Hơn cả tình thân

.

Bệnh viện không phải là nơi chỉ có dao, kéo với hàng loạt kỹ thuật can thiệp, phẫu thuật mới tìm lại sự lành lặn cho bệnh nhân. Có những nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng, với chức trách, nhiệm vụ được giao, họ là cầu nối quan trọng của người bệnh - trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất - với thế giới bên ngoài.

Một bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được hỗ trợ hơn 200 triệu đồng chữa bệnh từ sự kêu gọi của các nhân viên y tế.
Một bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được hỗ trợ hơn 200 triệu đồng chữa bệnh từ sự kêu gọi của các nhân viên y tế.

Nằm ở phòng theo dõi Ngoại Tim mạch (Bệnh viện Đà Nẵng) để cuối tuần được mổ, ông Huỳnh Văn T. (52 tuổi, trú quận Sơn Trà) vẫn không tin được rằng, có một ngày căn bệnh hở van tim hành hạ ông bao nhiêu năm nay lại được chữa trị dứt điểm. Vợ bỏ đi, con gái lấy chồng xa lại không khá giả gì, mình ông T. loay hoay tuổi già trong bạo bệnh. Để duy trì cuộc sống, ông chạy xe ôm kiếm sống qua ngày. Tuy nhiên, những cơn tức ngực, suy tim cho chứng bệnh hở van tim luôn hành hạ ông. Năm bữa nửa tháng ông lại dành dụm, gom góp vào bệnh viện điều trị.

Các bác sĩ khuyên phải phẫu thuật dứt điểm thì bệnh của ông mới khỏi. Biết thân nghèo cô độc, ông vẫn lẳng lặng từ chối, ngày đêm gồng mình chống chọi với bạo bệnh. Biết chuyện, các nhân viên Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đà Nẵng đã liên hệ, tìm cách đưa ông T. nhập viện. Mặt khác họ âm thầm kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ, giúp đỡ chi phí phẫu thuật cho ông T. “Tổng chi phí phẫu thuật phải thanh toán ngoài phần chi trả của bảo hiểm y tế khoảng 15 triệu đồng, chúng tôi cam kết thanh toán hết thì ông T. mới chịu nhập viện. Hiện tại đã được khoảng 6 triệu đồng, số còn lại chúng tôi sẽ kêu gọi tiếp để thanh toán cho ông”, anh Nguyễn Đình Quốc, Phòng Công tác xã hội (CTXH), Bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ.

Được thành lập với mục đích chính là mang lại sự hài lòng cho người bệnh theo quy định của Bộ Y tế nhưng điều để lại ấn tượng tốt đẹp nhất đối với những nhân viên làm nhiệm vụ CTXH chính là giúp đỡ các bệnh nhân hiểm nghèo. Song song các hoạt động động viên tinh thần cho người bệnh chính là sự kêu gọi, hỗ trợ về vật chất rất thiết thực, kịp thời. “Nhiều bệnh  nhân mắc bệnh hiểm nghèo, phải điều trị lâu dài, một số loại thuốc, thiết bị lại không nằm trong danh mục chi trả, thanh toán của bảo hiểm y tế nên chi phí phát sinh có khi lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Người bệnh giữ được mạng sống nhưng lại đối mặt với khoản nợ rất lớn”, ông Hồ Anh, Trưởng Phòng CTXH, Bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ.

Xuất phát từ thực tế đó, việc vận động, kêu gọi và kết nối các nhà hảo tâm luôn được thực hiện thường xuyên. Các bệnh nhân sau khi nhập viện, các hộ lý, điều dưỡng tại các khoa, phòng sẽ nắm bệnh lý và hoàn cảnh, sau đó gửi thông tin đến Phòng CTXH. Tại đây các nhân viên CTXH sẽ làm cầu nối kêu gọi và kết nối với các nhà hảo tâm. Năm 2018, chỉ tính riêng số tiền giúp đỡ các bệnh nhân trong hoàn cảnh ngặt nghèo do Phòng CTXH (Bệnh viện Đà Nẵng) thực hiện đã lên tới hơn 2 tỷ đồng. Số tiền này đã kịp thời cứu giúp hàng chục bệnh nhân trong cơn nguy kịch.

Trong nhiều trường hợp nhận được hỗ trợ kịp thời và rất ý nghĩa, có lẽ phải kể đến bệnh nhân Trần Thị Thúy H. (22 tuổi, trú huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). H. đang mang thai tuần thứ 21, bị nhiễm virus, gây biến chứng viêm phổi và tổn thương cơ tim. Sau khi hội chẩn và cân nhắc kỹ lưỡng, các bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng quyết định cứu H. bằng máy ECMO - kỹ thuật tim phổi nhân tạo. Được biết đây là trường hợp mang thai đầu tiên được điều trị thành công bằng kỹ thuật ECMO. Tuy nhiên, số tiền mà H. sau đó phải thanh toán không hề nhỏ, hơn 200 triệu đồng. May mắn là sau khi các nhân viên CTXH kêu gọi từ các mạnh thường quân, đã có gần 300 triệu đồng từ những tấm lòng không quen biết “tiếp sức” cho mẹ con H., đủ để em thanh toán viện phí và tiếp tục điều trị. Hiện H. đã hoàn toàn khỏe mạnh, sinh con và sống một cuộc sống bình thường như bao người khác.

Nhiều bệnh nhân không chỉ đối mặt với bệnh lý nặng mà còn cô độc vì không có người thân chăm sóc. Trong hoàn cảnh ấy, những cán bộ, nhân viên Phòng CTXH lại chạy ngược xuôi xác minh thông tin, mua các nhu yếu phẩm cần thiết để bệnh nhân sinh hoạt. Trong suốt quá trình điều trị, “người thân” của các bệnh nhân chính là những nhân viên y tế thay phiên nhau chăm sóc, bệnh nặng thì phụ luôn việc thay áo quần, ăn uống, vệ sinh cá nhân hàng ngày. “Bệnh tật là bi kịch, nỗi bất hạnh cho nhiều người. Nhưng sẽ bi kịch hơn nếu họ không có điều kiện thanh toán, không người thân  chăm sóc. Ngoài việc điều trị chuyên môn của các y, bác sĩ, sự động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất thông qua việc kêu gọi các nhà hảo tâm là điều thực sự có ý nghĩa. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm giữa người với người trong lúc hoạn nạn”, ông Hồ Anh chia sẻ.

PHAN CHUNG
 

;
;
.
.
.
.
.