Ngày 3-8-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 102/NQ-CP về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Trong hơn 1 năm qua, với sự chỉ đạo trực tiếp của UBND thành phố, thông qua Kế hoạch số 7778/KH-UBND ngày 10-10-2018, ngành BHXH thành phố đã triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đạt và vượt các chỉ tiêu mà Trung ương giao.
Theo BHXH thành phố, tính đến tháng 11-2019, toàn thành phố có 243.817 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 7.205 người so với cùng kỳ năm trước (tăng 3,05%); 236.424 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tăng 12.744 người so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,7%); 5.873 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 4.775 người so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số tiền nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BHTN là 275,4 tỷ đồng, giảm 131,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước (giảm 32,4%)... So với chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Kế hoạch 7778/KH-UBND của UBND thành phố, về cơ bản ngành BHXH đã hoàn thành và trong tầm kiểm soát, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện đã vượt rất cao (gấp 2,2 lần). Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn thành phố sẽ có 266.620 người tham gia BHXH bắt buộc (đạt 95% số người thuộc diện tham gia); 249.090 người tham gia BHTN (tăng 5,6% so với năm 2019). Đối với việc phát triển BHXH tự nguyện, các ngành sẽ tham mưu UBND thành phố điều chỉnh và đưa ra chỉ tiêu phù hợp với thực tế.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Hiền, Phó phòng phụ trách Phòng Quản lý thu, BHXH thành phố, mặc dù đạt được những kết quả ban đầu, nhưng việc phát triển đối tượng tham gia BHXH hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh không ổn định, dẫn đến người lao động thường xuyên mất việc làm, nghỉ hưởng chế độ BHXH một lần nên khó khăn trong việc vận động các đối tượng này tiếp tục tham gia BHXH. Theo thống kê, trong năm 2018 có hơn 10.000 người nghỉ hưởng chế độ BHXH một lần, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong khi đó, 9 tháng đầu năm 2019, con số này đã lên đến hơn 10.239 người, tăng 32% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, việc tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, biểu hiện là tình trạng trốn đóng, nợ đọng vẫn tiếp diễn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Ngoài ra, phần lớn quy mô doanh nghiệp nhỏ, hoạt động không ổn định, địa chỉ thường xuyên thay đổi, không có cán bộ chuyên trách làm BHXH nên dẫn đến việc gặp khó trong đôn đốc, thu hồi nợ. Công tác khởi kiện đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN còn nhiều vướng mắc về thẩm quyền, quy trình, thủ tục hồ sơ khởi kiện...
Để tiếp tục đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ, trong thời gian tới ngành BHXH tiếp tục đề ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn. Trong đó tập trung vào việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN làm căn cứ khởi tố vi phạm theo quy định tại Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý cơ sở dữ liệu, phát triển đối tượng tham gia; phát triển hệ thống đại lý thu đa dạng, linh hoạt, hiệu quả; nâng cao chất lượng phục vụ thông qua đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin...
Ngoài ra, BHXH sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cấp, các ngành trong quá trình triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển đối tượng tham gia BHXH trên địa bàn; tổng hợp, tham mưu UBND thành phố xử lý những khó khăn, vướng mắc liên quan, nhất là về cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với người tham gia và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
PHAN CHUNG