Bác sĩ Nguyễn Văn Điền tâm niệm, một bác sĩ dù giỏi và tận tâm đến đâu cũng không thể đi cùng hết thảy bệnh nhân. Vì vậy, ông chọn cách “gieo hạt”, đào tạo nhiều bác sĩ giỏi, chuyển giao công nghệ, coi họ như là cánh tay nối dài của mình đến với bệnh nhân nghèo các tỉnh miền Trung.
Bác sĩ Nguyễn Văn Điền hiện làm việc tại Phòng khám đa khoa Pasteur Đà Nẵng. |
Nếu hiểu tu nghiệp theo khái niệm thông thường là đi học ở nước ngoài, thì bác sĩ Nguyễn Văn Điền - chuyên gia can thiệp tim mạch có 3 năm được các sư thầy hỗ trợ sang Bệnh viện Đại học Y khoa Quảng Tây (Trung Quốc) để học chuyên sâu về can thiệp tim mạch. Nhưng trong tâm vị bác sĩ ấy coi cả thời gian đi học khi còn trẻ và hành nghề sau này đều là tu nghiệp, hiểu theo nghĩa rộng hơn của một bác sĩ, cũng là một cử nhân Phật học.
20 năm ăn cơm chùa để “tu nghiệp”
Một ca siêu âm tim do bác sĩ Nguyễn Văn Điền thực hiện tại Phòng khám đa khoa Pasteur Đà Nẵng. |
Sinh năm 1970 tại Huế, cha mất từ khi còn nhỏ nên cậu bé Điền được mẹ gửi vào chùa Bảo Lâm, rồi chùa Phổ Quang ở Bến Ngự. Thời phổ thông, cậu học trò ấy học chuyên Toán tại Trường Quốc học Huế.
Sau khi tốt nghiệp cao cấp Phật học, Đại học Y khoa, Cao học Nội khoa, Điền được nhà chùa gửi đi học ở nước ngoài.
Về nước năm 2005, bác sĩ Nguyễn Văn Điền vào Viện Tim thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, ra Bệnh viện Bạch Mai để thực tập, nâng cao tay nghề. Sau đó, ông trở về quê vừa học thêm, vừa khám bệnh từ thiện tại Tuệ Tĩnh đường của Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế.
“Tôi ăn cơm chùa từ khi còn nhỏ cho đến ngày học xong ngành y, cả sau khi ra trường vẫn là người của chùa. Những ngày tháng đó tôi coi là tu nghiệp. Tôi nghiệm ra mình có thể trực tiếp cứu chữa cho nhiều người, nhưng chỉ trong một thời gian thôi. Tốt hơn là đào tạo thêm nhiều bác sĩ giỏi, bám trụ ở những nơi mà người dân cần”, bác sĩ Điền chia sẻ
Khi thấy đủ hành trang, bác sĩ Điền trở về tham gia giảng dạy, làm công tác chuyên môn tại khoa Cấp cứu và Can thiệp tim mạch - Trường Đại học Y Dược Huế. Đây cũng là nơi mà tên tuổi bác sĩ Nguyễn Văn Điền bắt đầu được nhiều người biết đến khi xử lý thành công những ca bệnh cực khó như tăng huyết áp kháng trị do hẹp mạch thận, đặt coil cấp cứu trong trường hợp vỡ phình mạch não.
Năm 2008, cơ sở vật chất của ngành Can thiệp tim mạch tại Đại học Y Dược Huế còn hạn chế nên việc triển khai các kỹ thuật gặp vô vàn khó khăn. Tài sản lớn nhất là chiếc máy cũ do Luxembourg viện trợ nhưng không phải ai cũng có thể vận hành. Vậy nhưng, một tay bác sĩ Điền đã “set up” và dần dần làm nên thương hiệu cho khoa này.
Cho đến bây giờ, vị bác sĩ ấy vẫn không thể quên cuộc điện thoại của ông Ngọc, con của một cụ bà ở Quảng Trị đang được xe cấp cứu chở từ Bệnh viện Trung ương Huế về nhà để lo hậu sự. Ông Ngọc hỏi: “Mẹ tôi bị nhồi máu cơ tim, bệnh viện tiên liệu xấu, gia đình đã lo hậu sự ở nhà. Thôi thì còn nước còn tát, bác sĩ có thể xem giúp thì tôi chở mẹ quay lại”.
“Gia đình anh Ngọc viết cam kết và chúng tôi mang hết những gì đã học, đã trải qua với niềm tin có thể cứu được ca đó. Và rồi bà cụ sống tới bây giờ”, bác sĩ Điền kể lại.
Khi phóng viên thắc mắc rằng “Nhận một ca mà bệnh viện tuyến trên đã tiên liệu xấu thì chẳng phải mình đã nhận lấy những rủi ro trong nghề?”, bác sĩ Điền cười: “Cũng có thể có người nghĩ vậy, nhưng y đức không cho tôi nghĩ điều đó”.
Khi đặt nền móng vững chắc cho Khoa Cấp cứu và Can thiệp tim mạch - Trường Đại học Y Dược Huế, đào tạo được những người đủ khả năng làm chủ công nghệ, bác sĩ Nguyễn Văn Điền bắt đầu lên kế hoạch một hành trình dài hơn, đó là về với vùng sâu, vùng xa.
