Xã hội
Phát huy di sản Hải Thượng Lãn Ông trong chăm sóc sức khỏe và du lịch
Ngày 21-11-2023, tại phiên họp của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2023-2024”, trong đó có danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) của Việt Nam.
Lễ dâng hương Y tổ Hải Thượng Lãn Ông nhân ngày rằm tháng Giêng tại Y miếu. |
Di tích nhà thờ Y tổ Hải Thượng Lãn Ông
Danh y Hải Thượng Lãn Ông với tác phẩm “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh” đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ, có tầm ảnh hưởng trong nước và khu vực. Tuy không có nhiều lợi thế như Hà Tĩnh (quê ngoại), Hưng Yên (quê nội), Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… nơi có nhiều cụm di tích gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của danh y Hải Thượng Lãn Ông, hay những khu phố Lãn Ông sầm uất giữa các thành phố lớn ở hai đầu đất nước, nhưng Đà Nẵng cũng có một số di tích và tiềm năng có thể tận dụng để phát huy các giá trị di sản của Y tổ cũng như truyền thống ngành y dược cổ truyền tại thành phố du lịch xinh đẹp này.
Đà Nẵng vốn là thủ phủ của miền Trung, ngay giữa cuộc chiến tranh còn đang khốc liệt, năm 1952, Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Quảng Nam cho phép thành lập Hội Đông y tỉnh do Lương y - cử nhân Hán học Lương Trọng Hối (1888-1969) làm Hội trưởng, để động viên các thầy thuốc Đông y cứu chữa nhân dân đỡ bớt phần nào bệnh tật, khó khăn sau những đợt hạn hán, lũ lụt gây mất mùa đói kém và dịch bệnh hoành hành.
Sau năm 1954, Hội Đông y tiếp tục hoạt động trong vùng tạm chiếm dưới tên gọi Hội Y Dược Việt Nam, đến ngày 7-12-1959, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chính quyền Sài Gòn thu hồi giấy phép hoạt động vì lý do “vi phạm điều lệ”. Trong giai đoạn giao thời này, các cụ trong Ban lãnh đạo Tỉnh hội Quảng Nam - Đà Nẵng đã vận động một số cụ lương y quyên góp tài vật để mua một ngôi nhà xây dựng làm nhà thờ Y tổ Hải Thượng Lãn Ông tại Ngã ba Cai Lang để làm nơi giao lưu họp hội hợp pháp.
Tại nhà thờ Y tổ này, hằng năm các thầy thuốc tề tựu đông đủ và long trọng làm lễ tế Hải Thượng Lãn Ông vào ngày rằm tháng Giêng, duy trì cho đến ngày nay. Đông y sĩ Nguyễn Mẫn (1904-1987), Phó Hội trưởng đã biên soạn “Văn tế Y tổ Hải Thượng Lãn Ông”, được Hội Y Dược Việt Nam tế lần đầu tại Nhà thờ Y tổ vào ngày 24-2-1956. Điểm độc đáo của bài văn tế ca ngợi hành trạng, công ơn của Y tổ bằng các từ ngữ đồng thời là tên của rất nhiều vị thuốc Đông y.
Hiện vật bộ sách Tân thuyên Hải thượng Y tông tâm lĩnh toàn trật
Bộ sách Lãn Ông Tâm Lĩnh (tên sách do Lãn Ông đặt, ghi trong Tự tựa) được Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác biên soạn gồm 28 tập, 66 quyển. Tuy nhiên sau gần 100 sau mới được tổ chức khắc in với tên mới là Tân thuyên Hải thượng Y tông tâm lĩnh toàn trật, nên bị mất mát không ít. Bản khắc in hoàn thành vào năm 1885 mới sưu tầm khắc in được 27 tập, 55 quyển. Qua quá trình lưu hành cho đến ngày nay, còn rất ít nơi lưu trữ đầy đủ nguyên bản bộ sách khắc gỗ này. Ngay như tại Thư viện Quốc gia ở Hà Nội, tuy có đủ bộ nhưng một số tờ cuối của số quyển có mất đi một vài trang cuối.
Rất may, tại nhà thờ Y tổ ở Đà Nẵng trước đây có Đông y sĩ Võ Hoán đã thủ đắc một bộ khắc in, đến nay sau vài lần chuyển đổi sở hữu chủ, một lương y tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng đã mua lại và đang lưu giữ được nguyên vẹn đầy đủ tất cả số quyển, số trang. Đây có thể nói là báu vật quý hiếm, có tiềm năng phục vụ công tác nghiên cứu cũng như tham quan cho du khách gần xa nếu được đầu tư khai thác đúng mức giá trị cổ vật.
Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng
Được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, cơ sở bệnh viện mới với quy mô 300 giường bệnh được xây dựng khang trang, xanh sạch đẹp, phòng ốc tiện nghi, đầu tư trang thiết bị hiện đại trên diện tích hơn 22.000m2. Điều đáng nói trong thiết kế xây dựng lần này có nhiều hạng mục công trình phụ trợ mang đậm bản sắc y học cổ truyền được bắt nguồn từ các ý tưởng trong di sản văn hóa của Y tổ Hải Thượng Lãn Ông, đó là Y miếu và Hội quán Đông y.
