Người phụ nữ 34 tuổi bẩm sinh không có tử cung, mẹ quyết định hiến tử cung cho con để cô có thể mang thai.
Ca ghép tử cung đầu tiên tại Pháp. Ảnh: Teller Report |
Một người phụ nữ giấu tên 34 tuổi ở Pháp bị vô sinh do mắc hội chứng hiếm gặp Rokitansky (MRKH) - khi sinh ra đã không có tử cung. Người hiến tặng tử cung chính là mẹ cô, 57 tuổi. Ca ghép tử cung tiến hành vào ngày 31-3, đến ngày 11-4 mới được công bố.
Đây là ca ghép tử cung đầu tiên ở Pháp, được thực hiện tại Bệnh viện Foch ở Suresnes. Ghép tử cung đã được thực hiện ở các quốc gia khác, người được ghép đều sinh nở được.
Giáo sư Jean-Marc Ayoubi, Trưởng khoa Phụ sản và Y học tái tạo của bệnh viện, phụ trách ca ghép tử cung này chia sẻ, người nhận tử cung được cấy phôi đông lạnh trong vòng 10 tháng. Trên thế giới thời gian chờ cấy phôi kéo dài 6-12 tháng.
Ở Pháp, ghép tử cung là giải pháp được thử nghiệm thay cho biện pháp mang thai hộ vốn bị cấm ở nước này, hoặc nhận con nuôi.
Ca ghép tử cung đầu tiên trên thế giới từ người còn sống thực hiện vào năm 2014 tại Thụy Điển. Người hiến tặng còn sống, nay đã 61 tuổi. Ca sinh con đầu tiên từ tử cung ghép của người đã chết, diễn ra ngày 15/12/2017 tại Brazil.
Đến nay thế giới đã có hơn 50 phụ nữ được ghép tử cung,15 trẻ chào đời gồm: 9 ca ở Thụy Điển, 2 ca ở Mỹ, các ca còn lại ở Brazil, Serbia, Ấn Độ, Trung Quốc.
Theo Vnexpress