Xã hội
Chủ động phòng, chống lụt bão, kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai
Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố xây dựng nhiều giải pháp, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn sát với đời sống của ngư dân, góp phần giảm thiệt hại khi ra khơi hoạt động đánh bắt trên biển.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Trà hỗ trợ, giúp dân phòng, chống bão số 3-2024. Ảnh: NHƯ THẢO |
Theo Đại tá Hồ Sĩ Hậu, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP thành phố, ngay từ đầu năm, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai.
Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố là Phó ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn phụ trách công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn trên biển, sông của thành phố; chỉ đạo công tác thông tin quản lý tàu thuyền, nghề cá, là cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn trên biển của thành phố. Đồng thời thường xuyên trao đổi với Đài thông tin duyên hải Đà Nẵng nắm bắt và thông tin kịp thời cho ngư dân hoạt động trên biển biết về tình hình bão, áp thấp nhiệt đới và các thiên tai khác để tránh, trú an toàn cho người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc với ngư dân để nắm tình hình trên biển, nhất là khi có tin bão, áp thấp nhiệt đới. BĐBP chỉ đạo các đồn, trạm biên phòng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, kêu gọi tàu thuyền trở về, hướng dẫn các phương tiện tìm nơi trú đậu an toàn; tổ chức bắn pháo hiệu cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới theo quy định.
Trong năm nay, BĐBP thành phố thực hiện chế độ bắn pháo hiệu trên đất liền được 30 lần; huy động hàng trăm ngày công giúp dân làm đường, sửa chữa và chằng chống nhà cửa, đưa hàng trăm tàu thuyền lên bờ tránh bão.
Trong cơn bão số 3 vừa qua, tuy tâm bão không vào Đà Nẵng nhưng BĐBP thành phố đã kịp thời thông báo, kêu gọi hàng ngàn phương tiện hoạt động trên biển tìm nơi trú ẩn an toàn. Đối với tàu vận tải, đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát đề nghị thuyền trưởng có phương án neo đậu không để xảy ra thiệt hại khi bão đổ bộ. Đối với tàu du lịch trên sông Hàn, BĐBP thành phố tuyên truyền, hướng dẫn cơ động về phía thượng nguồn sông Cẩm Lệ tránh thiệt hại khi lũ đổ về; nghiêm cấm tàu tiếp nhiên liệu neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang để bảo đảm công tác phòng, chống cháy nổ.
Theo Đại tá Hồ Sĩ Hậu, cần hình thành ý thức tự bảo vệ của mỗi người và mỗi phương tiện, nhất là ngư dân, các chủ tàu, các thuyền trưởng, gắn trách nhiệm của họ đối với chính mình và người lao động. Ngoài ra, phải có thông tin khách quan, chính xác, kịp thời; nhất là khi có sự cố trên các vùng biển xa để ngư dân có thời gian chuẩn bị, lựa chọn phương án phòng tránh. Song song đó, xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa BĐBP với ngư dân, sao cho BĐBP vừa là chỗ dựa, vừa có kiến thức cần thiết để hướng dẫn ngư dân lựa chọn phương án và xử lý một số tình huống đột xuất trên biển.
Bên cạnh đó, các đồn, trạm kiểm soát biên phòng cũng tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, nhất là vào các thời gian trọng điểm, kiên quyết không cho ra khơi những phương tiện không đủ điều kiện về kỹ thuật và an toàn hàng hải; kết hợp kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất, để từng bước hình thành thói quen bắt buộc đối với ngư dân khi ra khơi phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn.
BĐBP thành phố thường xuyên rà soát, bổ sung các phương án phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn của đơn vị, cụ thể hóa phương châm “4 tại chỗ”; dự kiến các tình huống và cách xử lý như: mất điện, mất nước, tắc đường và công tác bảo đảm an ninh trật tự trước, trong và sau bão. BĐBP còn tổ chức tốt công tác phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng trước khi có bão, lũ xảy ra. Khi có sự cố về thiên tai, trên cơ sở phương án, kế hoạch đã được phê duyệt, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị được phép huy động tối đa lực lượng, phương tiện có trong biên chế cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời cứu người và tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại, khắc phục hậu quả bão, lũ, coi đó là mệnh lệnh, nhiệm vụ quan trọng trong công tác sẵn sàng chiến đấu.
NHƯ THẢO