“Đại học Y Dược Huế là nơi tôi đã dành cả tuổi thanh xuân để cống hiến, nơi đây đã cho tôi rất nhiều. Nhưng nếu dừng lại ở đây thì mình ích kỷ quá. Phật dạy mọi thứ chỉ là phương tiện. Tôi coi những gì mình có là phương tiện để đi xa hơn”, bác sĩ Điền chia sẻ.
Gieo hạt ở những vùng đất hoang
Bác sĩ Nguyễn Văn Điền là chuyên gia về can thiệp tim mạch. |
“Với thầy Điền, học trò chúng tôi rất nể trọng. Không chỉ ở việc thầy đào tạo, nâng cao tay nghề cho thế hệ sau hay chuyển giao công nghệ về can thiệp tim mạch cho các bệnh viện được coi là tỉnh lẻ như chúng tôi, mà nhân văn hơn còn là quan niệm sống, quan niệm làm nghề. Thầy là người nhân văn cả với đồng nghiệp, học trò lẫn với bệnh nhân”, bác sĩ Trần Quốc Bảo - cán bộ phòng Can thiệp Tim mạch - Bệnh viện đa khoa Quảng Nam tâm sự.
Sau khi tạo dựng được chân đế vững chắc cho Đại học Y Dược Huế, bác sĩ Điền bắt đầu hành trình đào tạo những học trò giỏi về chuyên môn để có thể làm chủ được công nghệ, máy móc chuyên sâu và truyền những gì mà mình có cho họ. Bệnh viện đa khoa Quảng Nam là một trong những cơ sở y tế được hưởng lợi trong hành trình gieo hạt của ông.
Sau thời gian “lôi” học trò ra Huế học, ông trực tiếp về các bệnh viện địa phương cầm tay chỉ việc và “set up” chương trình can thiệp tim mạch. Khi nào họ vững vàng, ông lại tiếp tục hành trình ở những vùng đất nghèo khó khác.
Trong hành trình “khai hoang”, chuyên gia can thiệp tim mạch có tiếng của Việt Nam đã trải qua những ngày tháng vất vả khi đặt chân lên Đắc Lắc, nơi có chiếc máy phục vụ can thiệp tim mạch thuộc dạng đắt tiền nhất Việt Nam nhưng bệnh nhân nguy kịch phải về thành phố Hồ Chí Minh, ra Huế hoặc là chịu chết vì xa xôi cách trở. Nhận biết Đắc Lắc gần như còn “trắng” về kỹ thuật can thiệp tim mạch, ông quyết định cùng nhóm học trò đã thành đạt của mình ở Bệnh viện Y Dược Huế lên vùng đất cao nguyên này để tạo dựng mọi thứ từ con số 0.
Trong Bệnh viện đa khoa Đắc Lắc xây dựng dang dở, 5 thầy trò được dành riêng một căn phòng rộng lớn để nhiều tháng vừa ăn ngủ, vừa lắp đặt hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền, chuẩn bị cơ sở cho việc thành lập khoa Cấp cứu và Can thiệp tim mạch.
Bác sĩ Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đắc Lắc cho biết, trước khi thầy Điền và các cộng sự đến, bệnh viện đã nhận được nhiều trang thiết bị viện trợ đắt tiền nhưng con người không đủ trình độ để làm chủ. Lực bất tòng tâm, địa phương vẫn còn nhiều bệnh nhân tim mạch nguy kịch vì không thể can thiệp kịp thời.
“Thầy trò bác sĩ Điền đã biến cỗ máy vô tri trước đây thành phương tiện để triển khai nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, giúp giảm tỷ lệ tử vong, người dân không còn lo chuyển viện. Hàng trăm trường hợp tim mạch hiểm nghèo đã được cứu sống kịp thời từ thành quả mà bác sĩ Điền và các cộng sự xây dựng”, bác sĩ Phong tâm sự.
Trưởng khoa Cấp cứu và Can thiệp tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đắc Lắc Nguyễn Thiện Ái, học trò của bác sĩ Điền cho biết, với vị trí, tiếng tăm hiện có, bác sĩ Điền có thể gắn bó với nghề bằng một cách khác, nhưng ông chọn cách sống giản dị. “Thầy tôi giúp đỡ học trò, những bác sĩ trẻ có năng lực bằng việc chuyển giao máy móc, kỹ thuật, cả kiến thức và những gì tích lũy. Thầy nói, bệnh nhân nghèo tìm đến mình không có gì cả ngoài bệnh tật. Thầy đã dành hết cho chúng tôi để chúng tôi phải dành hết cho bệnh nhân”, bác sĩ Nguyễn Thiện Ái nói.
CÔNG KHANH
“Tôi nghiệm ra mình có thể trực tiếp cứu chữa cho nhiều người, nhưng chỉ trong một thời gian thôi. Tốt hơn là đào tạo thêm nhiều bác sĩ giỏi, bám trụ ở những nơi mà người dân cần” Bác sĩ Nguyễn Văn Điền |