Trong những năm qua, hệ thống y tế ngoài công lập trên địa bàn thành phố liên tục phát triển cả về số lượng lẫn quy mô, loại hình. Điều này hoàn toàn phù hợp trong xu thế phát triển và nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân.
Tuy nhiên, hoạt động y tế ngoài công lập (y tế tư nhân) cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với bà Ngô Thị Kim Yến (ảnh), Giám đốc Sở Y tế thành phố về vấn đề này.
Bà Ngô Thị Kim Yến cho biết:
- Hiện nay trên địa bàn thành phố có 755 cơ sở y tế tư nhân, gồm 8 bệnh viện, 19 phòng khám đa khoa, 492 phòng khám chuyên khoa, 15 phòng chẩn đoán hình ảnh, 26 phòng xét nghiệm, 2 phòng tư vấn sức khỏe, 149 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 8 trại y tế cơ quan và 36 cơ sở dịch vụ y tế.
Sự ra đời và hoạt động của hệ thống y tế tư nhân góp phần quan trọng trong việc đa dạng hóa các loại hình y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp cho xã hội.
* Bà có thể nói rõ hơn về vai trò của y tế tư nhân đối với Đà Nẵng?
- Tại thành phố Đà Nẵng, các bệnh viện, phòng khám tư nhân đã được hình thành và ngày càng phát triển. Việc tham gia của các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tư nhân trong lĩnh vực y tế mang lại 5 lợi ích.
Đó là sự chia sẻ với khối y tế công lập trong việc cung cấp dịch vụ, đặc biệt là việc KCB; tạo điều kiện cho người dân sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chọn lựa theo “nhu cầu” và “yêu cầu”; tạo sự cạnh tranh lành mạnh với khối cơ sở y tế công lập; huy động được nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng trong khi ngân sách Nhà nước chưa thể cung cấp đủ cho chăm sóc sức khỏe và tận dụng nguồn nhân lực cán bộ y tế sau những năm tháng phục vụ y tế công vẫn còn sức khỏe và có nhiều kinh nghiệm về nghề nghiệp.
Hệ thống y tế tư nhân đầu tiên ở Đà Nẵng ra đời vào năm 1996 là Bệnh viện Bình Dân. Bên cạnh các bệnh viện tư nhân, hiện có 19 doanh nghiệp hoạt động theo hình thức phòng khám đa khoa. Ngoài các dự án đang được khởi động, hiện một số doanh nghiệp từ Nhật, Hàn Quốc… cũng đang có ý định đầu tư trong lĩnh vực KCB như xây dựng bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa. Thực tế này không chỉ phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân Đà Nẵng mà còn cho người dân các địa phương lân cận.
* Song song với những lợi ích mang lại, hoạt động y tế tư nhân vẫn còn nhiều bất cập, cụ thể là gì?
- Sở Y tế thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện rất nhiều vi phạm trong lĩnh vực này. Cụ thể, vẫn còn tình trạng nhân viên y tế không đeo biển tên; biển hiệu cơ sở ghi không đúng so với nội dung ghi trong giấy phép hoạt động; không công khai người hành nghề, thời gian làm việc; đình chỉ hành nghề đang trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hành nghề.
Đặc biệt, một số cơ sở y tế đã không bảo đảm các điều kiện về trang thiết bị y tế trong quá trình hoạt động; không niêm yết giá dịch vụ và thu giá dịch vụ KCB cao hơn giá đã niêm yết; thậm chí cung cấp dịch vụ KCB mà không có giấy phép hoạt động…
Chỉ tính đến thời điểm này trong năm 2019, đơn vị đã tổ chức kiểm tra 21 cơ sở, qua đó phát hiện 4 cơ sở vi phạm với số tiền phạt 180 triệu đồng, điển hình là Phòng khám đa khoa Hữu Nghị bị phạt hơn 140 triệu đồng, tước giấy phép hơn 4 tháng vì những vi phạm trong quá trình hoạt động.
* Thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến hoạt động y tế tư nhân có nhân viên y tế là người nước ngoài. Lĩnh vực này Sở Y tế quản lý như thế nào?
- Trên địa bàn thành phố hiện có 4 cơ sở KCB tư nhân có yếu tố người nước ngoài gồm: Phòng khám đa khoa Hữu Thọ, Phòng khám đa khoa Hữu Nghị, Phòng khám Gia đình và Phòng khám chuyên khoa Tâm thần kinh cột sống (thuộc Phòng khám chuyên khoa trị liệu thần kinh cột sống Hoa Kỳ-Chi nhánh Đà Nẵng).
Nhân viên trực thuộc các cơ sở này đều phải chấp hành, đáp ứng các quy định của pháp luật về hoạt động y tế. Theo đó, trong quá trình cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở và quản lý thông tin đăng ký hành nghề trên địa bàn thành phố, đơn vị đã phối hợp với Công an thành phố, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và các Sở Y tế tỉnh, thành trên toàn quốc nhằm xác định các thông tin liên quan đến hành nghề như: giấy phép lao động tại Việt Nam, thời gian lưu trú tại Việt Nam, tình trạng đăng ký hành nghề, chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam…
Chỉ các trường hợp bảo đảm quy định mới được Sở Y tế cấp phép. Ngoài ra, trong quá trình làm việc, chúng tôi cũng tổ chức nhiều đợt kiểm tra công tác hành nghề y tế tại các cơ sở nêu trên.
* Khó khăn, vướng mắc nhất của ngành y tế trong công tác quản lý hoạt động y tế tư nhân là gì?
