Những 'lá chắn thép' trong dịch Covid-19: Những người đi trước về sau

.

Được ví như những “cánh tay nối dài,” nhân viên y tế tại các Trung tâm Y tế quận, huyện và Trạm Y tế phường, xã trở thành phòng tuyến vững chắc của hệ thống y tế dự phòng.

Nhân viên y tế thăm hỏi tình hình sức khỏe người cách ly tại khu cách ly Trung tâm Quận 2. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Nhân viên y tế thăm hỏi tình hình sức khỏe người cách ly tại khu cách ly Trung tâm Quận 2. (Ảnh: Đinh Hằng-TTXVN)

Nếu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan đầu não, phụ trách toàn bộ hoạt động chuyên môn phòng chống dịch bệnh, nhân viên y tế tại các Trung tâm Y tế quận, huyện và Trạm Y tế phường, xã lại là những “chân rết” góp phần vào thành công khống chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Được ví như những “cánh tay nối dài,” họ trở thành phòng tuyến vững chắc của hệ thống y tế dự phòng.

Những tháng ngày không quên

Sáng sớm 17-3, bác sỹ Tô Thị Huyền Trang, Trưởng Trạm Y tế Phường 7, quận Gò Vấp, nhận được thông tin có một ca bệnh xuất hiện trên địa bàn phường (ca bệnh số 65).

Ngay lập tức, chị cùng các nhân viên y tế của Trạm có mặt tại nhà người bệnh tiến hành phun khử khuẩn.

Sau đó, chị Trang bắt tay vào công tác điều tra dịch tễ, khoanh vùng những người tiếp xúc với bệnh nhân số 65, sàng lọc người tiếp xúc gần (F1) để thực hiện cách ly tập trung, vận động các gia đình xung quanh cách ly tại nhà. Công việc cứ thế diễn ra từ sáng sớm đến 23 giờ.

“Lo lắng nhất là người thuộc diện F1, F2, nếu những người này bị lây nhiễm tiếp, công tác khoanh vùng, dập dịch càng khó khăn hơn gấp bội,” bác sỹ Tô Thị Huyền Trang chia sẻ.

May mắn thay, hai ngày sau, 49 người tiếp xúc gần với bệnh nhân số 65 đều có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-Cov-2.

Bác sỹ Phạm Thị Ngọc Chói, Trung tâm Y tế Quận 2, lại không thể quên được những ngày tháng xử lý ổ dịch tại quán bar Buddha.

Bác sỹ Chói nhớ lại ngày 19-3, ca bệnh số 91 được xác định dương tính với virus SARS-Cov-2 lần 1. Thông tin điều tra dịch tễ từ Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh thành phố thông báo xuống, bệnh nhân từng đến quán bar Buddha nằm ở phường Thảo Điền, Quận 2.

Sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Y tế Quận 2 và Trạm Y tế phường Thảo Điền vào cuộc điều tra dịch tễ. Quán bar này là địa chỉ thường xuyên lui tới của nhiều người, nhất là người nước ngoài, do vậy, công tác điều tra cũng phức tạp hơn.

Đặc biệt, khi số người xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 liên quan đến quán bar này ngày một tăng, áp lực đè lên vai các nhân viên điều tra dịch tễ cũng nặng nề hơn.

Nhân viên y tế đo thân nhiệt người ra vào Thành phố Hồ Chí Minh tại chốt kiểm dịch. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Nhân viên y tế đo thân nhiệt người ra vào Thành phố Hồ Chí Minh tại chốt kiểm dịch. (Ảnh: Đinh Hằng-TTXVN)

Trong gần 1 tháng, ổ dịch quán bar Buddha xác định 19 trường hợp mắc Covid-19. Các nhân viên y tế thuộc Trung tâm Y tế Quận 2 đã phải lấy mẫu xét nghiệm, giám sát hơn 4.400 người liên quan - con số điều tra dịch tễ lớn nhất từ trước đến nay mà họ phải thực hiện.

“Có ngày sáng mới thức dậy nhận được thông tin một trường hợp dương tính, đến chiều vừa lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tập trung hết các trường hợp tiếp xúc, lại nhận thêm một trường hợp dương tính nữa. Thế là như những con thoi, chúng tôi lao từ chung cư này sang chung cư khác, chưa giải quyết xong ca nhiễm này lại phải chia đội để chạy tiếp qua ca nhiễm kia. Tinh thần làm việc khẩn trương hơn bao giờ hết bởi chỉ cần chậm một giờ, nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng lại tăng thêm một giờ. Nhiều hôm hoàn tất xong công việc của một ngày, trời cũng gần sáng,” bác sỹ Chói kể.

