Trong 9 tháng đầu năm 2017, toàn thành phố có 9.468 trẻ được sinh ra. Tỷ số giới tính khi sinh 105,3 bé trai/100 bé gái. Như vậy, tỷ số giới tính khi sinh toàn thành phố đang ở ngưỡng bình thường. Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) thành phố năm 2016, Đà Nẵng đã kiềm chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh dưới 0,3%.
Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề tại các trường THPT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. |
Trong giai đoạn 2016-2020, để thực hiện cân bằng giới tính khi sinh, thành phố đã áp dụng đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân số đến đội ngũ cán bộ chuyên trách, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, học sinh, sinh viên...
Nội dung tuyên truyền gồm các chính sách liên quan đến công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, mất cân bằng giới tính khi sinh, Luật Bình đẳng giới, quy định về nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính khi sinh.
Theo cô Đoàn Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh, vấn đề dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng tránh thai tuổi vị thành niên đã được các thầy, cô đưa vào giảng dạy và sinh hoạt ngoại khóa thường xuyên cho học sinh.
Em H. (lớp 11, Trường THPT Phan Châu Trinh) cho biết, em là con đầu trong gia đình có hai chị em gái. Dù mọi người xung quanh hay nhắc ba mẹ cần “sinh thêm em trai” nhưng ông bà và bố mẹ em đều rất yêu thương, chăm sóc và dành những gì tốt nhất cho hai chị em và không có ý định phải có thêm con. H. chia sẻ:
“Qua việc xem sách báo, tin tức cháu thấy hiện nay có rất nhiều gia đình có con gái nhưng lại đối xử không công bằng. Theo em, con trai hay con gái cũng đều phải được đến trường, học tập và vui chơi trong cùng một môi trường. Con gái vẫn có thể học tập tốt, chơi thể thao giỏi và làm những gì mà con trai làm được. Hôm nay được dự buổi nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh, em lại càng hiểu thêm và có nhận thức ngay từ bây giờ rằng, sinh con gái hay con trai phải theo quy luật tự nhiên. Do vậy, em mong ba mẹ nào còn có quan điểm trọng nam khinh nữ sẽ sớm thay đổi. Chúng em, dù con trai hay con gái đều mong muốn được sống trong gia đình hạnh phúc và được sự quan tâm động viên của ba mẹ”.
Tỷ số giới tính khi sinh của Đà Nẵng nằm trong nhóm đang có khả năng gia tăng và giảm chưa thực sự bền vững; chính vì vậy, các hoạt động truyền thông, vận động phải luôn tiên phong và thường xuyên. Việc giảm 0,3 điểm phần trăm/năm của Đà Nẵng cho thấy nhiều nỗ lực tích cực hơn nữa mới có thể nâng cao chất lượng dân số đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội...
Trong các đơn vị cấp quận/huyện, Hòa Vang là huyện có tỷ số giới tính khi sinh còn cao so với một số đơn vị hành chính khác. 9 tháng năm 2017, tỷ số giới tính khi sinh của huyện là 106,9 bé trai/100 bé gái. Hòa Vang đã đề ra nhiều giải pháp như thành lập CLB Phụ nữ không sinh con thứ 3, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; tổ chức nói chuyện chuyên đề đến khu dân cư, trường học trên địa bàn huyện về mất cân bằng giới tính khi sinh. Bà Ngô Thị Kim Thời, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số- KHHGĐ huyện cho biết: Chúng tôi tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm học tập, rèn luyện cho các cháu gái có thành tích trong học tập. Có thể “mỗi nhà, mỗi cảnh” nhưng phải cùng hướng tới nuôi dạy con cái, chăm lo gia đình hạnh phúc, văn minh.
Bài và ảnh: MINH TUẤN