- Hiện nay nhân lực chuyên trách quá mỏng trong khi việc lại nhiều. Cụ thể, Phòng Quản lý hành nghề y tế chỉ có 3 cán bộ, phụ trách chính công tác quản lý hành nghề y tế và bảo hiểm y tế; Phòng Thanh tra có 3 cán bộ. Ngoài công việc chuyên môn của phòng, một số cán bộ còn tham gia nhiều vào công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế, khối lượng công việc lớn và nhân lực mỏng nên việc quản lý các cơ sở dịch vụ y tế và công tác hậu kiểm, thanh tra còn yếu.
Công tác quản lý hoạt động y tế tư nhân cần được siết chặt. Trong ảnh: Nhân viên y tế Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng khám, điều trị cho bệnh nhân. |
Bên cạnh đó, thủ trưởng của nhiều đơn vị KCB chưa nắm được tình hình hành nghề y tế tư nhân của nhân viên do mình quản lý. Trong những năm qua, do các văn bản quy phạm pháp luật thay đổi nhanh, nhiều nghị định, thông tư mới được ban hành nên dù công tác phổ biến pháp luật được Sở Y tế triển khai liên tục vẫn còn khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong việc nắm vững và thi hành.
Đơn cử như Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Bộ Y tế ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế chưa theo kịp cùng với các thay đổi của các văn bản quy phạm pháp luật mới, một số mức xử phạt trong lĩnh vực y tế tại nghị định quá cao, khó áp dụng, một số hành vi vi phạm không có trong nghị định nên chưa có chế tài để xử lý các cơ sở vi phạm…
* Vậy giải pháp đặt ra là gì, thưa bà?
- Nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động y tế tư nhân, trong thời gian đến, Sở Y tế tiếp tục tập trung một số giải pháp như: tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về KCB, tổ chức các khóa bồi dưỡng, đào tạo liên tục về các quy chế chuyên môn, tập huấn kỹ năng thực hành cho các cơ sở KCB tư nhân trên địa bàn quản lý; tăng cường quản lý người hành nghề thông qua việc đăng ký hành nghề, bảo đảm tất cả người hành nghề phải được cấp chứng chỉ hành nghề và hành nghề đúng phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất để kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề KCB tư nhân đồng thời xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
Đặc biệt ngành y tế thành phố khuyến khích nhân dân cùng giám sát, phát hiện các sai phạm của các cơ sở KCB để chúng tôi và chính quyền địa phương xử lý kịp thời. Bên cạnh đó là công tác tham mưu cho UBND thành phố xây dựng chiến lược phát triển y tế tư nhân của thành phố đồng thời tham mưu Bộ Y tế, Chính phủ trong việc sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật để công tác quản lý Nhà nước hiệu quả, có sức răn đe hơn.
* Cảm ơn bà!
Bác sĩ Kim Văn Hùng, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng: Kỹ lưỡng trong cấp phép hoạt động Để hoạt động y tế tư nhân hiệu quả, việc đầu tiên cần làm là cơ quan chức năng phải thẩm định kỹ lưỡng hồ sơ cấp phép hoạt động. Trong quá trình hành nghề, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đồng thời xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Trong quá trình hoạt động, chúng tôi thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân bị tai biến do điều trị tại các cơ sở tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực thẩm mỹ viện. Đây là hệ quả của việc nhân viên tại những cơ sở này không được đào tạo bài bản hoặc không đúng chuyên môn, sử dụng các loại thuốc trôi nổi trên thị trường không được kiểm chứng chất lượng. Nhiều bệnh nhân “tiền mất, tật mang” nhưng hoàn toàn không được chữa khỏi, trong khi đến các cơ sở y tế công lập chuyên khoa lại được điều trị dứt điểm và chi phí cũng thấp hơn rất nhiều. Ông Nguyễn Văn Bình, Phó phòng phụ trách Phòng Giám định bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội thành phố: Tăng cường công tác giám định Tính đến tháng 9-2019, một số cơ sở y tế tư nhân thực hiện KCB bảo hiểm y tế (BHYT) đã vượt dự toán chi so với số tiền được cân đối chi trong năm 2019. Trong quá trình kiểm tra, giám định cho thấy vẫn có tình trạng trục lợi quỹ BHYT thông qua việc chỉ định nhiều dịch vụ y tế không cần thiết để đáp ứng chỉ tiêu thu của đơn vị. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn quỹ KCB BHYT mà còn gây tốn kém cho người bệnh, bởi nhiều danh mục y tế không được BHYT chi trả hoặc chi trả không hoàn toàn. Chính vì thế, việc tăng cường công tác giám định cần phải có sự phối hợp giữa BHXH và ngành y tế, sẽ góp phần vào việc chấn chỉnh hoạt động y tế tư nhân. Bà Nguyễn Thị Lợi (trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê): Chi phí vẫn còn cao Đến các cơ sở y tế tư nhân là lựa chọn hàng đầu của tôi trong quá trình đi khám, điều trị. Thực tế là tại các bệnh viện, phòng khám tư hiện nay, cơ sở vật chất được đầu tư bài bản, chất lượng, nhân viên rất nhiệt tình. Điều này đánh trúng tâm lý của người bệnh là ngại đến các cơ sở y tế công lập vì xuống cấp và quá tải. Tuy nhiên, chi phí KCB tại các cơ sở y tế tư nhân thường cao hơn các cơ sở y tế công lập, ngay cả khi KCB bằng BHYT. Có thể điều này đáp ứng cho việc các cơ sở tư nhân phải bỏ chi phí đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, nhân lực nhưng cơ quan chức năng cũng nên vào cuộc, thường xuyên giám sát, kiểm tra liệu có hay không việc thu giá cao hơn mức quy định, có hay không tình trạng “đẻ” thêm bệnh, các bước điều trị không cần thiết để thu tiền người bệnh... |
PHAN CHUNG thực hiện