Thời tiết tại thành phố Đà Nẵng những ngày qua liên tục giá rét khiến sức khỏe người dân bị ảnh hưởng. Số lượng trẻ em và người cao tuổi khám, điều trị tại các bệnh viện, phòng khám tư nhân trên địa bàn thành phố gia tăng đột biến.
Hầu hết trẻ em đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng khám đợt này liên quan đến các bệnh do mùa lạnh gây ra. |
Cảnh giác với bệnh mùa lạnh
Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, thời tiết lạnh kéo dài là điều kiện thuận lợi cho các bệnh đường hô hấp, bệnh tiêu hóa, cúm gia cầm, thủy đậu, sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm kết mạc... gia tăng. Có mặt tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng những ngày này, chúng tôi ghi nhận lượng lớn phụ huynh đưa con đến thăm khám và theo dõi sức khỏe. Mỗi ngày nơi đây tiếp nhận hơn 1.000 trẻ tới khám, điều trị; hầu hết liên quan đến thời tiết như viêm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa, sốt xuất huyết, thủy đậu... Chị Bùi Thị Hảo (trú quận Ngũ Hành Sơn) cho biết: “Sau khi từ trường về nhà, con trai 5 tuổi sốt và nổi mụt khắp người. Hiểu được thời tiết mùa đông là điều kiện cho virus thủy đậu phát triển, tôi lập tức đưa con đến Bệnh viện Phụ sản – Nhi khám. May mắn phát hiện sớm nên bác sĩ cho điều trị ngoại trú và dặn dò vệ sinh thân thể thật kỹ, không nên đến trường để hạn chế lây lan cho trẻ khác”.
Bác sĩ Lê Văn Dũng, Phó trưởng khoa Khám Đa khoa cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản - Nhi cho biết, những ngày qua, đa số trẻ tới khám vì mắc các bệnh về viêm đường hô hấp do thời tiết giá lạnh. Do vậy, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý đến sức khỏe con em bởi bệnh tiến triển nhanh. Trẻ có thể buổi tối vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, chơi đùa tốt nhưng đến đêm, khi ngủ bắt đầu sốt, khó thở, thở nhanh, gấp. Sáng hôm sau tiếp tục sốt cao hơn, chảy nước mũi nhiều, bỏ ăn, thở khò khè...
Nhiều phòng khám tư nhân trên địa bàn thành phố cũng gia tăng số trẻ em đến khám. Tại một phòng khám trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh (quận Hải Châu), hàng chục phụ huynh bồng con đứng chờ bác sĩ theo số thứ tự. Chị Trần Thị Xuân (trú quận Sơn Trà) cho hay: “Hai đêm nay, khi ngủ đứa con gái 4 tuổi cứ ho, khó thở, thở nhanh, thở gấp. Sau khi mua thuốc ho cho bé uống nhưng không khỏi, vì lo lắng nên tôi phải đưa bé đi khám. Qua thăm khám, bác sĩ nhận định bé bị viêm phế quản”.
Không chỉ trẻ em mà trong thời tiết giá lạnh kéo dài như hiện nay, người cao tuổi nhập viện cũng có xu hướng gia tăng. Nguy cơ đột quỵ ở người mắc bệnh tim mạch trong thời tiết giá lạnh cũng cao hơn. Những ngày qua, hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đều có số lượng bệnh nhân lớn tuổi đến khám tăng cao. Bệnh nhân chủ yếu trên 70 tuổi mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, viêm phổi, xương khớp... Bác sĩ Phạm Văn Tú, Trưởng khoa Lão, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, trung bình mỗi ngày, khoa điều trị nội trú cho khoảng 80 bệnh nhân mắc các bệnh viêm phổi, huyết áp, đáo tháo đường biến chứng, thái hóa xương khớp, suy tim, suy thận… “Tình trạng người cao tuổi mắc các bệnh lý tăng đột biến so với ngày thường. Tuy nhiên, do bệnh viện đang thực hiện giãn cách và chăm sóc toàn diện nên những bệnh nhân nặng mới vào khoa, số bệnh nhân nhẹ điều trị tại các cơ sở y tế khác”, bác sĩ Tú cho biết thêm.
Tăng cường phòng bệnh
Để phòng bệnh cho trẻ nhỏ trong thời tiết giá rét, bác sĩ Lê Văn Dũng khuyến cáo, điều quan trọng nhất là chú ý giữ ấm cho trẻ, nhất là lúc đi ra ngoài và cho trẻ ăn chín, uống sôi. Nên cho trẻ vui chơi nơi kín gió, chú ý môi trường thông thoáng, đề phòng virus gây bệnh hô hấp phát tác. Không nên cho trẻ ra ngoài chơi khi nền nhiệt ngoài trời dưới 20 độ C, có gió, mưa ẩm hay buốt giá.
Thực tế cho thấy, vì trời lạnh, nhiều phụ huynh có tâm lý ngại đưa con đi khám, thường tự điều trị ở nhà, khi bệnh không đỡ mới cho trẻ tới bệnh viện; dẫn tới nhiều trẻ nhập viện ở giai đoạn muộn, lạm dụng kháng sinh. “Có nhiều trẻ viêm phổi nhập viện do bị… ủ ấm quá mức, mồ hôi ra nhiều và thấm ngược trở lại khiến trẻ bị lạnh và phát bệnh. Vì thế, điều quan trọng là cần chú ý để trẻ mặc quần áo ấm hợp lý. Nếu trẻ chơi đùa nhiều thì cần kiểm tra, lau khô mồ hôi, thay quần áo ướt hoặc cởi bớt quần áo cho trẻ. Ban đêm, có thể dùng “mẹo” mặc áo ngược để nếu trẻ có đạp chăn ra thì vẫn được giữ ấm phần ngực, bụng, còn phần lưng khô thoáng, không đổ mồ hôi. Ngoài ra, có thể kiểm tra bằng cách nắm hai tay trẻ, nếu thấy ấm tức là cơ thể trẻ đủ ấm”, bác sĩ Dũng khuyến cáo. để phòng bệnh, điều quan trọng nhất là cần giữ ấm cơ thể, nhất là hai bàn chân, ngực, cổ và đầu.
“Trong những ngày trời rét, người cao tuổi cần chú ý giữ ấm cơ thể, nhất là hai bàn chân, ngực, cổ và đầu; ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn nhiều rau quả, tăng cường uống can-xi, uống nước ấm để phòng bệnh. Người già thường ngại uống nước vì sợ đi tiểu nhiều lần. Điều này rất dẫn đến tình trạng thiếu nước, thiếu dịch trong cơ thể. Đặc biệt, những người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch… thì càng nên chú ý theo dõi sức khỏe, uống thuốc định kỳ”, bác sĩ Phạm Văn Tú nói.
Dự kiến, trong những ngày tới, Đà Nẵng tiếp tục đón đợt rét đậm nên để phòng chống bệnh hiệu quả, bác sĩ Tôn Thất Thạnh cho rằng, ngoài việc giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất, vệ sinh thân thể, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, người dân cũng cần chủ động tiêm phòng.
LÊ HÙNG