'Ngược dòng' vào tâm dịch

.

ĐNO - Khi Covid-19 bùng phát trở lại cuối tháng 7-2020, 3 bệnh viện lớn của Đà Nẵng bị phong tỏa, một lượng lớn bệnh nhân trong đó có nhiều ca bệnh nặng được chuyển về Bệnh viện 199 - Bộ Công an. Thời điểm ấy, lãnh đạo bệnh viện xác nhận số lượng bệnh nhân sẽ tăng đột biến, với tỷ lệ 400%. Một lời kêu gọi được phát đi, với mong muốn tiếp nhận sự hỗ trợ trong công tác y tế từ các y bác sĩ, thực tập sinh, các bác sĩ đã về hưu, hỗ trợ công tác khám và điều trị bệnh nhân.

a
Chị Lê Thị Phương Trà, tình nguyện viên tại Bệnh viện 199 chuẩn bị dụng cụ xét nghiệm. Ảnh: XUÂN SƠN

Từ lời kêu gọi ấy, ước tính có hơn 500 đơn đăng ký qua link trực tuyến. Có người là bác sĩ, người là điều dưỡng, kỹ thuật viên mới ra trường… Từ quá trình sàng lọc danh sách, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 50 tình nguyện viên vào làm việc trong mùa dịch này.

Chị Lê Thị Phương Trà (SN 1986, quê Hà Nội, đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh) là một trong số đó. Ngày trước, chị theo học ngành du lịch, tham gia làm việc ở khách sạn, nhà hàng rồi “sang ngang” theo học ngành Y học cổ truyền tại trường Trung cấp Tây Sài Gòn. Được nửa năm, nghe tin dịch bệnh bùng phát trở lại, chị quyết tâm xin bảo lưu kết quả học tập để… lên đường ra Đà Nẵng, dù trước đó chị chưa một lần đặt chân đến thành phố bên sông Hàn.

“Tôi theo dõi thông tin trên báo, đài và mạng xã hội thì nghe chuyện Đà Nẵng tái bùng phát Covid-19, rồi tình cờ đọc được thông báo tuyển tình nguyện viên của Bệnh viện 199. Từ đường link đăng ký trực tuyến và hệ thống tin nhắn liên lạc của bệnh viện, không chần chừ, tôi xin được tham gia hỗ trợ công tác y tế”, chị kể lại.

Thời điểm tháng 8, các chuyến bay đi - đến Đà Nẵng đã tạm dừng hoạt động, phương tiện công cộng khác cũng ở trong tình trạng tương tự. May mắn, chị xin được đi nhờ một chuyến xe đưa hàng được phép vào thành phố, chị đến được Bệnh viện 199 và làm công việc tình nguyện viên cho đến bây giờ.

Chuyến đi của chị Trà cũng như nhiều tình nguyện viên khác đến Đà Nẵng ở thời điểm có dịch này, được họ hình dung, ví von là “chuyến đi ngược dòng về tâm dịch”. Khi được hỏi có sợ Covid-19 không?, chị cười, nói: “Virus gây bệnh dịch thì ai cũng ngại, nhưng các bệnh viện đều đang gặp khó, nếu có thể góp một phần công sức nhỏ bé của mình thì tôi sẽ làm. Chưa kể, đến Đà Nẵng lúc này cũng có thể coi như một cái duyên trong cuộc đời”.

Với người đang học y học cổ truyền như chị Trà, rất khó để làm việc chuyên môn sâu liên quan đến phòng, chống Covid-19. Vì lẽ đó, chị xin phép và được phân công làm việc trong tổ giao liên với vai trò hỗ trợ các cán bộ y tế trong việc xét nghiệm, có thể kể đến như chuẩn bị nhu yếu cụ cho xét nghiệm, dán tem code lên các ống xét nghiệm và đặc biệt là đảm đương vai trò quay phim, chụp ảnh cho nhóm truyền thông của Bệnh viện 199.

“Kỷ niệm khi làm việc ở đây rất nhiều. Lần đầu đến Đà Nắng, ắt hẳn bản thân mình sẽ có sự khác biệt về giọng nói, môi trường sống nhưng may mắn là có sự sẻ chia từ những người bạn mới, những đồng nghiệp đã-từng-xa-lạ. Được trải nghiệm nhiều điều mới mẻ mà chưa được học ở trường, thấu hiểu tình cảm của mọi người từ gói mì, cốc nước…”, chị Trà chia sẻ.

Những ngày này, khi tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng đã tạm thời “dịu” đi, chị Trà mới nghĩ đến một ngày được dạo chơi ở thành phố trước khi trở về. Chị hy vọng sẽ được ăn những món mà do Covid-19 chị chưa thể ăn, chị mong sẽ lên bán đảo Sơn Trà, được tham quan và dâng hương ở chùa Linh Ứng, và còn những dự định khác…

Bên cạnh chị Trà, có thể kể đến trường hợp y sĩ Lâm Văn Hạnh (SN 1992) phải tạm thời nghỉ việc do phòng khám tư nhân nơi anh làm việc tạm đóng do dịch, anh đã tình nguyện vào Bệnh viện 199 làm nhiệm vụ theo dõi bệnh, phát thuốc cho bệnh nhân khoa Nội tiết. Hay nữ điều dưỡng Trần Thị Bích Cẩm (SN 1997) xin nghỉ việc ở phòng khám, tình nguyện làm công tác lấy mẫu máu của những người nghi nhiễm để xét nghiệm Covid-19... 

Theo bác sĩ Võ Thị Hồng Hướng, Trưởng khoa Phục hồi chức năng - Bệnh nghề nghiệp của Bệnh viện 199, ngay sau khi bệnh viện kêu gọi sự hỗ trợ, đã có rất nhiều tình nguyện viên đăng ký, qua quá trình chọn lựa danh sách, hầu hết những người được nhận vào làm việc có tuổi đời trên dưới 30.

"Họ rất nhiệt huyết, rất chăm chỉ, tham gia tình nguyện ở nhiều công tác từ bảo vệ, phân luồng, chuẩn bị dụng cụ xét nghiệm, lấy máu, điều trị... Tất cả không ngại bất cứ gian lao, khó khăn nào để hoàn thành tốt công việc, góp sức và công tác chống dịch của bệnh viện cho đến thời điểm này", bác sĩ Hướng chia sẻ.

Câu chuyện tình nguyện viên ở Bệnh viện 199 là một trong nhiều câu chuyện được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng chia sẻ với các phóng viên, trước khi ông và một số nhân sự tạm biệt Đà Nẵng để nhận nhiệm vụ tại địa phương khác.

“Trong thời gian ở Đà Nẵng chống dịch, chúng tôi được chứng kiến rất nhiều hình ảnh xúc động và ý nghĩa của ngành y. Ở đó có hình ảnh các y, bác sĩ chảy mồ hôi đầm đìa, kiệt sức sau bộ đồ bảo hộ kín mít... và đặc biệt không thể không kể đến những bạn tình nguyện viên sẵn sàng làm nhiệm vụ trong mùa dịch. Đó là những điều chúng tôi rất cảm động và trân quý", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.