Bệnh nhân ung thư luôn phải đối mặt với khó khăn về phác đồ điều trị lẫn diễn biến tâm lý. Thấu hiểu hoàn cảnh đó, nhiều năm qua, các bác sĩ Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho người bệnh bằng những việc làm hết sức giản dị như chia sẻ tâm tình như người thân và đặc biệt, bệnh viện tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế để lĩnh hội phương pháp điều trị tiên tiến.
Sự ân cần của y, bác sĩ giúp người bệnh an tâm hợp tác điều trị. TRONG ẢNH: Người bệnh điều trị tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng. |
Hơn một năm nay, bà Ngô Thị Y. (50 tuổi, quê Nông Sơn, Quảng Nam) thường xuyên có mặt tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng để điều trị căn bệnh ung thư buồng trứng. Nhà nghèo, chồng mất sớm, các con sau khi lập gia đình cũng khó khăn mưu sinh nên bà gần như phải tự lo liệu cho bản thân mình.
Bác sĩ Huỳnh Văn Hiếu, người trực tiếp điều trị cho bà Y. chia sẻ: “Xa nhà, lại không có người thân bên cạnh nên bà hay nghĩ ngợi lung tung. Trách nhiệm của nhân viên y tế ngoài điều trị theo chuyên môn là quan tâm, động viên để bà bớt buồn tủi, chuyên tâm chữa bệnh”.
Không chỉ trực tiếp tâm tình với bệnh nhân, những lời chia sẻ như bác sĩ Hiếu nói còn được treo dọc hành lang và trước cửa mỗi phòng bệnh. Đó là những lá thư tay động viên, những bài thơ về tình mẫu tử, sự lạc quan, yêu đời, những dòng cảm ơn viết vội.
“Công trình” này do chính tay các bác sĩ, y tá, điều dưỡng trong khoa thiết kế, trang trí để hỗ trợ về mặt tinh thần cho người bệnh. “Cứ mỗi khi cảm thấy chán nản, lo lắng về tương lai hay mệt mỏi do điều trị dài ngày, tôi lại bước ra hành lang, đọc những dòng chữ này để cảm thấy nhẹ nhàng hơn, có thêm nghị lực tiếp tục bước tới”, bệnh nhân Nguyễn Văn D. (46 tuổi, trú huyện Hòa Vang) đang điều trị ung thư dạ dày tâm sự.
Trung tâm Y học hạt nhân và xạ trị, Bệnh viện Đà Nẵng được ra đời từ năm 2011. Thời điểm này, Chính phủ đã đồng ý phê duyệt gói viện trợ trị giá 10 triệu USD (hơn 200 tỷ đồng) để mở rộng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho trung tâm.
Đến năm 2015, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng thành lập trên cơ sở tách từ Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng, nên tháng 1-2015, UBND thành phố đã ký kết biên bản ghi nhớ và tiếp nhận viện trợ không hoàn lại số tiền 450.000 USD (khoảng 9 tỷ đồng) từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) để củng cố Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng.
Trong vòng 3 năm (2015-2018), dự án của KOICA đóng vai trò đào tạo nguồn nhân lực cho Bệnh viện Đà Nẵng trong việc quản lý y tế, hóa xạ trị ung thư, xạ trị điều biến liều; đồng thời tiếp cận các mô hình bệnh viện tiên tiến của Hàn Quốc.
KOICA đã tổ chức 7 khóa đào tạo ngay tại Bệnh viện Đà Nẵng cho khoảng 1.500 lượt cán bộ, nhân viên y tế về điều trị đa mô thức trong ung thư, chăm sóc điều dưỡng tổng quát, quản lý sử dụng thiết bị y tế, tư vấn giáo dục, an toàn pha chế hóa chất độc tế bào…
Một số kỹ thuật hiện đại hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực điều trị ung thư như: hệ thống Cyclotron, PET-CT, SPECT, máy xạ trị gia tốc... thông qua gói viện trợ 10 triệu USD được lắp đặt tại Bệnh viện Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả.
Năm 2017, hệ thống giao lưu trực tuyến với Trung tâm Ung thư Yonsei (Hàn Quốc) cũng được lắp đặt tại Bệnh viện Đà Nẵng, giúp các bác sĩ trao đổi, hội chẩn trực tuyến với chuyên gia y tế hàng đầu Hàn Quốc trong lĩnh vực ung thư.
Theo bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, lợi ích của chương trình hợp tác với KOICA là bền vững và không chỉ giới hạn trong Khoa Ung bướu. “Ngoài lĩnh hội kiến thức chuyên môn, nhân viên y tế tại bệnh viện còn được đào tạo bài bản, nâng cao về văn hóa ứng xử với người bệnh.
Sự thành công trong điều trị bệnh lý luôn ghi nhận vai trò quan trọng của nhân viên điều dưỡng về thái độ, kỹ năng, kiến thức chăm sóc bệnh nhân. Đó là những nhân tố tạo sự thoải mái, tin tưởng của người bệnh, giúp họ có thêm niềm tin, chuyên tâm để vượt qua cơn hiểm nghèo”, bác sĩ Nhân cho biết.
Bài và ảnh: PHAN CHUNG