Y tế - Sức khỏe

Phương hay Thuốc quý

Mảnh cộng hay cây Bìm bịp

08:37, 02/04/2017 (GMT+7)

“Tháng ba hồng hạc đã về/ Chao đôi cánh mỏng, nghiêng che nắng chiều”. Đó là mấy câu cảm thán khi lần đầu tiên, sau 3-4 năm trồng, tôi mới tận mắt thấy cụm hoa Mảnh cộng, mọc thành bông rủ xuống, với đôi tràng hoa màu đỏ, trông như những cánh chim hồng hạc từ đâu bay về.

“Tháng ba hồng hạc đã về/ Chao đôi cánh mỏng, nghiêng che nắng chiều”. Hoa mảnh cộng. Ảnh: P.C.T
“Tháng ba hồng hạc đã về/ Chao đôi cánh mỏng, nghiêng che nắng chiều”. Hoa mảnh cộng. Ảnh: P.C.T

Mảnh cộng có tên khoa học Clinacanthus nutans (Burn f) Linlau, thuộc họ Ô rô - Acanthaceae.

Mảnh cộng thường được bà con ta gọi là cây Bìm bịp hay cây Xương khỉ, vì có truyền thuyết rằng khi người ta bẻ gãy chân giò con của các loài chim thú đó thì cha mẹ chúng thường đi hái lá cây này đem về chữa lành cho xương gãy.

Theo Trung dược đại từ điển, Mảnh cộng có tên Thanh tiễn (青箭), còn gọi Trúc tiết hoàng (竹节黄) hay Tiểu tiếp cốt (小接骨).

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, Mảnh cộng là cây nhỏ, mọc trườn. Lá nguyên, có cuống ngắn, phiến hình mác hay thuôn, mặt hơi nhẵn, mép hơi giún, màu xanh thẫm. Bông rủ xuống ở ngọn. Lá bắc hẹp. Hoa đỏ hay hồng, cao 3-5cm. Tràng hoa có hai môi, môi dưới có 3 răng. Quả nang dài 1,5cm, chứa 4 hạt.

Cây mọc rải rác trong rừng rụng lá, bãi trống, bờ bụi, cũng thường được trồng. Ra hoa vào mùa xuân-hè. Có thể thu hái cây lá quanh năm, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.

Theo Đông y, mảnh cộng có vị ngọt tính bình, có tác dụng điều kinh, tiêu thũng khử ứ, giảm đau và liền xương. Chủ trị viêm gan vàng da, gãy xương do té ngã, phong thấp đau nhức, thiếu máu.

Lá non có thể ăn sống hoặc nấu canh ăn. Lá khô có mùi thơm, thường dùng để ướp bánh (bánh mảnh cộng). Lá tươi giã đắp chữa đau sưng mắt và đem xào nóng lên dùng bó trặc gân, sưng khớp, gẫy xương. Thường dùng phối hợp với Mò hoa trắng giã ra lọc lấy nước uống chữa bệnh lưỡi trắng của trẻ em. Nhân dân dùng cành lá đắp vết thương trâu bò húc.

Ở Hải Nam (Trung Quốc) người ta dùng cây lá làm thuốc trị dao chém thương tích và chữa thiếu máu, viêm gan vàng da, phong thấp. Thường dùng cành lá khô sắc uống. Liều dùng 4-12g. Dùng ngoài, lấy lá tươi giã đắp.

Các nghiên cứu ở Thái Lan (khoa Hóa, ĐH Khoa học, Viện ĐH Silpakorn) cho thấy thân, lá chứa nhều sinh tố, khoáng chất, các flavonoid, 9 cerebrosid, monoacylmonogalactosylglycerol, 5 glucosid có lưu huỳnh… có tác dụng chống dị ứng, phát ban và mụn rộp (Herpes). Một nghiên cứu khác chứng minh Mảnh cộng còn có tác dụng chống HIV và virus bệnh cúm chim hay cúm gia cầm.   

Ở Penang (Singapore), Mảnh cộng được gọi là cỏ Sabah Snake Temple,  được dùng hỗ trợ điều trị ung thư bạch huyết, ung thư phổi, mắt và miệng, ung thư tử cung, tuyến tiền liệt (thường là sau hóa trị và xạ trị không khỏi thì dùng Mảnh cộng trị tiếp).

Liều dùng thường là: cành lá tươi, rửa sạch, ép nước uống  (tính theo lá) 30 lá cho bệnh nhẹ (giai đoạn 1), giai đoạn 2: 50 lá, giai đoạn 3: 100 lá, giai đoạn 4: 150-200 lá. Khi bệnh giảm thì giảm số lá xuống. Nếu xay như sinh tố thì có thể thêm vài cục nước đá và nước ép 1 trái chanh. Cũng có thể thêm 1 trái táo và vài lát gừng (nếu sợ lạnh bụng).

Người bệnh tiểu đường tuyp 2, phong thấp (đau nhức khớp xương), cholesterol cao, mỡ máu cao, huyết áp cao, suy thận cũng có thể dùng như trên.

Một số bài thuốc khác do DS.Phan Đức Bình tổng hợp giới thiệu:

1. Trị đau nhức mình mẩy, thấp khớp: 200g cành lá Mảnh cộng tươi, rửa sạch, chặt nhỏ sắc uống trong ngày. Dùng 3-5 ngày liền.

2. Trị trật đả, sưng bầm té trặc: Cành lá Mảnh cộng tươi rửa sạch, giã nát bó vào chỗ đau.

3. Trị giời leo, mụn rộp Herpes: Hai nắm (100g) cành lá Mảnh cộng tươi và một nắm lá Kim vàng (hoặc rau Giấp cá) tươi, rửa sạch, giã nát lấy nước cốt thoa chỗ bị giời leo hay mụn rộp Herpes, ngày 3 lần; bã còn lại sắc uống, ngày 2-3 lần.

4. Trị dị ứng, ngứa lở ngoài da: Mảnh cộng 100g, Cỏ mực 50g, Rau má 50g. Dược liệu tươi rửa sạch, chặt nhỏ sắc uống ngày một thang, dùng 3-5 ngày liền.

5. Trị sởi (ban đỏ), thủy đậu (trái rạ): 100g cành lá cây Mảnh cộng và 100g rau Giấp cá. Dược liệu tươi rửa sạch, chặt nhỏ, giã nát, lấy một ít nước cốt để thoa vùng phát ban. Bã còn lại thêm 500ml nước sôi để uống trong ngày.  

6. Trị cảm cúm: Cành lá Mảnh cộng 150g, É tía (Hương nhu tía) 50g, rau Trai 100g. Dược liệu tươi, rủa sạch, chặt nhỏ, giã nát, chế nước sôi vào, để nguội uống. Bã còn lại thêm nước nấu sôi 20 phút kể từ khi sôi để uống trong ngày. Dùng 3 ngày liền.  

7. Trị cúm gia cầm: Cành lá Mảnh cộng chặt nhỏ, giã nát trộn vào thức ăn gia cầm.

PHAN CÔNG TUẤN

.