Có thể khẳng định, đầu tư để ngành y tế phát triển xứng tầm là hướng đi cần thiết, cũng chính là mong muốn của đại đa số người dân, bởi việc chăm sóc sức khỏe là nhu cầu thường xuyên, quan trọng và thiết yếu. Do vậy, đầu tư đồng bộ để phát triển y tế Đà Nẵng hiện đại là yêu cầu tất yếu cần được quan tâm đúng mức nhằm hướng đến xây dựng Đà Nẵng - thành phố đáng sống trong những năm đến.
Bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân đang điều trị nội trú. Ảnh: Phan Chung-Lê Hùng |
Nhiều bệnh viện được đầu tư, nâng cấp
Trong 5 năm qua, hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã và đang được đầu tư xây dựng mới trụ sở làm việc, cải tạo, nâng cấp các khu chuyên môn, đáp ứng kịp thời nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân thành phố và nhân dân các tỉnh lân cận.
Đầu năm 2019, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng có quy mô 200 giường bệnh gồm 4 khoa chính và 4 bộ phận hỗ trợ chuyên môn đi vào hoạt động. Với các trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất được xây dựng đồng bộ, Trung tâm Tim mạch là môi trường thuận lợi cho bệnh nhân đến khám, điều trị các bệnh lý liên quan đến tim mạch. Hiện các y, bác sĩ, kỹ thuật viên Trung tâm tim mạch hiện thực hiện được hơn 90% các kỹ thuật phẫu thuật, can thiệp hiện đại trên thế giới, góp phần nâng cao khả năng chẩn đoán chính xác và điều trị sớm nhiều bệnh, cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo…
Đến nay, Sở Y tế phối hợp Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng và Phát triển đô thị thành phố triển khai hàng loạt dự án thuộc công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, công trình Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng (giai đoạn 2) được đầu tư với ngân sách 292 tỷ đồng; Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình với tổng vốn đầu tư hơn 471 tỷ đồng với quy mô 435 giường, nhằm hình thành một trung tâm chuyên sâu phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh, điều dưỡng và phục hồi chức năng cho người lớn, trẻ em bị các bệnh lý về thần kinh, chấn thương và bỏng tại Đà Nẵng cũng như các tỉnh lân cận. Đặc biệt, trước nhu cầu ghép tạng, tế bào gốc tại thành phố và các tỉnh lân cận ngày càng cao, ngày 13-5-2019, UBND thành phố đã có Quyết định số 2107/QĐ-UBND phê duyệt dự án xây dựng Trung tâm Ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Đà Nẵng với tổng mức đầu tư hơn 495 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều trung tâm y tế quận, huyện cũng được đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp, gồm dự án Trung tâm Y tế quận Sơn Trà (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư hơn 241 tỷ đồng; dự án Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư hơn 238 tỷ đồng; dự án Bệnh viện Đa khoa Hải Châu (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư hơn 163 tỷ đồng…
Cần có cơ chế, chính sách phù hợp
Mặc dù được đầu tư nâng cấp, xây mới và bổ sung trang thiết bị y tế hiện đại nhưng thực tế các cơ sở y tế công lập trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng kịp nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Theo bác sĩ Trần Tứ Quý, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu, dự kiến số lượng bệnh nhân nội trú tại bệnh viện trong thời gian tới sẽ hơn 1.000 người. Vì vậy, bệnh viện đã đề xuất thành phố cho chủ trương xây dựng khu điều trị nội trú mới với quy mô 400 giường bệnh với những trang thiết bị y tế hiện đại, đồng thời, xin cơ chế thuận lợi để kêu gọi đầu tư xã hội hóa tại bệnh viện. “Nếu được phát hiện sớm, cơ hội chữa khỏi và kéo dài cuộc sống của bệnh nhân ung thư rất lớn. Hiện bệnh viện đã và đang hoàn thiện đề án thành lập đơn vị tầm soát ung thư, qua đó đảm trách công tác khám tầm soát, phát hiện sớm ung thư cho cán bộ và nhân dân thành phố cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên”, bác sĩ Quý cho biết.
Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, ngành y tế đặt mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đến năm 2025 bằng việc giảm công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện; phấn đấu không còn tình trạng bệnh nhân nằm ghép giường, bảo đảm không để xảy ra quá tải cả ở khu vực phòng khám và khu vực điều trị nội trú… Theo đó, ngành y tế sẽ đầu tư xây mới, nâng cấp và mở rộng các bệnh viện, trước mắt ưu tiên đối với chuyên khoa về tim mạch, ngoại chấn thương, sản, nhi, ung bướu, y học cổ truyền, phục hồi chức năng, ghép tạng, cấy ghép tế bào gốc và trung tâm y tế quận, huyện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao. “Chúng tôi cũng kiến nghị thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình y tế trọng điểm và từng bước tăng cường trang thiết bị theo hướng đầu tư toàn diện cho y tế tuyến cơ sở và tập trung phát triển các kỹ thuật chuyên môn sâu phục vụ yêu cầu phát triển trung tâm y tế vùng của thành phố; thực hiện các chính sách thu hút, đào tạo mang tính đặc thù của ngành y tế cũng như có cơ chế bảo đảm đủ biên chế, số lượng người làm việc để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước theo lĩnh vực”, bác sĩ Yến cho biết.
Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến cho biết thêm, hiện nay Trung ương đã có cơ chế, chính sách cho đầu tư trang thiết bị y tế theo hình thức xã hội hóa và quản lý tự chủ, chi thường xuyên đối với các bệnh viện. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng còn gặp nhiều trở ngại, ràng buộc. Để việc đầu tư trang thiết bị y tế và thu hút nhân tài của các bệnh viện trên địa bàn thành phố được thuận lợi hơn, Trung ương cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các cơ chế, chính sách này.
Bà Cao Thị Huyền Trân, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố đánh giá, sự phát triển của ngành y tế thành phố những năm qua đóng vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân thành phố và các tỉnh lân cận. Với chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã thu hút số lượng bệnh nhân rất lớn từ các tỉnh lân cận, nhất là Quảng Nam, Quảng Ngãi… “Với việc thông tuyến tỉnh khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế từ đầu năm 2021, dự báo trong thời gian tới các bệnh viện tuyến thành phố sẽ tiếp tục quá tải, đòi hỏi thành phố cần phải có những giải pháp đồng bộ từ cơ sở vật chất đến cơ chế, chính sách để vừa nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh vừa giảm quá tải, giảm áp lực cho y tế tuyến thành phố, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân”, bà Huyền Trân cho biết.
Trước tình hình đó, bên cạnh việc tập trung nguồn lực đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng các cơ sở y tế trên địa bàn, thành phố cần ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đào tạo chuyên sâu, đào tạo ở nước ngoài, nghiên cứu chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các tuyến điều trị; tập trung phát triển các dịch vụ y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao, hiện đại tại các bệnh viện tuyến thành phố; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch giảm quá tải bệnh viện tại thành phố đến năm 2025; Đề án đơn vị vệ tinh tại các trung tâm y tế quận, huyện trên địa bàn thành phố. Thành phố rà soát quỹ đất dành cho y tế; đồng thời rà soát, sửa đổi chính sách khuyến khích xã hội hóa để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực y tế nhằm giảm tải cho y tế công lập trong thời gian tới. Bà Cao Thị Huyền Trân nhấn mạnh: “Trung ương cần tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đối với các bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, tập trung nghiên cứu, xem xét, ưu tiên nguồn lực cho thành phố Đà Nẵng để đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng các cơ sở y tế tuyến thành phố nhằm phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân khu vực miền Trung”.
Bác sĩ Ngô Đức Hải, Giám đốc Trung tâm Y khoa kỹ thuật cao Thiện Nhân: Cần chính sách xứng tầm trong đào tạo nguồn nhân lực Để Đà Nẵng trở thành trung tâm y tế khu vực, thành phố cần có nhiều chính sách xứng tầm trong đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay, Đà Nẵng còn thiếu sự đầu tư các trường đại học y, dược - cái nôi quan trọng cho nguồn nhân lực ngành y tế trong tương lai. Cần tăng cường liên kết đào tạo, lôi kéo nguồn nhân lực ở 2 đầu đất nước về hỗ trợ, chuyển giao những kỹ thuật tiên tiến. Thiết nghĩ, Trung ương cũng cần có những chính sách đột phá để gỡ rối và xóa khoảng cách giữa hệ thống y tế công lập và tư nhân, đặc biệt là vấn đề khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. |
PHAN CHUNG - LÊ HÙNG