Bệnh viện (BV) Đà Nẵng vừa thành lập Khoa Đột quỵ trên cơ sở tách các đơn vị điều trị đột quỵ bố trí rải rác khắp các khoa, phòng trước đây. Việc bố trí nhân lực, kỹ thuật, thiết bị tập trung về một chỗ giúp phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, nâng cao hiệu quả điều trị các cơn đột quỵ - căn bệnh vốn để lại di chứng rất nặng nề.
Hơn 2.000 bệnh nhân bị đột quỵ được điều trị hằng năm. Đột quỵ não hay tai biến mạch não là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới sau bệnh tim mạch, ung thư. TRONG ẢNH: Điều trị bệnh nhân đột quỵ tại Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng. |
Ngày 3-4, bệnh nhân Đ.V.T. (54 tuổi, ngụ Thanh Khê) được người nhà đưa vào BV Đà Nẵng cấp cứu trong tình trạng đau đầu, tay chân co rút không cử động được. Các bác sĩ khám và kết luận bệnh nhân T. bị nhồi máu não cấp giờ thứ 1 và nhanh chóng cho uống thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch để làm tan cục máu đông gây tắc máu não.
Sau một ngày điều trị cấp, tay bệnh nhân đã phục hồi được 60% cử động và chân đã phục hồi được 90%. Sau khi xuất viện, bệnh nhân tập các bài tập vật lý trị liệu hỗ trợ vận động.
Theo bác sĩ Ngô Khắc Toàn, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân T., điều may mắn nhất là bệnh nhân được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời nên khả năng hồi phục rất nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng may mắn như vậy.
Tuy mới thành lập từ đầu tháng 4 nhưng đến thời điểm hiện tại, Khoa Đột quỵ đang tiếp nhận điều trị gần 90 bệnh nhân. Theo bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc BV Đà Nẵng kiêm Trưởng Khoa Đột quỵ, mỗi năm, BV điều trị khoảng 2.000 bệnh nhân đột quỵ, xếp thứ 3 so với các cơ sở y tế trên toàn quốc. Đột quỵ não hay tai biến mạch não là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới sau bệnh tim mạch, ung thư và đồng thời là nguyên nhân hàng đầu để lại di chứng tàn tật.
“Trước đây, bệnh nhân đột quỵ được bố trí nằm rải rác ở một số khoa, như: Hồi sức tích cực chống độc, Nội Thần kinh, Nội Tim mạch. Thực tế này cũng tạo ra một số khó khăn nhất định khi nhân lực bị phân tán, ảnh hưởng đến quá trình điều trị”, bác sĩ Trung cho biết.
Việc thành lập Khoa Đột quỵ được xem là một bước phát triển mới của bệnh viện nói chung và đơn vị đột quỵ nói riêng. Theo bác sĩ Trung, tôn chỉ mà các bác sĩ tại Khoa Đột quỵ hướng đến đó là chạy đua với “thời gian vàng” để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não hay xuất huyết não bởi khi não bị tổn thương do dòng máu bị nghẽn, tế bào não bị thiếu oxy và bắt đầu chết, các chức năng của vùng não chết cũng sẽ mất đi.
“Thực tế hiện nay việc tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân không phải lúc nào cũng kịp thời do xuất phát từ nhiều nguyên nhân như người nhà không nhận biết được dấu hiệu, sự phối hợp giữa các cơ sở y tế chưa kịp thời. Khi người bệnh đến tay chúng tôi thì đã qua mất thời gian vàng nên cơ hội phục hồi là rất khó khăn”, bác sĩ Trung chia sẻ.
Hiện Khoa Đột quỵ đang duy trì hoạt động của đội cấp cứu chống đột quỵ với sự hỗ trợ của Stroke bag (túi cấp cứu đột quỵ). Túi này rất phát huy tác dụng với đầy đủ thiết bị, dụng cụ thuốc men tiêu huyết khối đột quỵ truyền theo chỉ định, liều lượng, kèm theo đó là bảng thông tin bệnh nhân và kết quả CT mạch máu não.
Đây là phương pháp hiệu quả nhất trong điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp hiện nay trên thế giới với tỷ lệ hồi phục ở mức cao. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có thể sử dụng ở bệnh nhân nhập viện trước 6 giờ đồng hồ (gọi là thời gian vàng) tính từ lúc khởi phát triệu chứng. Khoa Đột quỵ luôn duy trì số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ cấp cứu đột quỵ với ekip bác sĩ trực 24/24 giờ, sẵn sàng cấp cứu người bệnh khi nhận được yêu cầu.
Trong thời gian tới, Khoa Đột quỵ sẽ phối hợp với Trung tâm Cấp cứu 115, các cơ sở y tế trực thuộc tổ chức tập huấn, tuyên truyền để người dân hiểu rõ các triệu chứng của đột quỵ và cách xử lý ban đầu. Mục đích hướng đến là nâng cao khả năng nhận biết dấu hiệu, từ đó giúp người bị đột quỵ được can thiệp kịp thời trong “thời gian vàng”.
3 dấu hiệu nhận biết bệnh nhân đột quỵ Dấu hiệu nhận biết thứ nhất của bệnh nhân đột quỵ là bị méo miệng, biểu hiện rõ nhất khi cười, nhe răng. Thứ hai là bệnh nhân bị yếu liệt chân, tay. Người nhà đánh giá bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao hoặc giơ chân lên cử động. Dấu hiệu thứ ba là ngôn ngữ bất thường. Người nhà có thể đề nghị bệnh nhân lặp lại một cụm từ đơn giản, xem bệnh nhân có biểu hiện không, có lặp lại được không và nhận xét giọng nói có bị đá không. Đặc biệt, khi xuất hiện các triệu chứng trên đột ngột, người nhà hãy gọi cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa bệnh nhân đến BV Đà Nẵng và gọi số điện thoại đường dây nóng: 0898244555 để được hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời.. |
Bài và ảnh: PHAN CHUNG