Một trong những nhiệm vụ mà Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 giao cho Đà Nẵng là “phát triển hiện đại hóa các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ biển, du lịch, thương mại, tài chính-ngân hàng, giáo dục-đào tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và kết nối cao với các trung tâm dịch vụ quốc tế trong khu vực ASEAN và thế giới”.
Có thể nhận thấy, trong những năm gần đây, dịch vụ y tế và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân Đà Nẵng nói riêng, khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói chung ngày một tăng cao. Các cơ sở y tế tại Đà Nẵng đang là điểm đến khám, chữa bệnh của người dân trong khu vực.
Tuy nhiên, trái ngược với nhu cầu tăng cao là hiện trạng ngành y tế đang bộc lộ nhiều hạn chế như quá tải, xuống cấp, thiếu nhân lực... Vì vậy, cần phải có sự đầu tư bài bản mang tầm chiến lược để dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe của Đà Nẵng vươn lên xứng tầm.
Bài 1: Nhiều bệnh viện quá tải
Tình trạng bệnh nhân nằm ghép 2, ghép 3 trên giường bệnh hoặc phải nằm ở các hành lang để điều trị không phải là hiếm tại các cơ sở y tế, nhất là cơ sở y tế hạng 1 trên địa bàn thành phố. Cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu tiện ích khiến công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe gặp khó.
Quá tải bệnh nhân là thực trạng đang diễn ra tại các cơ sở y tế, nhất là cơ sở y tế hạng 1 trên địa bàn thành phố. Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng là một trong số đó. |
Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng hiện chỉ có gần 140 giường kế hoạch nhưng trên thực tế luôn tiếp nhận, thu dung điều trị trên 200 bệnh nhân, thậm chí 300 bệnh nhân, nếu vào đỉnh điểm của mùa dịch.
Chia sẻ về điều này, bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, thực trạng trên tồn tại trong nhiều năm qua, nhất là khi các loại bệnh dịch như sốt xuất huyết, sởi, sốt siêu vi… bùng phát và không theo quy luật thời điểm trong năm như trước nữa. “Để đáp ứng nhu cầu người bệnh, chúng tôi buộc phải kê thêm giường trong phòng, tận dụng các khoảng trống ở hành lang, cho nằm ghép 2 bệnh nhân trên một giường nhưng vẫn không đủ”, bác sĩ Hàm cho biết.
Là cơ sở y tế hạng 1, Bệnh viện Đà Nẵng đang tiếp nhận một lượng bệnh nhân lớn từ tuyến dưới và các địa phương khác chuyển đến. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện này khám, điều trị ngoại trú hơn 2.000 lượt bệnh nhân.
Bệnh viện đăng ký 2.000 giường nhưng thực kê gần 2.900 giường và luôn trong tình trạng quá tải. Theo thống kê, một số khoa chuyên môn luôn hoạt động quá công suất như Y học nhiệt đới (149%), Ngoại chấn thương, ngoại thần kinh (155%), Nội thần kinh (144%), Tim mạch can thiệp (162%)), Hồi sức tích cực chống độc (156%)… Thực tế này buộc các nhân viên y tế phải “gồng” mình để đáp ứng nhu cầu điều trị, trong khi bệnh nhân thì xoay xở trong cảnh chật chội, tù túng và đối mặt với nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Thực trạng quá tải càng thể hiện rõ hơn tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Bệnh viện được thiết kế xây dựng ban đầu với quy mô 600 giường nhưng hiện nay tổng số giường thực kê điều trị cho người bệnh trên 1.700 giường, gần gấp 3 lần công suất thiết kế ban đầu.
Tại khoa Sinh, hàng chục bệnh nhân chờ sinh nằm vạ vật bên ngoài hành lang, cầu thang nối. Sản phụ Lê Thị Tr. (27 tuổi, quê Quảng Ngãi) mang thai tuần thứ 39, chia sẻ: “Sau 3 ngày nhập viện để theo dõi và chờ sinh em mới được bố trí giường để nằm vì đông quá.
Trong những ngày chờ đợi, mình phải mua chiếu nằm ở hành lang bên ngoài, đến giờ thì bác sĩ gọi vào khám, đo tim thai”. Khoa Sinh được thiết kế, bố trí 20 giường bệnh nhưng trên thực tế luôn tiếp nhận chăm sóc 70-80 bệnh nhân/ngày.
