Tập trung điều trị, xác định các điểm nguy cơ cao

.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống Covid-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiện ngành y tế đang tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng điều trị đồng thời triển khai thêm các phương án mới trong công tác dự phòng để nhanh chóng khống chế dịch bệnh.

Xét nghiệm trên diện rộng là giải pháp được ngành Y tế Đà Nẵng tập trung để hạn chế tối đa các nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Trong ảnh: Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn phường An Hải Đông, quận Sơn Trà. Ảnh: XUÂN SƠN
Xét nghiệm trên diện rộng là giải pháp được ngành Y tế Đà Nẵng tập trung để hạn chế tối đa các nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Trong ảnh: Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn phường An Hải Đông, quận Sơn Trà. Ảnh: XUÂN SƠN

Tập trung điều trị, tuân thủ phòng ngừa

Hiện các bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang được theo dõi, điều trị chủ yếu tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng (52 ca) và Bệnh viện dã chiến Hòa Vang (152 ca). Ngoài ra, bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn đang gấp rút hoàn thiện và đưa vào sử dụng với công suất ban đầu đáp ứng khoảng 280 bệnh nhân. Trong chiến lược tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19, ngành y tế thành phố phân cấp theo mức độ của bệnh lý. Theo đó, các bệnh nhân nặng sẽ được chuyển lên Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và bệnh viện dã chiến Hòa Vang, những bệnh nhân nhẹ sẽ được chăm sóc, điều trị tại bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn.

Giám đốc Sở Y tế thành phố Ngô Thị Kim Yến cho biết: “Hiện tại chúng tôi đã hoàn thành việc đầu tư, xây dựng phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng với quy mô 20 giường và bệnh viện dã chiến Hòa Vang với quy mô 10 giường. Trong thời gian đến, hai cơ sở này sẽ được tập trung đầu tư thiết bị, nhân lực để nâng cao năng lực ICU, đây vốn được xem là phao cứu sinh cho những bệnh nhân nặng”.

Theo đó, phòng ICU là đơn vị hồi sức cấp cứu, chăm sóc đặc biệt hoặc điều trị tích cực được thiết kế riêng biệt, vô trùng, an toàn, tiện nghi. Trọng tâm chính của ICU là chăm sóc liên tục cho những bệnh nhân nặng. Những bệnh nhân Covid-19 được theo dõi, điều trị tại phòng ICU trên địa bàn thành phố thời gian qua đều có các bệnh nền về hô hấp, tiểu đường, thận… nặng. Việc điều trị Covid-19 vì thế khó khăn và nhiều nguy cơ hơn các bệnh nhân không có bệnh lý nền khác.

Theo quan điểm của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố, hiện nay diễn biến dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp, người dân cần tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Ngọc Hùng Anh, Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND và UBND thành phố, thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng người dân chủ quan, lơ là và bất chấp các lệnh cấm của thành phố. “Qua kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại một số địa phương, chúng tôi nhận thấy vẫn còn tình trạng nhiều người dân ra đường; quận Liên Chiểu vẫn còn tình trạng công nhân thi công công trình; địa bàn huyện Hòa Vang có tình trạng người dân tụ tập ăn nhậu; quận Thanh Khê vẫn còn bán hàng mang về; quận Hải Châu còn tình trạng tập thể dục tụ tập đông người; bán hàng qua mạng vẫn còn khá phổ biến… Đề nghị các sở, ngành, địa phương vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt hơn với các biện pháp cần thiết”, ông Hùng Anh cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các địa phương tiếp tục quán triệt tinh thần phòng, chống dịch quyết liệt, tập trung, hiệu quả. “Gần đây đã xuất hiện tình trạng nhiều người dân vi phạm các quy định cách ly, các lực lượng chức năng lơ là, chủ quan trong công tác kiểm tra, kiểm soát khiến nguy cơ lây nhiễm rất cao, đề nghị các quận, huyện chấn chỉnh lại công tác kiểm tra, kiểm soát. Trong trường hợp tình hình không được cải thiện, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố sẽ nghiên cứu, áp dụng các biện pháp kiểm soát với mức độ nghiêm ngặt hơn”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khẳng định.

