Xã hội

Nhiều nạn nhân dính bẫy lừa đảo trực tuyến

08:04, 31/10/2024 (GMT+7)

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến bằng việc dụ dỗ nộp tiền vào quỹ để “sinh lời”, làm nhiệm vụ trực tuyến có trả phí hoặc đăng ký thẻ căn cước trực tuyến... là những thủ đoạn không mới, song vẫn khiến nhiều người sập bẫy. Dù cơ quan chức năng liên tục tuyên truyền, cảnh báo nhưng do hám lợi hoặc thiếu hiểu biết, nhiều người vẫn rơi vào cảnh tiền mất, tật mang.

Giữa tháng 10-2024, chị N.T.T (42 tuổi, quận Thanh Khê) truy cập đường link và được hướng dẫn nạp tiền vào quỹ để “sinh lời”. Ban đầu chị T. nộp 2 triệu đồng thì nhận lại được 2,126 triệu đồng. Thấy “việc nhẹ lương cao”, chị T. tiếp tục nộp 30-60 triệu đồng (tổng số tiền 390 triệu đồng). Sau khi thực hiện thao tác rút tiền về, hệ thống liên tục báo lỗi, chị T. mới biết mình bị lừa…

Đầu tháng 9-2024, chị L.T.N (40 tuổi, Đà Nẵng) nhận được lời mời kết bạn trên facebook từ một tài khoản lạ. Sau đó, tài khoản này mời chị đầu tư tiền ảo qua mạng. Chị N. lần lượt nộp vào 12 triệu đồng và 30 triệu đồng thì rút về được 16 triệu đồng và 58 triệu đồng. Thấy việc đầu tư quá dễ dàng, chị N. nộp thêm 180 triệu đồng. Lúc này, hệ thống liên tục đưa ra các lý do để yêu cầu chị nộp thêm tiền vào mới rút tiền lãi ra được…

Chị N. liên tục chuyển cho các đối tượng hơn 3 tỷ đồng rồi bị chiếm đoạt. Không dừng lại đó, các đối tượng tiếp tục sử dụng facebook có tên “Luật sư Huy” tiếp cận chị N. và giới thiệu có thể lấy lại tiền lừa đảo. Do thiếu hiểu biết, chị N. tiếp tục bị các đối tượng lừa đảo thêm 400 triệu đồng.

Ngày 19-10, tài khoản zalo tên “Đặng Bình” gọi điện hướng dẫn anh N.T (34 tuổi, quận Thanh Khê) đăng ký làm thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi. “Đặng Bình” hướng dẫn anh T. tải ứng dụng “Dịch vụ công”. Sau khi cài đặt, cung cấp các thông tin cá nhân (số căn cước công dân, điện thoại, mật khẩu VNeID) và xác thực khuôn mặt thì tài khoản ngân hàng của anh T. bị trừ 3 lần với số tiền lần lượt 1.000 đồng, 10.000 đồng và 300 triệu đồng. Ngoài ba hình thức lừa đảo trên, tại Đà Nẵng cũng ghi nhận thêm các trường hợp bị lừa đảo trực tuyến.

Đơn cử, ngày 12-10, chị C.T.H (35 tuổi, quận Thanh Khê) nhận tin nhắn từ một tài khoản faceboook với nội dung tư vấn việc làm. Theo đó, chị H. được hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ trên trang web bán hàng để nhận tiền công. Sau khi nộp 3 triệu đồng và hoàn thành nhiệm vụ thì hệ thống nhiều lần báo lỗi, yêu cầu chị H. nộp thêm tiền để khắc phục lỗi. Chị H. tiếp tục nộp tổng cộng hơn 362 triệu đồng nhưng vẫn không nhận lại được tiền...

Tháng 9-2024, thông qua facebook, tài khoản Phương Nghi gửi cho anh Đ.M.Đ (23 tuổi, quận Ngũ Hành Sơn) một đường link và hướng dẫn tải app về làm nhiệm vụ để nhận tiền. Ban đầu, Phương Nghi gửi cho anh Đ. 500.000 đồng để lấy lòng tin. Thấy công việc nhàn hạ, lại nhanh có tiền, anh Đ. nộp tiền vào để làm các nhiệm vụ lớn hơn. Sau khi anh Đ. nộp hết số tiền 90 triệu đồng thì bị Phương Nghi khóa tài khoản và chặn facebook.

Theo lãnh đạo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố), dấu hiệu để nhận biết thủ đoạn trên là đối tượng thường sử dụng các tài khoản mạng xã hội giả mạo, đăng tin tuyển cộng tác viên làm việc online, chỉ cần điện thoại thông minh và máy tính có kết nối mạng, làm nhiệm vụ đánh giá sản phẩm, thanh toán đơn hàng ảo, click quảng cáo... thì có thể kiếm về thu nhập cao.

Để phòng tránh trường hợp bị lừa đảo với các phương thức, thủ đoạn nêu trên, Công an thành phố khuyến cáo người dân cẩn trọng trước những lời mời kết bạn trên mạng xã hội, cảnh giác với các cuộc gọi từ số điện thoại lạ, cân nhắc kỹ khi tham gia vào các nhóm đầu tư tài chính, lời mời kết bạn từ các đối tượng lạ trên các mạng xã hội. Không tham gia ứng dụng đầu tư tài chính, sàn giao dịch quốc tế được quảng cáo lãi suất cao, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo để bảo vệ mình và tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính.

Khi có nhu cầu tìm việc làm online, cần tìm hiểu kỹ về các đơn vị tuyển dụng, đặc biệt là các thông tin tuyển dụng việc nhẹ lương cao, cộng tác viên đánh giá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, công việc yêu cầu ứng tiền trước để làm nhiệm vụ...

Tuyệt đối không chuyển tiền trước để thực hiện các nhiệm vụ, công việc tìm kiếm qua mạng khi chưa xác thực chính xác danh tính của công ty chủ quản... Đối với việc yêu cầu đăng ký làm thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, Công an thành phố khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi nhận các cuộc gọi, tin nhắn từ zalo tự xưng là cán bộ cơ quan Nhà nước đề nghị cung cấp thông tin cá nhân. Tuyệt đối không chia sẻ, cung cấp thông tin của bản thân cho người khác qua điện thoại hoặc mạng xã hội.

LÊ HÙNG

.