Nhớ về đồng nghiệp trong những ngày tháng không quên ấy, bác sỹ Phạm Thị Mỹ Chi, Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế Quận 2, chia sẻ cuộc sống của chị và đồng nghiệp trong thời gian đó là những con số về lịch trình, nơi đi đến của người dân, các thông số y khoa về bệnh phẩm.

“Có những đêm, chúng tôi thức trắng lọc danh sách những người thuộc diện F1, F2 để sáng hôm sau có thể xử lý trường hợp tiếp xúc, khoanh vùng dịch. Cũng có những ngày, tôi nhận được báo cáo lúc 3 giờ, đồng nghĩa với đồng nghiệp của tôi lúc bấy giờ mới hoàn thành công việc của một ngày. Ai ai cũng gần như không nghỉ ngơi,” bác sỹ Mỹ Chi thông tin.

Phòng tuyến vững chắc

Trạm Y tế là mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, nơi gần dân nhất và những cán bộ ở Trạm Y tế cũng phải gồng gánh nhiều công việc nhất.

"Nhân viên Trạm Y tế vốn đã phải thực hiện nhiều chương trình, hoạt động cộng đồng. Mùa dịch còn vất vả hơn bao giờ hết, mỗi khi có trường hợp nghi ngờ mắc, liên quan với người bệnh là phải lập tức lên đường, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành xử lý. Có đồng hành với họ những ngày này mới thấu hiểu hết được những vất vả mà họ đã trải qua," bác sỹ Hà Thị Tường Vi, Trung tâm Y tế Quận Tân Bình, nhận xét về những đồng nghiệp của mình tại các Trạm Y tế phường, xã.

Điều tra, xác minh là hai từ gắn liền với cán bộ y tế làm công tác phòng, chống dịch. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà,” bước chân của nhân viên Trạm Y tế đã trở nên quen thuộc với từng gia đình khi nhiều năm qua họ thường xuyên điều tra, hướng dẫn phòng chống sốt xuất huyết, tay chân miệng và các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, những bước chân ấy trở nên vội vã hơn.

“Có hôm nhận được thông báo xác minh gấp một trường hợp từ nước ngoài về, sáng sớm, tôi cùng nhân viên Trạm Y tế vội đến ngay nhà người dân. Thế nhưng vừa gặp mặt, người trong nhà đã chửi tới tấp, không hợp tác, chúng tôi đành phải nhờ lực lượng Công an dàn xếp êm xuôi rồi mới vào nhà nói chuyện được,” bác sỹ Ngọc Châu, Trung tâm Y tế Quận 6, kể lại.

Sao cứ để người nước ngoài về nhiều thế? Các chị phải tuyên truyền cho người dân hiểu đi chứ?... Những câu hỏi, thắc mắc từ người dân, cộng đồng là điều mà chị Nguyễn Thị Lệ Thủy, Trạm trưởng Trạm Y tế Phường 8, Quận 6, nghe được nhiều nhất trong thời gian qua.

Bởi vậy, ngoài công tác điều tra dịch tễ, việc tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành các quy định phòng dịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà nhân viên Trạm Y tế phường, xã phải đảm trách trong mùa dịch.

Thế nhưng, chị Thủy chia sẻ đâu phải người dân nào cũng hiểu và hợp tác, có người phớt lờ khuyến cáo của nhân viên y tế, có người nghe xong để đấy, thậm chí có người còn tỏ ý không hợp tác.

Trở về nhà sau một ngày miệt mài với "Cô Vy," có người nói: Hết bệnh nhân rồi thì làm gì mà mệt. Không đâu, ai đó ơi! Với người làm dự phòng, không phải hết bệnh nhân rồi là thôi, mà chúng tôi phải suy nghĩ, phải làm mọi thứ để sao cho không có thêm bệnh nhân nữa, mà nếu có bệnh nhân nữa, đừng để lây thêm. Đây là những dòng tâm sự của bác sỹ Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh.

Đó cũng là tâm tư chung của các nhân viên y tế dự phòng. Họ đã lập nên phòng tuyến vững chắc chặn đứng đà tăng của dịch bệnh khi 17 ngày liên tiếp, Thành phố Hồ Chí Minh không có thêm ca bệnh nào.

Theo Vietnam+

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.