Xã hội

Đà Nẵng thu gom, xử lý 89,9% trữ lượng nước thải sinh hoạt tại đô thị

19:21, 20/12/2024 (GMT+7)

ĐNO - Chiều 20-12, phát biểu tại hội thảo khoa học tham vấn ý kiến về quy định chất lượng nước thải đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đặng Quang Vinh nhấn mạnh, thành phố Đà Nẵng đã dành nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại khu vực đô thị.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đặng Quang Vinh chủ trì hội thảo khoa học tham vấn ý kiến về quy định chất lượng nước thải đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đặng Quang Vinh chủ trì hội thảo khoa học tham vấn ý kiến về quy định chất lượng nước thải đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Sau 15 năm thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, đến nay, hệ thống thu gom và xử lý nước thải của thành phố Đà Nẵng đã được đầu tư cơ bản đồng bộ; khoảng 89,9% trữ lượng nước thải sinh hoạt tại khu vực đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường...

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nước thải sinh hoạt phát sinh từ các tổ chức, hộ gia đình phải được thu gom, đấu nối với hệ thống thu gom, xử lý nước thải; nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong đô thị phải được thu gom, xử lý sơ bộ đáp ứng quy định của khu đô thị, khu dân cư tập trung hoặc quy định của chính quyền địa phương trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị.

Để bảo đảm cho các hệ thống xử lý nước thải tập trung trên địa bàn thành phố hoạt động hiệu quả, đạt quy chuẩn kỹ thuật, rất cần thiết có quy định cụ thể chất lượng nước thải từ các tổ chức, hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong đô thị để được xử lý sơ bộ đạt trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, cần có phương án kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu nối nước thải của các hộ thoát nước nói trên.

UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng quy định chất lượng nước thải của các hộ thoát nước trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố.

Do đó, thành phố cần sự hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm của các bộ ngành Trung ương và các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý nhằm hoàn thiện các nội dung về quy định chất lượng nước thải của các hộ thoát nước trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị, góp phần nâng cao công tác quản lý thoát nước, xử lý nước thải nói riêng và công tác bảo vệ môi trường của thành phố nói chung.

Hệ thống thu gom và xử lý nước thải của thành phố Đà Nẵng đã được đầu tư cơ bản đồng bộ. Trong ảnh: Một góc Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Hệ thống thu gom và xử lý nước thải của thành phố Đà Nẵng đã được đầu tư cơ bản đồng bộ. Trong ảnh: Một góc Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, các trạm xử lý nước thải đô thị tập trung trên địa bàn thành phố (các trạm xử lý nước thải Hòa Xuân, Phú Lộc, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu) được thiết kế để xử lý các thông số ô nhiễm liên quan đến nước thải sinh hoạt (BOD5, TSS (chất rắn lơ lửng), amoni, phosphat, dầu mỡ động thực vật, coliforms,...).

Khi quan trắc tất cả các thông số tại các điểm đấu nối từ các cơ sở sản xuất, tiểu thủ công nghiệp, y tế và nước thải khác (ngoài nước thải sinh hoạt) vào hệ thống thu gom nước thải chung theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong các giấy phép xả thải, đều đạt giá trị giới hạn cho phép.

Điều này cho thấy tải lượng ô nhiễm của nước thải sản xuất, tiểu thủ công nghiệp, y tế và nước thải khác (ngoài nước thải sinh hoạt) rất thấp so với nước thải sinh hoạt và gần như không ảnh hưởng đến quá trình xử lý của các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn thành phố.

Để bảo đảm tính thống nhất của 5 lưu vực thu gom nước thải trên toàn thành phố (về các trạm xử lý nước thải Hòa Xuân, Phú Lộc, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu), Sở Xây dựng đề xuất quy định chất lượng nước thải của các hộ thoát nước trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước riêng (hoặc nửa riêng) theo nguyên tắc:

5 thông số gồm BOD5, COD, chất rắn lơ lửng, tổng nitơ, tổng phốtpho theo thông số thiết kế đầu vào của các trạm xử lý nước thải tập trung, riêng thông số COD lấy theo hệ số kinh nghiệm đã được nghiên cứu và giá trị thực tế về các trạm xử lý nước thải; 28 thông số theo giấy phép xả nước thải vào nguồn nước do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp; 5 thông số áp dụng đối với nước thải y tế.

Chất lượng nước sau xử lý luôn bảo đảm quy chuẩn về môi trường. Trong ảnh: Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng kiểm tra chất lượng nước sau xử lý tại Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Chất lượng nước sau xử lý luôn bảo đảm quy chuẩn về môi trường. Trong ảnh: Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng kiểm tra chất lượng nước sau xử lý tại Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Đối với khu vực chưa có hệ thống thu gom nước thải, Sở Xây dựng đề xuất quy định chất lượng nước thải của các hộ thoát nước (không bao gồm hộ gia đình) trước khi xả thải phải bảo đảm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt QCVN 14:2008/BTNMT (áp dụng cho đối tượng là nước thải sinh hoạt), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT (áp dụng cho đối tượng là nước thải công nghiệp) và các quy chuẩn về môi trường khác có liên quan để áp dụng cho từng đối tượng xả thải tương ứng với từng nguồn xả theo quy định.

Sau khi các quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành thoát nước thải được phê duyệt, Sở Xây dựng sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư hệ thống thu gom nước thải trên toàn thành phố, bảo đảm từng bước thu gom triệt để, không để nước thải chưa qua xử lý xả ra môi trường.

HOÀNG HIỆP

 

.