Dân số và phát triển

.

Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia”.

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến (thứ 5, từ trái qua), Giám đốc Sở Y tế trao bằng khen của UBND thành phố cho các đơn vị xuất sắc 5 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến (thứ 5, từ trái qua), Giám đốc Sở Y tế trao bằng khen của UBND thành phố cho các đơn vị xuất sắc 5 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Hơn 55 năm qua, mục tiêu của chính sách dân số và thực hiện KHHGĐ của Việt Nam là giảm sinh và chúng ta đã đạt được mục tiêu “Mức sinh thay thế” vào năm 2007. So với thời điểm năm 1961, chính sách dân số nước ta có sự phát triển vượt bậc và đến nay đã xuất hiện những đặc điểm, xu hướng mới có tác động rất lớn đến sự phát triển bền vững của Việt Nam theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực, mang lại cả cơ hội và thách thức. Hiện nay, dân số Việt Nam vẫn tiếp tục tăng nhưng có xu hướng tăng chậm lại. Dự đoán vào năm 2025, sẽ có 100 triệu dân và tiếp tục tăng chậm lên đến khoảng 107-108 triệu vào giữa thế kỷ.  

Dân số đông là một thị trường hấp dẫn đầu tư, nhưng cũng là thách thức lớn về an ninh lương thực, năng lượng. Tỷ lệ dân thành thị thấp nhưng tốc độ di cư, đô thị hóa, tích tụ dân số đang diễn ra khá mạnh. Điều này dẫn tới áp lực đối với hạ tầng cơ sở, gây ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… Chúng ta đang trong thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” với số người trong độ tuổi lao động gấp đôi số người phụ thuộc. Điều này mang lại nhiều “dư lợi” về lao động nhưng cũng là thách thức về tạo việc làm và việc làm có năng suất, thu nhập cao. Cơ cấu dân số “vàng” sẽ chấm dứt vào khoảng đầu thập niên 40 của thế kỷ này. Vì vậy, đây là cơ hội “vàng” phải chớp lấy thời cơ “vàng” này. Qua hơn 25 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 4, khóa VII về Chính sách dân số và thực hiện KHHGĐ, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật là: Đã khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, sớm đạt được trước 10 năm; duy trì, ổn định được mức sinh thay thế. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh cao vào khoảng năm 2020-2030 với tỷ lệ trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số. Chất lượng dân số được cải thiện, tuổi thọ trung bình 73,4 tuổi, được thế giới đánh giá là điểm sáng về công tác dân số và đã được nhận giải thưởng của Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, chúng ta không chủ quan, ngay bây giờ phải bắt tay vào một thời kỳ mới mà Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6 khóa XII tháng 10-2017 đã chỉ rõ: “Phấn đấu duy trì ổn định vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân số phù hợp với quá trình phát triển”. Những nội dung này đã nêu bật các vấn đề dân số đang đặt ra hiện nay và trong tương lai. Đặc biệt, trước tình hình thế giới, trong nước đã và đang có nhiều thay đổi, đòi hỏi phải có những đổi mới về công tác dân số, cần có sự chuyển trọng tâm công tác dân số: Từ thực hiện KHHGĐ sang dân số và phát triển, để giải quyết toàn diện, đồng bộ và cơ bản hơn các vấn đề dân số.  

Chuyển đổi về nội hàm “dân số và phát triển” là một vấn đề lớn và mới, hoàn toàn khác với nội dung trước đây. Do vậy, công tác truyền thông vận động cần được triển khai sớm, đổi mới cả về nội dung và phương pháp truyền thông vận động. Nội dung truyền thông, giáo dục phải chuyển mạnh từ tập trung vào thực hiện KHHGĐ sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số trong mối quan hệ qua lại với phát triển kinh tế-xã hội. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh và nuôi dạy con tốt. Ngăn ngừa tư tưởng tâm lý không hạn chế số con. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế, sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Không chỉ đổi mới nội dung tuyên truyền vận động về công tác dân số và phát triển mà cần phải hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Đến năm 2020, thành phố Đà Nẵng có hơn 1,4 triệu dân và năm 2030 có 2,5 triệu dân. Để Nghị quyết của BCH Trung ương lần thứ 6, khóa XII thực sự đi vào cuộc sống, ngay từ bây giờ Đà Nẵng cần có những chính sách đối với công tác tuyên truyền vận động người dân hiểu đúng và làm theo nghị quyết, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thực hiện tốt công tác dịch vụ chăm sóc sức khỏe người dân, hướng đến một thành phố an bình và phát triển.

Bài và ảnh: MINH PHÚC

;
.
.
.
.
.