Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục ổ sốt xuất huyết (SXH) xuất hiện trên hầu khắp các địa phương toàn thành phố, khiến số ca mắc SXH gia tăng. Đơn vị kiểm soát bệnh tật thành phố khuyến cáo, các địa phương và người dân nếu không tăng cường phòng, chống SXH, nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trên diện rộng.
Lực lượng chức năng phun hóa chất diệt ổ sốt xuất huyết tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Ảnh: PHAN CHUNG |
Thời tiết có mưa, độ ẩm tăng cao trong vòng 2 tuần trở lại đây là điều kiện lý tưởng để các loại dịch bệnh, trong đó có SXH bùng phát theo mùa. Tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), địa phương có hơn 35.000 dân, trong đó 147 người mắc SXH tính từ đầu năm đến nay. Hiện có 40/103 tổ dân phố trên toàn phường ghi nhận người mắc SXH.
Bà Lê Thị Kim Thương, Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang cho biết: “Khu vực Thành Vinh, Lộc Phước 1 tập trung nhiều người SXH. Yếu tố thời tiết khiến dịch SXH dễ bùng phát. Về phía địa phương, chúng tôi đã làm hết sức có thể, vừa tăng cường vệ sinh trong khu dân cư, tuyên truyền đến các hộ dân, vừa phối hợp với đơn vị dự phòng tổ chức phun hóa chất diệt lăng quăng, bọ gậy”.
Là một trong những địa phương làm tốt công tác phòng, chống dịch SXH trong thời gian qua, nhưng đến nay huyện Hòa Vang cũng ghi nhận một số “đột biến” khi số ca mắc SXH trong tuần (từ ngày 5 đến 11-11) là 39 người, cao nhất trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, địa phương này cũng ghi nhận thêm 9 ổ dịch mới, trong đó riêng xã Hòa Tiến phát hiện 4 ổ dịch mới. “Chúng tôi đang phối hợp với các xã để dập dịch, khống chế không cho dịch bệnh bùng phát diện rộng. Một thực tế phải thừa nhận là sự phối hợp từ cơ sở vẫn chưa quyết liệt, người dân một số khu vực còn tham gia đối phó khiến dịch SXH khó được kiểm soát”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Tửu, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật (Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang) cho biết.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, trong vòng 2 tuần (từ ngày 28-10 đến 11-11), trên địa bàn thành phố đã có hơn 400 ca mắc SXH, nâng tổng số người mắc SXH tính từ đầu năm 2018 đến nay lên hơn 3.360 người.
Điểm đáng chú ý, cũng trong thời gian này, toàn thành phố phát hiện thêm 60 ổ dịch mới, nâng tổng số ổ dịch được phát hiện trong năm 2018 lên con số 353. Hàng loạt ổ dịch được phát hiện tại quận Sơn Trà (12 ổ), quận Liên Chiểu (11 ổ), quận Cẩm Lệ (10 ổ)…
Một số phường liên tục ghi nhận ổ dịch trong một thời gian dài như: Thuận Phước (quận Hải Châu), Thanh Khê Đông, Xuân Hà (quận Thanh Khê), Hòa Hiệp Nam, Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), Khuê Trung, Hòa An (quận Cẩm Lệ).
Những vật dụng nhỏ đọng nước là môi trường lý tưởng để bọ gậy sinh sôi, phát triển. |
Theo ông Đặng Quang Ánh, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, hiện tại đang vào giai đoạn đỉnh dịch nên việc phát hiện và xử lý các ổ dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Phạm vi khu trú của muỗi truyền bệnh SXH trong bán kính lên đến hơn 200m nên khả năng lan rộng hoặc phát hiện mới các ổ dịch là điều rất dễ xảy ra.
“Có nhiều ổ dịch được phát hiện và xử lý kịp thời, nhưng hôm sau chúng tôi lại phát hiện thêm các ổ khác ở khu vực lân cận. Điều này cho thấy, công tác phòng, chống SXH, nhất là việc dập các ổ dịch cần được triển khai đồng bộ, toàn diện và phối hợp từ các địa phương, đặc biệt là vai trò của chính người dân trong và ngoài khu vực đó”, ông Ánh cho biết.
Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, ngoài việc giám sát các dịch tay-chân-miệng và sởi tại các cơ sở y tế, nhiệm vụ trọng tâm của trung tâm và các địa phương thời gian này là tập trung phát hiện, khống chế số ca mắc SXH và các ổ dịch trong khu dân cư.
Tuy số ca mắc không tăng so với cùng kỳ năm 2017 nhưng với thời tiết như hiện nay, SXH đang có nguy cơ bùng phát. “Các trạm y tế cơ sở phải thực hiện quy trình xử lý ổ dịch theo quy định, trong đó bảo đảm tỷ lệ hộ gia đình được phun hóa chất tối thiểu đạt 90%.
Ngoài ra, đề nghị UBND các xã, phường có xuất hiện các ổ dịch nhỏ cần tích cực huy động lực lượng liên quan cùng vào cuộc và vận động người dân diệt lăng quăng, bọ gậy và giám sát triệt để quá trình phun hóa chất tại địa phương mình”, bác sĩ Thạnh nhấn mạnh.
Bài và ảnh: PHAN CHUNG