Xã hội
Giáo dục lòng yêu nước cho học sinh qua các hoạt động ngoại khóa
ĐNO - Thời gian qua, các trường học đẩy mạnh giáo dục truyền thống, lòng yêu nước cho học sinh thông qua những hoạt động ngoại khóa. Đồng thời tích cực lồng ghép giáo dục truyền thống vào thực tiễn, giúp học sinh thấm nhuần lòng yêu nước, biết ơn từ những trải nghiệm thực tế.
![]() |
Giáo dục lòng biết ơn, lòng yêu nước cho học sinh qua các hoạt động ngoại khóa. |
Ngày 13-3, Trường THPT Nguyễn Trãi đã tổ chức hoạt động ngoại khoá tham quan Khu căn cứ “lõm” cách mạng B1 Hồng Phước (nay thuộc đường B1 Hồng Phước, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) dành cho toàn bộ 442 học sinh khối 12 năm học 2024-2025.
Đây là một phần trong chuỗi hoạt động ngoại khoá của môn Giáo dục địa phương, giúp các em học sinh có cơ hội tiếp cận lịch sử một cách sinh động, trực quan. “Chuyến tham quan giúp học sinh không chỉ tận mắt thấy những chứng tích lịch sử mà còn thấm nhuần tinh thần đấu tranh kiên cường của cha ông. Đây là cơ hội để các em kết nối kiến thức với thực tế, khiến lịch sử trở nên sinh động, gần gũi hơn”, thầy Phan Quốc Duy, Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh.
Khu di tích căn cứ cách mạng B1 Hồng Phước là căn cứ lõm cách mạng gồm 71 gia đình sinh sống trong 64 ngôi nhà, nhưng có đến 46 căn hầm bí mật nuôi giấu, che chở, bảo vệ cho các Đặc khu ủy viên Quảng Đà, Bí thư quận Nhì qua các thời kỳ. Đến đây, học sinh đã trực tiếp trải nghiệm không gian lịch sử, bước xuống những căn hầm chật hẹp và lắng nghe những câu chuyện về cuộc chiến đấu kiên trung của quân dân ta. Nhiều em bày tỏ sự xúc động khi hình dung được những gian khổ, mất mát mà thế hệ trước đã trải qua để bảo vệ nền độc lập.
Cô Trần Thị Mỹ, Tổ trưởng Tổ Sử-Địa, người trực tiếp đồng hành cùng các em học sinh trong chuyến đi, chia sẻ: “Lòng yêu nước, lòng biết ơn không thể chỉ học qua lý thuyết. Khi trực tiếp đặt chân đến những địa danh lịch sử, chứng kiến những dấu tích còn lại, các em không chỉ hiểu mà còn cảm nhận bằng chính trái tim mình về những hy sinh to lớn của thế hệ trước”.
Đặc biệt, nhiều học sinh đã bày tỏ sự xúc động khi tận mắt chứng kiến những dấu tích lịch sử. Nguyễn Thị Bảo Tâm (lớp 12/9) bày tỏ: “Em thực sự xúc động khi nghe những câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng của những người dân nơi đây. Chuyến đi giúp em hiểu rằng, độc lập hôm nay không tự nhiên mà có, mà phải đánh đổi bằng biết bao công sức, xương máu của cha ông. Em cảm thấy tự hào và có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn truyền thống tốt đẹp”.
Những năm trước, Chi bộ nhà trường cũng đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề thăm “địa chỉ đỏ” này nhằm bồi dưỡng nhận thức chính trị, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác giáo dục cho Đảng viên. Theo thầy Nguyễn Đức Phước, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường, đây không chỉ là cơ hội để ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang, mà còn góp phần củng cố lập trường tư tưởng, giúp các thầy cô lan tỏa tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc đến học sinh một cách sâu sắc hơn.
Không chỉ giáo dục lòng yêu nước, Trường THPT Nguyễn Trãi còn chú trọng nuôi dưỡng lòng biết ơn qua các hoạt động ngoại khóa. Tháng 1-2025, nhà trường tổ chức thành công chương trình trải nghiệm “Giá trị của lòng biết ơn” dành cho toàn thể học sinh. Hoạt động này không chỉ giáo dục đạo đức, kỹ năng sống mà còn phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần hình thành phẩm chất, năng lực theo mục tiêu Chương trình Giáo dục mới. Theo thầy Phan Đình Hùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, việc lồng ghép giáo dục lòng biết ơn vào ngoại khóa giúp học sinh hiểu lịch sử, bồi đắp nhân cách, sống trách nhiệm với gia đình và xã hội.
Không chỉ dừng lại ở bậc THPT, tinh thần giáo dục truyền thống và lòng yêu nước còn được lan tỏa mạnh mẽ ở nhiều cấp học khác, từ tiểu học đến THCS. Điều này cho thấy sự nhất quán trong việc đưa lịch sử và văn hóa dân tộc đến gần hơn với học sinh ngay từ khi còn nhỏ. Nhiều trường học tại thành phố như Trường Tiểu học Phan Phu Tiên (quận Liên Chiểu), Tiểu học Nguyễn Trung Trực (quận Thanh Khê) cũng tổ chức tham quan di tích lịch sử nhằm giáo dục truyền thống cho học sinh. Những bài học lịch sử không chỉ nằm trên trang sách mà còn hiện hữu qua di tích, câu chuyện thực tế, giúp các em khắc sâu lòng yêu nước, nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc một cách tự nhiên.
Đại diện Ban quản lý di tích chia sẻ: “Chúng tôi rất vui khi ngày càng có nhiều học sinh đến tham quan, tìm hiểu lịch sử. Điều đó cho thấy giáo dục truyền thống đang được quan tâm hơn, góp phần bồi đắp ý thức gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử trong thế hệ trẻ”.
Bà Trần Thị Lan, phụ huynh học sinh nói: “Những hoạt động ngoại khóa của nhà trường rất giàu ý nghĩa. Sau chuyến thăm di tích, con tôi về nhà say sưa kể những câu chuyện lịch sử, về những con người thầm lặng đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Trong từng lời kể, tôi cảm nhận rõ niềm tự hào và sự trân trọng quá khứ của cháu. Chương trình về lòng biết ơn cũng giúp cháu thay đổi, quan tâm đến gia đình hơn”.
Những hoạt động ngoại khóa không chỉ giúp học sinh hiểu về quá khứ mà còn tạo động lực để các em hành động có ý nghĩa hơn trong hiện tại và tương lai. Từ việc trân trọng lịch sử, các em sẽ biết sống trách nhiệm hơn, yêu quê hương, đất nước và góp phần lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng.
M. AN - B. LÂM