“Ngành y tế cần chú trọng các nhóm giải pháp cơ bản; trong đó tập trung 5 yếu tố chính là: con người, cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ thông tin và bác sĩ gia đình”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng kết luận tại cuộc họp chiều 11-9 với các sở, ngành, địa phương về việc triển khai kế hoạch giảm tải bệnh viện trong thời gian tới.
Cần có chiến lược đào tạo, giữ chân nguồn nhân lực y tế để góp phần giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện. Trong ảnh: Khám bệnh cho người dân tại Trung tâm Y tế Cẩm Lệ. Ảnh: PHAN CHUNG |
Buổi làm việc ghi nhận nhiều ý kiến của các cơ sở y tế, các vướng mắc của sở, ngành trong việc hiện thực hóa một số chủ trương lớn của ngành như: vấn đề liên thông xét nghiệm, tự chủ tài chính, đào tạo nhân lực…
Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến khẳng định, giảm tại bệnh viện là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của ngành y tế được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo bằng Chị thị số 08/CT-TT ngày 11-3-2016.
Mục tiêu của kế hoạch là củng cố và xây dựng hệ thống y tế thành phố ngày càng hiện đại, hoàn chỉnh và đồng bộ từ tuyến thành phố đến tuyến quận, huyện, phường, xã theo hướng công bằng, hiệu quả, phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trên cơ sở hiện thực hóa Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ, ngành y tế đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch giảm tải với các mục tiêu như: giảm công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện; giảm số lượng bệnh nhân khám cho mỗi bác sĩ xuống còn 35 người bệnh/ngày làm việc; không còn tình trạng nằm ghép; duy trì 100% xã, phường đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; khuyến khích phát triển cơ sở y tế ngoài công lập…
“Tất nhiên, theo quan điểm của ngành y tế, các giải pháp giảm tải phải bảo đảm cân đối giữa điều trị và dự phòng. Nếu một trong hai lĩnh vực này không bảo đảm thì sẽ trở thành gánh nặng cho lĩnh vực kia”, bà Kim Yến cho biết.
Đồng quan điểm trên, bác sĩ Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cho biết, lo lắng nhất của cơ sở y tế chính là gánh nặng trong vấn đề điều trị.
“Chúng tôi thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân nặng từ các địa phương khác chuyển đến và để kịp thời cứu sống những ca bệnh nặng này, bệnh viện phải huy động nhiều bác sĩ, kỹ thuật, nguồn máu.
Điều này vô tình khiến nguồn nhân lực bị thiếu hụt trong việc bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của bệnh viện. Chính vì thế, giảm tải trước hết phải nghiên cứu kỹ vấn đề đào tạo nguồn nhân lực và phải triển khai đồng bộ từ trên xuống dưới”, bác sĩ Vinh chia sẻ.
Là một trong những cơ sở “đầu tàu” trong tiếp nhận khám, chữa bệnh (KDB), Bệnh viện Đà Nẵng càng không tránh khỏi tình trạng quá tải. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Thị Khánh Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cơ sở này đã triển khai thành công nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú ý vấn đề cải cách hành chính.
“Bệnh viện đã mở rộng khu vực khám bệnh, thực hiện quy trình liên thông, khám ngoài giờ và rút ngắn từ 11 quy trình khám bệnh xuống còn 7 quy trình và thực hiện trả kết quả liên tục thay vì cố định một số khung giờ như trước đây. Điều này bảo đảm bệnh nhân được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh hơn và hiệu quả hơn”, bác sĩ Ngọc nói thêm.
Đại diện một số cơ sở y tế cũng đề xuất đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng mô hình trung tâm y tế khu vực cùng lúc đảm nhận việc KCB cho một vài quận, huyện và trở thành bệnh viện vệ tinh cho các cơ sở y tế hạng cao hơn.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, lâu nay các cơ sở y tế đã chủ động tìm giải pháp giảm tải bệnh viện phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của cơ sở mình.
Việc UBND thành phố bàn kế hoạch trước khi ban hành quyết định giảm tải bệnh viện nhằm tạo một chủ trương đồng bộ, nhất quán từ trên xuống dưới. Theo lãnh đạo thành phố, sở dĩ cần một giải pháp đồng bộ như vậy, là bởi trong định hướng phát triển tương lai của địa phương, y tế là một ngành phục vụ dịch vụ du lịch chữa bệnh trong việc phục vụ người dân, du khách đến nghỉ dưỡng.
Ngoài ra, với vai trò là trung tâm của khu vực miền Trung-Tây Nguyên, Đà Nẵng sẽ là trung tâm y tế thực hiện nhiệm vụ KCB cho các địa phương lân cận.
“Do đó, để kế hoạch giảm tải bệnh viện hiệu quả, thành công, ngành y tế cần tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính. Đó là đầu tư cơ sở vật chất, từ đó rà soát, đẩy nhanh tiến độ những cơ sở đang đầu tư; quy hoạch hoàn chỉnh, có tầm nhìn các cơ sở y tế trong tương lai; đẩy mạnh các giải pháp phát triển chuyên môn; cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; phát triển đề án Bác sĩ gia đình và không ngừng thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực y tế.
Đây là kế hoạch dài hơi, kéo dài đến năm 2030 nên ngành y tế cần đưa ra các lộ trình cụ thể. Mỗi lộ trình sẽ vạch ra mục tiêu rõ ràng, tránh tình trạng triển khai, đầu tư dàn trải kéo dài không hiệu quả. Trong tháng 9 này, ngành y tế phải báo cáo lãnh đạo UBND thành phố để có kế hoạch triển khai”, ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.
Bài và ảnh: PHAN CHUNG