Phòng, chống ngộ độc thực phẩm mùa nóng

.

Mùa nóng thường xảy ra nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao. Để giúp người dân hiểu nguyên nhân, cũng như cách phòng tránh bị ngộ độc thực phẩm, phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng chung quanh vấn đề này.

Bệnh nhân điều trị ngộ độc thực phẩm ở Bệnh viện Hoàn Mỹ.
Bệnh nhân điều trị ngộ độc thực phẩm ở Bệnh viện Hoàn Mỹ.

* Xin ông cho biết, ngộ độc thực phẩm là như thế nào và nguyên nhân do đâu?

- Ngộ độc thực phẩm có thể biểu hiện ngay sau khi ăn, uống. Thời gian biểu hiện người bị ngộ độc thực phẩm có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ, thậm chí trong vòng 24 giờ sau khi ăn. Triệu chứng thường thấy ở những người bị ngộ độc thực phẩm là buồn nôn, nôn, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, đau bụng, tiêu chảy, suy hô hấp, khó thở…

Ngoài ra, cũng có những trường hợp ngộ độc thực phẩm không có biểu hiện rõ ràng, không phát tác ngay sau khi ăn, uống.

Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm thường do sử dụng thức ăn ôi thiu, để quá lâu, thức ăn bị nhiễm khuẩn không bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, việc sơ chế thực phẩm, vệ sinh dụng cụ, điều kiện bảo quản thực phẩm không bảo đảm cũng là nguyên nhân gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm.

* Vì sao vào mùa nắng nóng, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm thường ở mức cao?

- Thời tiết nóng và ẩm làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác thải, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh, ruồi nhặng, chuột, gián… Đồng thời, đây cũng là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, phát triển trong các loại đồ ăn, nước uống.

Riêng đối với những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nếu lơ là hoặc không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn trong chế biến thực phẩm sẽ dễ dẫn đến nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm cho người sử dụng.

* Khi người dân chẳng may bị ngộ độc thực phẩm, việc sơ cấp cứu ban đầu được thực hiện như thế nào?

- Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nhẹ, người nhà bệnh nhân có thể thực hiện một số biện pháp như kích thích cho bệnh nhân nôn hết thức ăn nhiễm độc ra khỏi cơ thể càng nhiều càng tốt; để bệnh nhân nằm nghỉ ngơi và theo dõi tình trạng mất nước do nôn mửa, tiêu chảy.

Cho bệnh nhân uống nhiều nước, uống từng ngụm nhỏ hoặc bù nước cho cơ thể bằng chất điện giải oresol. Tuyệt đối không cho bệnh nhân sử dụng đồ uống có cồn, gaz hoặc cafein. Nên ăn đồ ăn nhẹ, dễ tiêu như: cháo trắng, ruột bánh mì… Tránh ăn các chất béo, khó tiêu.

Trường hợp bệnh nặng, gặp phải những dấu hiệu hoặc triệu chứng sau đây thì hãy đưa đến cơ sở y tế khám và điều trị: nôn nhiều lần trong ngày và không kiểm soát được tình trạng nôn; nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu; đi ngoài phân lỏng hơn 3 lần/ngày; đau bụng quặn từng cơn; sốt trên 38 độ C; khát nước, khô miệng, đi tiểu ít hoặc không đi tiểu, mệt mỏi nghiêm trọng, chóng mặt hoặc hoa mắt; nhìn mờ, yếu cơ, cảm giác kiến bò, tê ở tay, chân.

* Ông có lời khuyên gì đối với người dân trong công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm?

- Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, người dân cần lựa chọn những thực phẩm còn tươi sống, không bị dập nát, bị thay đổi màu sắc, có mùi lạ… Sử dụng các loại thịt động vật đã qua kiểm dịch, các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và an toàn.

Không để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm chín, không để lẫn thực phẩm với các chất độc hại. Rửa tay trước và sau khi chế biến thực phẩm; rửa sạch tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Bảo quản thực phẩm bằng các vật chứa được đóng kín để tránh các loài côn trùng, loài gặm nhấm… Thường xuyên vệ sinh tủ lạnh và thức ăn thừa nên được bảo quản trong tủ lạnh. Các loại thức ăn cất giữ trong tủ lạnh cần được bỏ vào trong hộp kín hoặc bọc màng ni-lông để tránh mùi, tránh nhiễm khuẩn sang những loại thức ăn khác.

Dụng cụ ăn uống, chế biến phải thường xuyên rửa sạch sẽ và để ở nơi khô ráo. Trường hợp phát hiện thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh có dấu hiệu nấm mốc, ôi thiu… thì nên bỏ, không sử dụng. Ngoài ra, cần chú ý giữ gìn bếp, khu vực chế biến luôn khô ráo, sạch sẽ.

NGỌC ĐOAN thực hiện

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.