Liên quan đến công tác điều trị, dự phòng, lãnh đạo thành phố nêu quan điểm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cần tập trung nghiên cứu, phân tích những ca nhiễm mới để có những nhận định, phản ánh xu hướng lây nhiễm hiện nay, từ đó tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố những biện pháp đón đầu kịp thời, hiệu quả. Trong công tác xét nghiệm cộng đồng, có thể hợp đồng các đơn vị bên ngoài để lấy mẫu, test nhanh tại các khu vực có nguy cơ thấp.

Bên cạnh đó, giao cho các quận huyện, tổ chức phối hợp giữa các lực lượng y tế, công an và tổ công tác cộng đồng khẩn trương truy vết, điều tra dịch tễ tại các khu dân cư có người bị nhiễm hoặc có người có yếu tố dịch tễ liên quan. “Luồng tiếp xúc của bệnh nhân rất quan trọng, các ngành cần phối hợp, tập trung và phân tích kỹ, kết quả chính xác. Việc đẩy mạnh lấy mẫu xét nghiệm không chỉ thực hiện trong cộng đồng, những nhóm đối tượng có nguy cơ mà cần triển khai rộng ở các Trung tâm y tế, chợ và cả lực lượng vũ trang”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết.

Xác định các điểm nguy cơ cao

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC thành phố, hiện công tác xét nghiệm đang được đẩy nhanh. So với trước, CDC đang phân tích, xử lý số lượng mẫu nhiều gấp 10 lần so với trước. Tính đến ngày 9-8, ngành y tế thành phố đã lấy hơn 43.500 mẫu xét nghiệm, trong đó hơn 40.000 mẫu đã có kết quả. “Nguyên tắc của việc điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm là truy vết các F1, tiến hành cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay chúng ta cần có nhìn nhận để có biện pháp phù hợp, đó là số F1 trong cộng đồng vẫn còn.

Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, từ ngày 8-8, Bệnh viện C Đà Nẵng hoạt động trở lại với yêu cầu bảo đảm an toàn phòng, chống Covid-19. Ảnh: XUÂN SƠN
Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, từ ngày 8-8, Bệnh viện C Đà Nẵng hoạt động trở lại với yêu cầu bảo đảm an toàn phòng, chống Covid-19. Ảnh: XUÂN SƠN

Có nhiều nguyên nhân, trong đó một phần xuất phát từ các thông tin được ghi nhận từ bệnh nhân Covid-19 không đầy đủ, chính xác. Họ không thể nhớ hết được thời gian đi lại, tiếp xúc trong 14 ngày qua”, bác sĩ Thạnh cho biết.

Xuất phát từ thực tế trên, CDC đã nghiên cứu, đề xuất ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, trong đó tập trung vào một số khu vực được xác định là “điểm nóng”, có nguy cơ cao. Tính đến thời điểm này, một số khu vực ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đã được khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng đối với dân cư khu vực xung quanh. Trong số đó có thôn Lệ Sơn Nam (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang - lấy 1684 mẫu), đường Lê Hữu Trác (quận Sơn Trà – lấy 1.659 mẫu), kiệt 226 Hoàng Diệu (phường Bình Hiên, quận Hải Châu – lấy 900 mẫu), thôn Miếu Bông (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang – lấy 476 mẫu)… “Những khu vực trên chúng tôi đều lấy trên diện rộng, không những với người tiếp xúc gần, tiếp xúc gián tiếp mà cả dân cư trong khu vực. Cách làm này để khoanh vùng, loại trừ nguy cơ đối với một số khu vực được xem là điểm nóng”, bác sĩ Thạnh cho biết thêm.

Theo điều tra dịch tễ học của CDC Đà Nẵng, hiện nay có 14 xã, phường trên địa bàn thành phố có ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm Covid-19 cùng thời điểm, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố cần cân nhắc, xem xét và áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa kịp thời. Song song với quá trình đó, CDC Đà Nẵng sẽ nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng tại những khu vực nêu trên để có những đánh giá ban đầu liên quan đến tình hình dịch bệnh.

