Xã hội

Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài

14:26, 09/12/2024 (GMT+7)

Xu hướng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được người lao động trên địa bàn thành phố quan tâm, lựa chọn. Thành phố cần tăng cường các giải pháp hỗ trợ, nhằm thúc đẩy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội.

Công ty CP Thương mại và Hợp tác nhân lực TQC Quốc tế chi nhánh Đà Nẵng tổ chức cho người lao động đi Nhật Bản làm việc.  Ảnh: L.P
Công ty CP Thương mại và Hợp tác nhân lực TQC Quốc tế chi nhánh Đà Nẵng tổ chức cho người lao động đi Nhật Bản làm việc. Ảnh: L.P

Kỳ vọng thu nhập cao

Sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Đức Tài (SN 2004, quận Thanh Khê) đi làm phụ bếp cho một nhà hàng nhưng thu nhập không cao. Giữa năm 2023, sau khi tìm hiểu về xuất khẩu lao động, Tài chọn đi theo con đường này. “Trong gia đình tôi có cậu và chú từng đi xuất khẩu lao động, có thu nhập khá tốt, sau khi về có vốn làm ăn. Vì vậy tôi quyết định làm hồ sơ, học ngoại ngữ để chuẩn bị đi làm việc ở nước ngoài trong ngành xây dựng, hy vọng sẽ có thu nhập cao, ổn định hơn”, Tài chia sẻ. Tương tự, Lê Thị Thư Sinh (SN 1995, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cũng đang học tiếng Nhật để chuẩn bị sang Nhật Bản làm việc trong ngành chế biến thực phẩm với kỳ vọng có thu nhập tốt hơn, có điều kiện để chăm lo gia đình.

Dù đã 38 tuổi nhưng vì kinh tế khó khăn, không tìm được công việc ổn định, anh Dương Đình Hoàng (SN 1986 phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) chọn con đường xuất khẩu lao động sang Nhật Bản để có được công việc ổn định, thu nhập cao hơn. “Sau khi kết thúc hợp đồng về nước, bên cạnh thu nhập, tôi sẽ được hoàn trả thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội đóng trong thời gian làm việc tại Nhật Bản”, anh Hoàng chia sẻ.

Theo ông Phạm Minh Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hợp tác giáo dục quốc tế Thời Đại Mới, hầu hết người lao động chọn xuất khẩu lao động kỳ vọng có thu nhập cao, ổn định. Do đó các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này chú trọng lựa chọn các đối tác, đơn hàng có mức lương cao, môi trường làm việc an toàn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chú trọng đào tạo ngôn ngữ, văn hóa, kỹ năng nghề giúp người lao động dễ đỗ khi phỏng vấn; tạo được thiện cảm tốt với đơn vị tuyển dụng để có thể gia hạn visa sau khi hết hạn. T

rong khi đó, ông Nguyễn Khánh Lam, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Thương mại và Hợp tác nhân lực TQC Quốc tế chi nhánh Đà Nẵng, cho biết vài năm trở lại đây, người lao động trên địa bàn thành phố dần quan tâm đến xu hướng xuất khẩu lao động. Tính đến hết tháng 11-2024, thành phố đưa 234 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu tập trung ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Ngoài ra, UBND huyện Hòa Vang đưa 699 người lao động nông nghiệp đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa 2 địa phương.

Cần thêm chính sách hỗ trợ

Thành phố hiện có 5 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Để hỗ trợ người lao động có chi phí đi làm việc ở nước ngoài, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đang triển khai hai chương trình vay vốn. Theo đó, chương trình vay vốn xuất khẩu lao động áp dụng cho người lao động thuộc hộ nghèo chuẩn Trung ương, người đồng bào thiểu số, hộ cận nghèo, thân nhân người có công cách mạng, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người sinh sống tại huyện nghèo. Mức vay tối đa bằng 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo.

Chương trình vay vốn làm việc tại Hàn Quốc áp dụng đối tượng là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào thiểu số, thân nhân người có công cách mạng, hộ bị thu hồi đất. Mức vay tối đa không vượt quá 100 triệu đồng, lãi suất cho vay áp dụng theo mức lãi suất cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nhưng đại diện Phòng kế hoạch nghiệp vụ tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cho biết, từ khi triển khai đến nay, không có khách hàng vay vốn từ hai chương trình này, bởi sự giới hạn về đối tượng được vay.

Đại diện Công ty CP Thương mại và Hợp tác nhân lực TQC quốc tế chi nhánh Đà Nẵng cho biết, với những người lao động không đủ tài chính nhưng không được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, công ty thực hiện chính sách cho nợ 40% chi phí không lãi suất. Người lao động được trả dần trong thời gian làm việc. Tương tự, Công ty TNHH Hợp tác giáo dục quốc tế Thời Đại Mới cũng áp dụng chính sách cho nợ 50% chi phí không lãi suất. Người lao động được hoàn trả dần trong 6 tháng đến  1 năm làm việc.

Theo Phòng Chính sách việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay các chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được thực hiện theo quy định của Chính phủ. Theo đó, người lao động được hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức, chi phí đi và về từ nơi cư trú đến địa điểm đào tạo, chi phí làm thủ tục hộ chiếu, thị thực, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định. Thành phố chưa có chính sách đặc thù về vay vốn, hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động

Ngày 25-11, UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về tăng cường công tác hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhằm thúc đẩy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Theo đó yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương, trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quảng bá về hoạt động đi làm việc ở nước ngoài; lựa chọn đối tác nước ngoài có môi trường ổn định, an toàn, thu nhập cao, ngành nghề phù hợp để xúc tiến hợp tác, ký kết hợp tác; tư vấn, giới thiệu thị trường lao động nước ngoài để người lao động biết, tham gia. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đề xuất UBND thành phố về cơ chế, chính sách, giải pháp vay vốn, đào tạo nghề, ngoại ngữ để hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình.

LAM PHƯƠNG

.