Là bệnh viện tuyến cuối chuyên khoa phụ sản - nhi, mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận, khám điều trị ngoại trú cho khoảng 1.500 bệnh nhân và thu dung điều trị nội trú gần 1.400 bệnh nhân. Số bệnh nhân có nhu cầu điều trị tăng cao khiến nhân lực rơi vào tình trạng quá tải, cơ sở vật chất xuống cấp. Một số khoa như Nhi sơ sinh, Y học nhiệt đới, Nhi hô hấp… các thiết bị như điều hòa, quạt hoạt động không ổn định, nhà vệ sinh thiếu, nhếch nhác do tần suất sử dụng quá lớn.
Người nhà và sản phụ xếp hàng chờ khám bệnh tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. |
Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng trong những năm gần đây cũng đối mặt với tình trạng quá tải. Bác sĩ Trần Tứ Quý, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cho biết, mỗi ngày bệnh viện thu dung điều trị 700-800 bệnh nhân trong khi giường kế hoạch chỉ có 600 giường.
Mặc dù được xây mới nên cơ sở vật chất có phần khang trang hơn các cơ sở y tế khác, nhưng do số lượng bệnh nhân, nhất là các địa phương khác chuyển về ngày càng nhiều, nên nhiều khoa, phòng tại đây bắt đầu xảy ra tình trạng thiếu giường, nằm ghép.
“Công suất sử dụng giường bệnh luôn luôn cao hơn thực tế, đặc biệt ở một số khoa như Xạ trị đạt 136%, Ung bướu tổng hợp 137%, Nội 3 lên đến 145%, Gây mê hồi sức 138%. Chúng tôi phải kê thêm hơn 200 giường bệnh tại hầu hết các khoa, phòng nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế”, bác sĩ Quý cho biết.
Tình trạng quá tải cũng xảy ra ở một số cơ sở y tế tuyến dưới. Tại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, sau khi thực hiện thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) tuyến quận, huyện, mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận khám, điều trị ngoại trú cho khoảng 1.300 bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cho biết, để đáp ứng nhu cầu khám, điều trị, toàn bộ 12 phòng khám chuyên khoa đều phải kê thêm giường, thậm chí có nơi tăng gấp 2 để phục vụ bệnh nhân.
“Điều này khiến bệnh viện gặp khó trong việc giải quyết các thủ tục thanh quyết toán BHYT, các tiêu chuẩn về diện tích tối thiểu trong phòng khám, số lượng giường bệnh trong một phòng khám theo quy định của Bộ Y tế cũng không đáp ứng được, nhưng không còn cách nào khác, bởi bệnh viện đã quá tải, cơ sở vật chất xuống cấp”, bác sĩ Thuyên cho biết.
Bác sĩ Phạm Minh An (Bệnh viện Đà Nẵng): Bệnh nhân quá tải gây căng thẳng, áp lực cho đội ngũ y, bác sĩ Việc bệnh viện quá tải cũng là điều dễ hiểu khi các tuyến đầu tư thiếu đồng bộ, bệnh nhân lựa chọn tuyến trên để khám và điều trị, dù đôi khi bệnh không nặng đến mức như vậy. Tuy nhiên, khi số lượng bệnh nhân quá đông vô tình lại tạo ra những áp lực cho nhân viên y tế, tạo ra những căng thẳng nhất định. Đơn cử như khoa Hồi sức tích cực-chống độc, thông thường mỗi bác sĩ theo dõi, điều trị cho 5-6 bệnh nhân nhưng những hôm quá tải có khi lên đến 9-10 bệnh nhân. Đây là những bệnh nhân nặng nên việc theo dõi, điều trị cũng phải tốn công sức, thời gian hơn. Vì vậy, việc bệnh nhân quá tải luôn là một áp lực lớn đối với bác sĩ để bảo đảm chất lượng, hiệu quả trong công tác điều trị. Đối với những người trẻ như chúng tôi, càng phải học cách bình tĩnh để giải quyết công việc một cách hợp lý, hiệu quả. Ông Trần Văn Liêm (65 tuổi, trú huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam): Khổ như đi bệnh viện! Vì lý do sức khỏe chứ cực chẳng đã mới vào đây. Bệnh viện quá đông, mỗi giường bệnh có khi nằm 2, nằm 3, người nhà thì phải nằm ngoài hành lang. Vì đông nên không khí trong phòng khi nào cũng ngột ngạt, căng thẳng. Chưa kể, mình không có chút không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi, dưỡng sức. |
Bài và ảnh: PHAN CHUNG