Xã hội

Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn

07:41, 29/10/2024 (GMT+7)

Từ ngày 1-1-2025, rác sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác để bảo đảm thực hiện quy định trên.

Nhiều khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn thành phố thường xuyên tổ chức thu gom rác tái chế, thúc đẩy phân loại rác tại nguồn. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Nhiều khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn thành phố thường xuyên tổ chức thu gom rác tái chế, thúc đẩy phân loại rác tại nguồn. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được UBND thành phố quan tâm và chỉ đạo; các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố thực hiện thường xuyên để bảo đảm thực thi các quy định của luật.

Theo Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quy, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định bắt buộc phân loại rác tại nguồn với các nội dung, lộ trình cụ thể. Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã có quy định về xử lý hành vi không phân loại rác. Nhưng việc phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn thành phố vẫn còn mang tính khuyến khích, chưa hoàn toàn mang tính cưỡng chế, nhận thức và hành động của một bộ phận người dân hạn chế, một số gia đình chưa quan tâm đúng mức...

Hội Luật gia thành phố đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật cho người dân về bảo vệ môi trường, đặc biệt tuyên truyền thực hiện phân loại rác tại nguồn đồng bộ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đồng thời, phối hợp các đơn vị trên địa bàn thành phố tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ luật gia, luật sư, cán bộ tư vấn pháp luật để tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có phân loại rác tại nguồn với nhiều hình thức.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Nguyễn Văn Duy, hoạt động phân loại rác tại nguồn đã được quận tiếp cận và triển khai từ nhiều năm trước với phương thức là các hộ gia đình phân loại, tách riêng rác tài nguyên (các loại rác có thể bán được), rồi các hội, đoàn thể, khu dân cư, tổ chức tự nguyện thu gom và bán để gây quỹ an sinh xã hội, phúc lợi. Kết quả thực hiện năm 2023 cho thấy, toàn bộ 645 tổ dân phố trên địa bàn quận Hải Châu đều đã được tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện phân loại rác, trong đó có 639/645 (99%) tổ dân phố, 98,3% số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và 100% số trường học, cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện phân loại rác có khả năng tái sử dụng, tái chế ra khỏi rác sinh hoạt.

Năm 2024, UBND quận Hải Châu đã chỉ đạo mỗi phường tập trung lựa chọn và triển khai thí điểm mô hình phân loại, thu gom chất thải thực phẩm phù hợp với tình hình thực tiễn của khu vực từng địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phân loại rác sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn quận vẫn còn có nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức. Quận kiến nghị thành phố sớm bổ sung một số quy định về quản lý rác sinh hoạt và có chính sách xã hội hóa thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế... cũng như đầu tư đồng bộ về hạ tầng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông với hình thức đa dạng và đưa công tác phân loại rác tại nguồn thành chuyên đề thi đua, có hình thức khen thưởng, động viên...

Phó Chi cục Biển đảo và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Phạm Thị Chín cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có nhiều mô hình bảo vệ môi trường được xây dựng và nhân rộng, trong đó có nhiều mô hình thực hiện phân loại rác tại nguồn như: thùng thu gom pin thải, mái nhà xanh, trồng chuối lấy lá, điểm tập kết rác văn minh, thôn không rác, trường học không rác, phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni-lông… Thành phố đã, đang triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt, trong đó, đã đầu tư 2 trạm trung chuyển rác hiện đại ở khu vực quận Sơn Trà và đường Lê Thanh Nghị (quận Hải Châu) và chọn vị trí đầu tư thêm một số trạm trung chuyển rác, điểm thu gom, phân loại rác...

Theo kế hoạch, năm 2024, thành phố hướng đến thực hiện đáp ứng quy định về phân loại, lưu giữ, chuyển giao rác sinh hoạt với mục tiêu thực hiện phân loại rác tại hơn 95% số tổ dân phố, 90% hộ gia đình; 70% cơ sở công nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phân loại rác; 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, du lịch; 100% trường học, cơ sở y tế; 80% chợ, siêu thị, trung tâm thương mại... và triển khai thí điểm các mô hình phân loại, thu gom chất thải thực phẩm.

Lãnh đạo Chi cục Biển đảo và môi trường đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương cần tiếp tục tổ chức phổ biến, tuyên truyền về các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; đặc biệt là phân loại rác tại nguồn theo phương thức của thành phố để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, khu dân cư; chia sẻ các tài liệu hướng dẫn giảm thiểu rác và phân loại rác tại nguồn, các câu hỏi thường gặp (tài liệu phát tay, video…) và lan tỏa các mô hình, câu chuyện hay, kết quả các chiến dịch, chương trình phân loại rác tại nguồn; khuyến khích xây dựng các mô hình kiểu mẫu về phân loại rác thải tại đơn vị, địa phương, cơ sở.

Bên cạnh đó, UBND các phường, xã cần thông tin đầy đủ cho các tổ dân phố, thôn, hộ gia đình về phương thức phân loại rác, lịch trình thu gom các loại rác; tổ chức hiệu quả các ngày hội thu gom rác tái chế, tuần lễ thu gom rác thải nguy hại để thu gom tập trung. Cùng với đó, phối hợp với UBND các quận, huyện lồng ghép trong công tác kiểm tra thực tế, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ phân loại rác sinh hoạt tại nguồn đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý.

HOÀNG HIỆP

.