Y miếu được xây dựng bắt nguồn từ tinh thần phụng sự thầy tổ mà Y tổ Hải Thượng Lãn Ông đã viết trong phần Phụ lục phụng tiên sư lễ nghi khắc in trong tập đầu bộ sách Hải Thượng y tôn tâm lĩnh. Y miếu của bệnh viện thiết đặt tôn tượng Y tổ Hải Thượng Lãn Ông trên ban thờ gian chính, hai bên trái phải có đặt di ảnh các danh y tại địa phương và các danh y trong, ngoài nước. Ngoài sân Y miếu có thiết trí tôn tượng bằng đá của Thiền sư Đại danh y Tuệ Tĩnh. Trước tiền sảnh của sân bệnh viện cũng có thiết trí tôn tượng Y tổ Hải Thượng bằng đá hoa cương. Trong Y miếu có một tủ trưng bày các di cảo của các danh y địa phương và một số sách báo về lịch sử y học cổ truyền đã xuất bản trong nước.
Ngoài mục đích góp phần giáo dục y đức cho đội ngũ thầy thuốc và là nơi thực hành tín ngưỡng tâm linh cho bệnh nhân và người nhà, chắc chắn trong tương tương lai, Y miếu Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng cũng sẽ là điểm đến không thể bỏ qua cho du khách tham quan tìm hiểu về văn hóa y dược cổ truyền Việt Nam tại nơi này. Hội quán Đông y tiếp nối ý tưởng phụng sự thầy tổ nhưng không phải bó hẹp trong việc tưởng niệm thờ cúng, mà chính yếu và quan trọng hơn cả là làm sao để tiếp tục giao lưu, bảo tồn, kế thừa, phát huy và phát triển vốn quý y dược cổ truyền, đó là cách thức hay nhất để báo đáp ân đức thầy tổ.
Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe
Ngày 21-7-2023, Bộ Y tế có Quyết định số 2951/QĐ-BYT phê duyệt đề án “Phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch” đến năm 2030 với các nhiệm vụ chủ yếu của đề án là xây dựng 5 dòng cung ứng dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch gồm: Du lịch chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền; Du lịch thẩm mỹ bằng y dược cổ truyền; Du lịch dược liệu và thuốc cổ truyền; Du lịch khám phá y dược cổ truyền và văn hóa bản địa: Du lịch học thuật y dược cổ truyền.
Tại Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Đà Nẵng, từ nhiều năm qua đã đón bắt xu thế phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe bằng nhiều chương trình hoạt động tại cơ sở 2 của bệnh viện (trước đây tại địa chỉ 342 Phan Châu Trinh, hiện nay là 51 Trần Quốc Toản), như khai trương Hội quán Đông y (ngày 30-4-2015) nhằm góp phần thu hút du khách đến thưởng thức các loại trà thuốc, rượu thuốc, món ăn bài thuốc và tận hưởng những giây phút thư giãn bằng các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc như châm cứu, cấy chỉ, xoa bóp, bấm huyệt, tác động cột sống, xông hơi, chườm ngải, hỏa long cứu,… Đặc biệt từ ngày 31-5-2017, Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Đà Nẵng thành lập đơn vị “Du lịch chữa bệnh” nhằm mục tiêu khám chữa bệnh, phục hồi sức khỏe cho khách du lịch và người nước ngoài tại Đà Nẵng.
Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành kế hoạch phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2024-2030.
Theo kế hoạch này, từ nay đến năm 2030, ngành y tế thành phố phấn đấu hoàn thành các mục tiêu cơ bản: Xây dựng và hình thành chuỗi cung ứng với 1- 2 đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch. Triển khai mô hình điểm tại Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Đà Nẵng, trong đó xây dựng quần thể cảnh quan đặc biệt có giá trị phục vụ du lịch mang đặc trưng bản sắc y dược học cổ truyền tại Bệnh viện Y học cổ truyền như vườn trị liệu theo mô hình Ngũ hành, Hội quán Đông y, Y miếu. Sản xuất 5-10 sản phẩm thuốc y dược cổ truyền có giá trị cao về mẫu mã, chất lượng, có nguồn cung ổn định để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch. Đào tạo đội ngũ nhân lực du lịch có các kiến thức về chăm sóc sức khỏe có chất lượng cao tham gia vào hệ thống cung ứng các dịch vụ, sản phẩm du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe...
Có thể nói Y dược cổ truyền là di sản văn hóa dân tộc. Y dược cổ truyền còn nhiều tiềm năng cần được đánh thức trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và du khách gần xa. Sự kiện UNESCO ra nghị quyết tôn vinh và tham gia tổ chức Đại lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (27-12-1724 - 27-12-2024) không chỉ là vinh danh cá nhân Y tổ mà còn là vinh dự lớn cho văn hóa dân tộc và ngành y dược cổ truyền Việt Nam.
BS.CKII NGUYỄN VĂN ÁNH - LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN
Bệnh viện Y học cổ truyền - Hội Dược liệu Đà Nẵng