Xã hội
Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố tích cực triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp từng đối tượng và địa bàn, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân. Qua đó, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý Nhà nước bằng pháp luật.
Công an quận Cẩm Lệ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại các trường học. Ảnh: L.H |
Theo Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố, các ngành, các cấp trên địa bàn thành phố đã định hướng rõ nội dung pháp luật cần tuyên truyền trong từng giai đoạn cụ thể theo yêu cầu đặt ra. Các hình thức PBGDPL truyền thống, như: tuyên truyền miệng, tọa đàm, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, thi tìm hiểu pháp luật, trả lời, giải đáp pháp luật, phóng sự phản ánh, phim chuyên đề, hội thi sân khấu hóa, sinh hoạt CLB tuổi trẻ phòng, chống tội phạm... được thực hiện có hiệu quả với nhiều cải tiến phong phú, sáng tạo về hình thức và nội dung, phương pháp thể hiện...
Lãnh đạo Sở Tư pháp cho biết, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trên địa bàn thành phố đã trở thành lực lượng nòng cốt trong triển khai nhiệm vụ PBGDPL tại cơ quan, đơn vị và địa bàn cơ sở. Đến nay, thành phố có 95 báo cáo viên pháp luật thành phố, 203 báo cáo viên pháp luật quận, huyện và 2.075 tuyên truyền viên pháp luật phường, xã.
Thời gian qua, UBND thành phố chỉ đạo, tổ chức triển khai Luật PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào tình hình địa bàn, dân cư, các vấn đề nổi lên để lựa chọn nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, liên tục...
Thiếu tá Nguyễn Bá Nhất, Phó trưởng Công an xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) khẳng định: “Công an xã tập trung đổi mới hình thức tuyên truyền, kết hợp giữa các hình thức truyền thống với ứng dụng công nghệ thông tin. Lấy hoạt động tuyên truyền, giáo dục làm giải pháp trọng tâm, chủ yếu để phòng ngừa xã hội, phòng ngừa ngay tại cơ sở, ngay từ gia đình. Từ đó, giúp nhân dân cập nhật kịp thời, thường xuyên về tình hình an ninh trật tự; phương thức, thủ đoạn của tội phạm, tác hại của ma túy, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường; kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình”.
Theo Phòng Tư pháp quận Hải Châu, công tác PBGDPL trên địa bàn quận có sự đổi mới nội dung, hình thức và biện pháp bám sát nhu cầu xã hội và yêu cầu quản lý Nhà nước, thực tiễn thi hành pháp luật. Các phòng, ngành, hội đoàn thể và UBND 13 phường chú trọng hơn trong việc nắm bắt nhu cầu thông tin về pháp luật để lựa chọn nội dung PBGDPL phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.
Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn quận thực hiện hơn 7.498 buổi phổ biến pháp luật trực tiếp với hơn 1,024 triệu lượt người tham gia. Đồng thời, tổ chức 94 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 39.725 lượt người dự thi. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương biên soạn và phát hành hơn gần 1,795 triệu bản tài liệu pháp luật; tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan như: băng-rôn, khẩu hiệu, pa-nô, phước trên các tuyến đường, các chốt giao thông; tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên trang thông tin điện tử quận... qua đó giúp nhân dân nắm bắt các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Nhiều mô hình pháp luật có hiệu quả được triển khai như: “Tiếng loa thanh niên” của Quận đoàn Hải Châu, “Thanh niên tố giác tội phạm qua ứng dụng zalo” của công an quận, “Nông dân với pháp luật” của Hội Nông dân, “CLB tư vấn pháp luật miễn phí” của phường Phước Ninh, “Bản tin pháp luật hằng quý” của các phường Thuận Phước, Hải Châu 2, Nam Dương...
Cùng với việc tuyên truyền theo phương thức truyền thống, các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL. Sở Tư pháp tham mưu UBND thành phố xây dựng Trang thông tin điện tử PBGDPL để cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin về pháp luật. Việc xây dựng Trang thông tin điện tử PBGDPL thành phố đã tăng cường khả năng cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cho các tổ chức, công dân; đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử, góp phần đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân trên địa bàn thành phố…
Lãnh đạo Công an thành phố cho biết, thời gian qua, các trang facebook “Công an thành phố Đà Nẵng, “Tuổi trẻ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ&CNCH Đà Nẵng”, “Cảnh sát giao thông Đà Nẵng” và các trang facebook do công an các địa phương thành lập đã góp phần thông tin, truyền thông các chính sách, phản bác, phản biện đối với các thông tin sai, trái của các thế lực thù địch trong và ngoài nước về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của thành phố và đất nước trên không gian mạng. Cũng như, kịp thời định hướng dư luận, lan tỏa thông tin tích cực đến cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố; đồng thời tiếp nhận các ý kiến phản hồi, tương tác giải thích liên quan đến chính sách.
Ngoài ra, công an các đơn vị, địa phương duy trì và phát huy hiệu quả ứng dụng của mạng xã hội và các trang fanpage, đăng tải hàng nghìn tin, bài, hình ảnh tuyên truyền, phản bác những luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái thù địch, chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, gương người tốt việc tốt, mô hình hay.
LÊ HÙNG