Không chủ quan với bệnh Whitmore

.

Thời gian gần đây, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận một số người mắc bệnh Whitmore. Các cán bộ y tế khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh cần thiết do bệnh này hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa.

Một bệnh nhân mắc bệnh Whitmore đang được điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng.   	                  Ảnh: PHAN CHUNG
Một bệnh nhân mắc bệnh Whitmore đang được điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Mới đây, Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân D.V.T. (46 tuổi, trú huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) trong tình trạng sốt, ớn lạnh kèm theo vết thương hở tại đùi gây sưng bầm và đau nhức. Theo người nhà kể lại, anh T. làm nghề phụ hồ nên việc xây xát, vết thương hở trên cơ thể xuất hiện thường xuyên. Trong 1 tháng trở lại đây, do nhà ở trong khu vực vùng lũ nên anh thường xuyên tiếp xúc với nước bẩn, bùn non. Sau khi được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Nam, tình trạng không thuyên giảm, anh T. được chuyển đến Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng. Tại đây, sau khi thực hiện cấy dịch cơ thể, các bác sĩ kết luận anh T. bị bệnh Whitmore.

Theo Bệnh viện Đà Nẵng, tính từ đầu năm 2020 đến hết tháng 9-2020, bệnh viện tiếp nhận 4 ca bệnh Whitmore. Tuy nhiên trong gần 2 tháng 10 và 11-2020, đơn vị tiếp nhận và điều trị cho 28 ca dương tính với Whitmore sau khi thực hiện cấy dịch cơ thể (máu, mủ ổ áp xe, nước tiểu…). Theo thống kê, phần lớn số bệnh nhân mắc bệnh Whitmore đến từ các địa phương xảy ra bão, lũ trong thời gian qua như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An, Đà Nẵng.

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh Whitmore (Melioidosis) do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sống trong môi trường tự nhiên gây ra. Bệnh gây áp xe, hoại tử nhiều cơ quan trong đó có da. Bệnh rất ít gặp, không bùng phát thành dịch, tuy nhiên bệnh cảnh thường tiến triển rất nghiêm trọng và có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt với những người đang mắc bệnh mạn tính (tiểu đường, bệnh phổi mạn tính, bệnh thận mạn tính và ung thư).

“Người và động vật có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bị nhiễm vi khuẩn, do hít phải các hạt nước hoặc bụi li ti có nhiễm vi khuẩn, uống phải nguồn nước có vi khuẩn. Ngoài ra, còn có nguy cơ gây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với vết xây xước nhỏ ngoài da”, bác sĩ Hàm cho biết. Bệnh Whitmore gây sốt các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, thường chẩn đoán nhầm với bệnh khác như: bệnh viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, bệnh nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu...

Bệnh Whitmore thường xuất hiện và gia tăng vào mùa mưa, thời gian ủ bệnh thường từ 1-21 ngày. Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi mạn tính, bệnh thận mạn tính và ung thư có nguy cơ tử vong cao hơn khi nhiễm vi khuẩn này. “Hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa, do đó, để phòng bệnh Whitmore, người dân cần chủ động hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, bao gồm đất, nước, bùn lầy, đặc biệt là những nơi có ô nhiễm nặng. Người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt vùng lũ cần được trang bị đầy đủ giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời, tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nước nhiễm bẩn, bùn non...”, bác sĩ Phạm Ngọc Hàm khuyến cáo.

Liên quan đến công tác phòng, chống bệnh Whitmore, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có công văn khẩn số 1012/DP-DT gửi 9 địa phương khu vực duyên hải miền Trung từ Nghệ An tới Bình Định tăng cường triển khai công tác phòng, chống bệnh. Theo đánh giá, đây tuy là bệnh ít gặp, không gây thành dịch nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những trường hợp có bệnh lý nền mạn tính.

Để chủ động có các biện pháp phòng, chống hiệu quả đối với bệnh Whitmore, Cục Y tế dự phòng yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Whitmore, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ. Tổ chức điều tra, phân tích về dịch tễ các trường hợp mắc bệnh Whitmore, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc và các biện pháp phòng, chống bệnh Whitmore để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp cần thiết…

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.