địa phương tích cực vận động nguồn lực chăm lo cho trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng. Kết quả, trao tặng gần 55.550 suất quà, hơn 4.900 suất học bổng; khám, chữa bệnh miễn phí cho 11.850 trẻ em,…với tổng kinh phí hơn 12,9 tỷ đồng.

Trẻ em tham gia ý kiến tại chương trình đối thoại của lãnh đạo thành phố với trẻ em năm 2024. Ảnh: XUÂN DŨNG
Trẻ em tham gia ý kiến tại chương trình đối thoại của lãnh đạo thành phố với trẻ em năm 2024. Ảnh: XUÂN DŨNG

Lắng nghe tiếng nói của trẻ em

Tại Điều 78, Luật Trẻ em quy định về việc bảo đảm để trẻ em tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em nêu rõ: hằng năm, HĐND các cấp chủ trì, phối hợp các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tổ chức gặp mặt, đối thoại, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em về các vấn đề trẻ em quan tâm”. Trên cơ sở đó, hằng năm, lãnh đạo thành phố và các địa phương tổ chức gặp mặt, đối thoại trực tiếp để lắng nghe tiếng nói của trẻ em. Tại chương trình đối thoại của lãnh đạo thành phố với trẻ em năm 2024 do HĐND và UBND thành phố tổ chức, trẻ em phát biểu ý kiến, bày tỏ nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến chính mình.

Theo Lê Phương Tú (học sinh Trường THCS Tây Sơn, quận Hải Châu), dù thành phố đã quan tâm, đầu tư xây dựng nhiều khu vui chơi, thiết chế văn hóa mới cho thiếu nhi tại cơ sở, tuy nhiên sân chơi của thiếu nhi vẫn còn hạn chế, nhất là ở các khu vực xa trung tâm như: huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu, quận Ngũ Hành Sơn. Tú mong muốn thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng, đa dạng sân chơi, thiết chế văn hóa cho trẻ em, tạo điều kiện để thanh thiếu nhi nâng cao đời sống tinh thần. Lê Nguyễn Anh Thư (học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, quận Hải Châu) cũng nêu lên thực trạng văn hóa ứng xử của một bộ phận học sinh; mong muốn các sở, ngành, đơn vị có nhiều hoạt động giáo dục nhằm xây dựng đạo đức và nâng cao văn hóa học đường trong học sinh.

Trong khi đó, Trương Ngọc Trâm (học sinh Trường Tiểu học số 2 Hòa Liên, huyện Hòa Vang) đề xuất thành phố xây dựng ứng dụng riêng cho thiếu nhi, trong đó thông tin về Luật Trẻ em, các sân chơi triển khai cho thiếu nhi, diễn đàn giao lưu và tư vấn tâm lý cho thiếu nhi để trẻ em có sân chơi trực tuyến an toàn… Đặc biệt, trẻ em cũng nêu lên nhiều thực trạng đáng báo động như: thuốc lá điện tử, bạo lực học đường, lao động trẻ em, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; đồng thời mong muốn chính quyền thành phố, các sở, ngành, địa phương có những giải pháp hiệu quả nhằm mang lại môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Đăng Hoàng cho biết, những nguyện vọng, ý tưởng khả thi của trẻ em sẽ được nghiên cứu, đề xuất thành phố có những định hướng, giải pháp, kế hoạch hành động vì trẻ em trong thời gian đến, góp phần chăm sóc, bảo vệ, tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện.

LAM PHƯƠNG

.