Xã hội
Giữ chân người lao động
Hiện nay, thành phố có khoảng 300.000 lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức. Với xu hướng người lao động tìm kiếm các công việc tự do khiến các doanh nghiệp phải cải thiện chế độ đãi ngộ để giữ chân người lao động.
Anh Nguyễn Thang S. (28 tuổi, Quảng Nam), trước đây từng làm nhân viên marketing cho một công ty truyền thông. Sau 1 năm đi làm, anh quyết định nghỉ việc để làm công việc tự do về nhiếp ảnh và quay video. Lý do khiến anh quyết định làm việc tự do là được thỏa mãn đam mê và không bị lệ thuộc vào các quy định của doanh nghiệp.
Tương tự, sau 4 năm làm công nhân tại doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Hòa Khánh, chị Nguyễn Thị Thanh Hương (25 tuổi, Quảng Nam) tích góp đủ số vốn nhỏ nên quyết định nghỉ việc tại công ty. Hiện nay, chị mở bán hàng áo quần, đồ gia dụng,... trên mạng xã hội. Chị tiết lộ, so với đi làm tại các nhà máy theo giờ hành chính, công việc hiện tại cho thu nhập tốt hơn mà vẫn có thời gian chăm sóc gia đình.
Theo đại diện Công ty TNHH Pi Vina Danang (Khu công nghiệp Hòa Khánh), thời gian qua, việc tuyển dụng công nhân may của công ty gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp đã thay đổi nhiều chính sách, tăng các điều khoản về lương, thưởng nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn người lao động. Về yêu cầu tuyển dụng, doanh nghiệp sẵn sàng đào tạo từ đầu đối với người lao động không có kinh nghiệm. Mới đây, công ty quyết định đưa ra chính sách tuyển dụng mời gọi công nhân cũ quay trở lại làm việc, vẫn giữ nguyên mức lương, chế độ, thâm niên, thưởng lương tháng 13… với mong muốn thu hút được người lao động để chuẩn bị cho các đơn hàng vào dịp cuối năm.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Du lịch thương mại Phú An Thịnh Lê Thị Thanh Nhi cho biết, để người lao động gắn bó lâu dài, doanh nghiệp phải không ngừng thích ứng và tìm kiếm cách tiếp cận mới để thu hút và giữ chân nhân tài, đồng thời xây dựng một môi trường làm việc hỗ trợ sự phát triển lâu dài và hạnh phúc cho nhân viên. Hiện nay, các chính sách về tăng lương bình quân 5-12%/năm, thưởng nhân viên làm xuất sắc, hoạt động vui chơi, tổ chức dã ngoại, quan tâm hỗ trợ các gia đình người lao động có hoàn cảnh khó khăn luôn được công ty duy trì trong nhiều năm qua nên không có biến động về người lao động nhiều.
Theo Liên đoàn Lao động thành phố, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 300.000 lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức. Phần nhiều trong số này có việc làm chưa ổn định, làm các công việc tự do. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Lê Văn Đại cho biết, trong bối cảnh hiện nay, xu hướng dịch chuyển từ lao động chính thức sang lao động tự do ngày một tăng.
Để giữ chân người lao động, các chủ doanh nghiệp phối hợp Công đoàn cơ sở nỗ lực triển khai nhiều hoạt động chăm lo, quan tâm đến người lao động và gia đình của họ. Mới đây nhất, nhiều đơn vị, doanh nghiệp tổ chức chương trình vui Tết Trung thu ấm áp, sẻ chia đối với con, em người lao động. Bên cạnh đó, số lượng lao động tự do tăng, đòi hỏi Liên đoàn Lao động thành phố có giải pháp để tập hợp, quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ, chăm lo và đại diện bảo vệ. Công đoàn tiếp tục đẩy mạnh vận động thành lập các nghiệp đoàn, làm sao không để người lao động lọt lưới an sinh xã hội.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Nguyễn Trí Đại cho biết, hiện nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong tháng 8 là 27.988 người, tăng 1.394 người so với tháng trước. Với xu thế như hiện nay, Bảo hiểm xã hội thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Qua đó góp phần bảo đảm công tác an sinh xã hội, ổn định cuộc sống, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.
XUÂN HẬU