Theo Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến, hiện nay việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm tập trung vào các trường hợp F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, khi số ca nhiễm đã xuất hiện trong cộng đồng, việc điều tra F1 vẫn còn nhiều khó khăn thì Đà Nẵng sẽ áp dụng các biện pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. “Chúng tôi đã họp, bàn và thống nhất sẽ cử một lãnh đạo CDC tập trung phân tích, đánh giá từng khu dân cư có nguy cơ cao. Sau khi đề xuất, việc lấy mẫu xét nghiệm sẽ được triển khai một cách nhanh nhất có thể. Ngành y tế đã tăng cường thêm 300 kỹ thuật viên lấy mẫu để đáp ứng nhu cầu của tình hình hiện nay”, bác sĩ Yến cho biết.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chúng ta có lòng tin không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng

Ngày 9-8, phát biểu tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: “Nếu tiếp tục các biện pháp phòng dịch đã quán triệt từ trước, nhất là được siết lại cách đây 1 tuần, chúng ta có lòng tin sẽ không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng”. Phó Thủ tướng yêu cầu tinh thần luôn sẵn sàng chống dịch phải được duy trì liên tục, không để lơi lỏng sau một thời gian. Về công tác xét nghiệm, Ban Chỉ đạo cho biết, tới đây sẽ đẩy mạnh xét nghiệm theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế, lúc nào dùng xét nghiệm kháng thể, lúc nào dùng xét nghiệm PCR. Để xét nghiệm hiệu quả nhất phải truy vết được ca bệnh bằng cách kết hợp nhiều giải pháp như: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, kết hợp sử dụng các ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch bệnh như NCOVI, Bluezone… “Không một giải pháp nào có thể thay thế cho tất cả. Chúng ta phải thấy rõ nguy cơ dịch bệnh là thường trực, vì vậy, phải tuyệt đối cảnh giác. Không chỉ lực lượng phòng, chống dịch, cấp ủy, chính quyền địa phương mà đặc biệt là phải nâng cao ý thức cảnh giác của người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

B.T (theo Chinhphu.vn)

Bệnh viện C Đà Nẵng hoạt động trở lại

Từ 0 giờ ngày 8-8, Bệnh viện C Đà Nẵng được gỡ bỏ lệnh phong tỏa sau khi được Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố đánh giá mức độ an toàn. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Bệnh viện C Đà Nẵng đáp ứng được 3 yêu cầu để dỡ lệnh cách ly, gồm bảo đảm đủ thời gian cách ly; xét nghiệm tất cả bệnh nhân, người nhà, nhân viên y tế có kết quả âm tính; tuân thủ tiêu chí hoạt động của bệnh viện trong Covid-19. Sau khi hoạt động trở lại, Bệnh viện C Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch phân luồng cho bệnh nhân cấp cứu và khám ngoại trú. Mỗi khu khám cũng sẽ được phân luồng riêng biệt để bảo đảm an toàn và đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Phương tiện khử khuẩn tại các khoa, phòng cũng được trang bị đầy đủ trước khi mở cửa trở lại. Được biết, từ ngày 1-8, bệnh viện không còn ca Covid-19 được điều trị.

18 bệnh nhân nhiễm Covid-19 âm tính với SARS-CoV-2

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố diễn ra chiều 8-8, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết hiện có 18 bệnh nhân Covid-19 đã âm tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 2 bệnh nhân đã âm tính lần thứ 3 với virus này. Theo đó, hiện có 5 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện dã chiến Hòa Vang đã lấy mẫu xét nghiệm lần 1 và kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, đơn vị này đang điều trị 52 bệnh nhân nhiễm Covid-19, tính đến chiều 8-8, nhân viên y tế đã lấy mẫu xét nghiệm đối với 13 bệnh nhân đang điều trị. Trong đó có 6 bệnh nhân âm tính lần 1 với SARS-CoV-2, 5 bệnh nhân âm tính lần 2 và 2 bệnh nhân âm tính lần thứ 3 với chủng virus này. “Tuy nhiên, bệnh viện vẫn đang tiếp tục theo dõi thêm diễn biến sức khỏe, hiện chưa có kế hoạch cho xuất viện đối với 2 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã 3 lần xét nghiệm âm tính”, bác sĩ Yến thông tin.

* Tính đến 18h ngày 9-8, Việt Nam có tổng cộng 841 ca mắc COVID-19 (trong đó 317 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay), 395 ca trong đó đã được công bố khỏi bệnh, chiếm 47% tổng số ca bệnh COVID-19 trong cả nước; 11 trường hợp tử vong. Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay là 384 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 178.695. (Nguồn Bộ Y tế)

PHAN CHUNG

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.
Truy cập ngay https://europharmvn.com/idrozoil/ đào thải HPV Bệnh viện Emcas với chương trình nổi bật phương pháp làm đầy má hóp