Xã hội

Bảo vệ đồng ruộng trước tác hại của thuốc bảo vệ thực vật

08:36, 02/11/2024 (GMT+7)

Mô hình “Bi bê-tông thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật” do Hội Nông dân thành phố triển khai phát huy hiệu quả, giúp khắc phục tình trạng người dân vứt bừa bãi vỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng ra khu vực kênh, mương, bờ ruộng, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Để hơn 3 sào lúa sinh trưởng, phát triển tốt và không bị sâu bệnh phá hoại, hạn chế cỏ mọc rậm, mỗi mùa, ông Nguyễn Thanh Quý (thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) thường phun thuốc trừ cỏ và thuốc diệt bọ rầy. Trước đây, do chưa có điểm tập kết nên ông vứt vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở khu vực kênh, mương, bờ ruộng, hoặc đốt bỏ. Năm 2023, được Hội Nông dân xã Hòa Phước tuyên truyền và lắp đặt các bi bê-tông chứa rác nguy hại trên cánh đồng, từ đó, ông Quý và nhiều nông dân trên địa bàn khắc phục tình trạng vứt rác nguy hại bừa bãi trên cánh đồng.

Hiện nay, xã Hòa Phước lắp đặt gần 70 bi bê-tông trên 129ha đồng ruộng, khu vực trồng hoa, cây cảnh. Ông Phạm Văn Muộn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phước cho biết, hằng tháng, hội viên nông dân các thôn ra quân thu gom rác tại các bể chứa và tập kết vào các thùng đựng rác màu vàng đặt tại các địa điểm công cộng để công nhân thu gom theo đúng quy định. Mỗi quý có khoảng 40kg chai lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật được thu gom. Đến nay, địa phương không còn tình trạng vứt rác thải nguy hại trên cánh đồng, góp phần thực hiện tốt công tác xây dựng môi trường an toàn, văn minh theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Người dân xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) trồng gần 470ha lúa mỗi mùa. Trung bình mỗi hecta nông dân sử dụng khoảng 15 lọ thuốc tăng trưởng, kích thích, trừ sâu, bọ rầy... ước tính lượng rác nguy hại thải ra môi trường là không hề nhỏ. Bên cạnh đó, sau khi vứt đi, trong các vỏ bao bì này còn tồn dư từ khoảng 5% lượng thuốc, có khả năng lưu tồn lâu dài trong đất, ngấm vào nguồn nước, ảnh hưởng xấu đến các sinh vật và con người. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tiến Đặng Văn Quang cho biết, trước thực trạng trên, hội thành lập 12 tổ thu gom, phân loại rác thải nguy hại trên các cánh đồng.

Bên cạnh đó, hội lắp đặt 60 bi bê-tông dọc đường giao thông nội đồng để người dân thuận tiện bỏ rác nguy hại. Mỗi tháng hai lần, các tổ ra quân thu gom rác thải tại các bi bê-tông và phân loại rác thải nguy hại vào thùng rác riêng để xử lý. Hiện nay, các cánh đồng trên địa bàn an toàn hơn nhiều, người dân làm đồng yên tâm hơn vì không lo giẫm phải chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang Nguyễn Thị Vân, mô hình “Bi bê-tông thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật” đang được triển khai tại 11 xã trên địa bàn, trong đó, khoảng 600 bi bê-tông đã được lắp đặt. Bên cạnh đó, hội đã tập huấn, tuyên truyền cho hội viên cách phân loại rác thải nguy hại trên các cánh đồng. Mô hình trên thu hút sự tham gia, hưởng ứng, ủng hộ của đông đảo người dân, góp phần hướng đến sản xuất nông nghiệp khoa học và giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí môi trường trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Ngoài huyện Hòa Vang, mô hình trên còn được triển khai tại phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn). Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Hữu Thiết cho biết, hội đang khảo sát tại phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) và dự kiến lắp đặt khoảng 20 bi bê-tông tại đây. Nguồn kinh phí đúc bi bê-tông, vận chuyển, lắp đặt do Hội Nông dân thành phố hỗ trợ. Hiệu quả tích cực nhất mà mô hình mang lại là ý thức của người dân được nâng cao rõ rệt, khắc phục tình trạng vứt rác thải nguy hại trên cánh đồng, bảo vệ môi trường. Đây là cơ sở quan trọng giúp các địa phương và bà con nông dân hướng đến nền sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn, bền vững.

XUÂN ĐÔNG

.