Vì 'bữa ăn sạch' cho người dân

Bài 2: Đi tìm nguồn thực phẩm sạch

.

Mỗi năm thị trường Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 140.000 tấn rau, củ, quả các loại, nhưng lượng nông sản thành phố tự đáp ứng chỉ chiếm hơn 6%, còn lại phải nhập từ các địa phương khác. Việc truy xuất nguồn gốc được xem là biện pháp hạn chế tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả. Ngoài việc tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm tại chợ Đầu mối Hòa Cường, lãnh đạo và các cán bộ của Ban Quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) đã nhiều lần tìm đến các vựa cung cấp, vườn trồng tại các thị trường lớn để tìm kiếm thực phẩm an toàn.

Lấy mẫu các loại rau tại chợ Đầu mối Hòa Cường khi có thông tin sử dụng chất tẩy trắng.
Lấy mẫu các loại rau tại chợ Đầu mối Hòa Cường khi có thông tin sử dụng chất tẩy trắng.

“Giấy khai sinh” cho nông sản

Năm 2018, BQL ATTP thành phố tổ chức ký kết chuỗi cung ứng nông sản an toàn với hơn 80 doanh nghiệp sản xuất nông sản tại 2 tỉnh Quảng Nam và Đăk Lăk. Đây là những đơn vị, hợp tác xã chuyên cung ứng các loại nông sản như: rau, bơ, trà thảo mộc, hạt tiêu, gạo tím... sản xuất theo công nghệ an toàn dưới sự bảo hộ, quản lý trực tiếp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương đó.

Tham gia lễ ký kết cung ứng nông sản cho Đà Nẵng, anh Nguyễn Văn Tiến, đại diện Hợp tác xã sản xuất, dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến (xã Hòa An, huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk) - đơn vị cam kết cung ứng hạt tiêu, bơ, cho biết, đây là cơ hội để các doanh nghiệp, nông dân khẳng định chất lượng nông sản trên thị trường khi có sự hỗ trợ, bảo lãnh từ cơ quan Nhà nước, nhất là trong bối cảnh thị trường tiêu thụ nông sản, trái cây gặp khó do không khẳng định được chất lượng.

Trước đó không lâu, BQL ATTP thành phố còn đến tận nơi và làm việc với các chủ vườn, chủ vựa thu mua trái cây tại tỉnh Vĩnh Long, tận mắt chứng kiến quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển trước khi vào chợ Đầu mối Hòa Cường. Được biết, Vĩnh Long là thị trường cung cấp trái cây lớn thứ hai cho Đà Nẵng (sau Tiền Giang) với thế mạnh là cam. Trên cơ sở khảo sát thực tế, BQL ATTP thành phố ký kết thỏa thuận hợp tác về sản xuất, cung ứng trái cây an toàn giai đoạn 2018-2020 với tỉnh Vĩnh Long.

Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP thành phố, việc ký kết là cơ sở để hai địa phương phối hợp kiểm tra, giám sát nguồn thực phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng, làm cầu nối thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của hai bên cung ứng trái cây an toàn theo chuỗi một cách bền vững.

“Bước đầu chúng tôi xây dựng cơ sở dữ liệu đơn giản, thiết lập thông tin như: tên chủ hộ, chủ vựa, ngày thu hoạch, ngày phun thuốc theo đúng chu kỳ, đúng danh mục, thời gian vận chuyển… đối với các loại trái cây Vĩnh Long trước khi vào thị trường. Điều này giúp người tiêu dùng ở Đà Nẵng có thể biết rõ hơn xuất xứ, chất lượng trái cây mình sử dụng”, ông Hải cho biết.

Tính đến thời điểm này, Đà Nẵng đã tổ chức ký kết cung ứng nông sản an toàn với 7 địa phương gồm: Lâm Đồng, Gia Lai, Đăk Lăk, Quảng Nam, Tiền Giang, Vĩnh Long và Bình Định. Việc ký kết không chỉ giúp người tiêu dùng có thêm cơ hội sử dụng thực phẩm an toàn mà còn tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất, nuôi trồng, chế biến thực phẩm khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh việc tiếp nhận cung ứng nguồn thực phẩm từ bên ngoài, BQL ATTP thành phố cũng khuyến khích các doanh nghiệp địa phương tự “khẳng định mình” trong mắt người tiêu dùng. Chương trình thí điểm doanh nghiệp cung ứng thực phẩm an toàn được triển khai trong năm 2018 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình đối với người tiêu dùng.

Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 27 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và dịch vụ ăn uống cam kết cung ứng nguồn thực phẩm an toàn. Theo anh Nguyễn Việt Dũng, chủ cơ sở Nước mắm nhĩ Bình Minh (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), một trong số doanh nghiệp cam kết cung ứng thực phẩm an toàn, đây là sân chơi hấp dẫn giúp các doanh nghiệp tự khẳng định mình trước “mê hồn trận” thực phẩm hiện nay. “Đây vốn là nghề gia truyền nên bí quyết và chất lượng đã được kiểm chứng qua thời gian, vấn đề cần đầu tư hiện nay với tôi là xây dựng, quảng bá hình ảnh sản phẩm để người tiêu dùng hiểu và đánh giá đúng bản chất của sản phẩm”, anh Dũng nói.

Kiểm soát chặt đầu vào

Từ năm 2017, khi Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 2-11-2016 của UBND thành phố quy định quản lý ATTP đối với sản phẩm rau, trái cây, thủy sản nhập vào Đà Nẵng có hiệu lực, thì việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm được triển khai quyết liệt, thường xuyên hơn. Ngoài việc tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm tại các chợ đầu mối, chợ thủy sản, cơ quan quản lý ATTP đã thiết lập lại quy trình đăng ký thông tin, truy xuất nguồn gốc đối với các mẫu thực phẩm nhập vào Đà Nẵng. Trong trường hợp phát hiện sản phẩm chứa hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, lực lượng chức năng sẽ phối hợp với tiểu thương, cơ quan chức năng tổ chức khoanh vùng và cấm các chủ vựa vi phạm tiếp tục nhập nông sản về Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Tứ, Phó BQL ATTP thành phố cho biết, đơn vị thường xuyên phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, UBND các quận, huyện và Cảnh sát môi trường thực hiện nhiệm vụ này. “Chúng tôi tập trung kiểm tra những địa điểm cung cấp thực phẩm quy mô lớn như chợ, siêu thị, cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm. Nếu có dấu hiệu vi phạm, lực lượng chức năng sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm, xử phạt theo quy định của pháp luật; đồng thời qua đây sẽ nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này nếu nhận thấy sự bất cập”, ông Tứ cho biết.

Việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc xuất xứ các loại rau, củ, quả và hải sản nhập về Đà Nẵng hiện vẫn đang được thực hiện theo Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND của UBND thành phố. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm được kiểm soát chặt chẽ từ khâu đầu vào để có thể khoanh vùng, loại trừ những nhóm thực phẩm có nguồn gốc và tiềm ẩn nguy cơ cao.

Từ năm 2018 đến nay, lực lượng chức năng đã lấy 464 mẫu rau, trái cây tại các chợ, cơ sở kinh doanh để phân tích tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, qua đó phát hiện 15 mẫu (chiếm 3,7%) có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Bên cạnh đó, hơn 200 mẫu thịt các loại được lấy từ các lò mổ để kiểm tra các chỉ tiêu về chất vi sinh, chất tạo nạc, kháng sinh, kim loại nặng, qua đó phát hiện 77 mẫu thịt nhiễm khuẩn E.coli.

Đối với các cơ sở sản xuất rau, củ, quả trên địa bàn, ngành nông nghiệp cũng phối hợp với BQL ATTP thành phố lấy 130 mẫu kiểm tra đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kết quả các mẫu đều đạt. Riêng 143 mẫu thủy sản phân tích tồn dư kim loại nặng, vi sinh, hóa chất, kháng sinh… đều không phát hiện, đạt yêu cầu.

Tính đến nay, Đà Nẵng đã ký kết các chương trình hợp tác với 95 nhà cung cấp hoa, quả ở 10 tỉnh, thành và 75 nhà cung cấp trái cây ở 11 tỉnh, thành trong cả nước. Số rau, củ, quả bị phát hiện có chất tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tại chợ Đầu mối Hòa Cường đến thời điểm này chiếm 3,7% số mẫu được mang đi kiểm nghiệm. “Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện vai trò, hiệu quả của việc thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm ATTP của thành phố. Bởi, tỷ lệ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả trước đây chiếm từ 8-10% số mẫu được kiểm nghiệm”, ông Tứ nhấn mạnh.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

 

;
;
.
.
.
.
.