Phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ

.

ĐNO - Tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và di chứng tàn tật suốt đời. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ nhưng sâu xa là do sự bất cẩn như: bỏng nước sôi, nuốt phải dị vật, cho tay vào ổ điện, ngã cầu thang…

Các bác sĩ đang phẫu thuật nối ngón tay cho bé V. Ảnh: T.H
Các bác sĩ đang phẫu thuật nối ngón tay cho bé V. Ảnh: T.H

Vừa qua, em N. (2 tuổi, ở quận Liên Chiểu) đến bệnh viện thăm khám trong tình trạng khó thở, nôn ói. Sau khi chụp X-quang ngực - bụng thẳng, bác sĩ trực nhận định dị vật cản quang nằm trong thực quản đoạn cổ. Dị vật to, tròn giống như đồng xu. Rất may là trong lòng thực quản của em N. không thấy bị tổn thương niêm mạc. Được biết, trước đó, do mải chơi, em N. đã ngậm và nuốt phải đồ chơi dẫn đến nôn ói, ăn uống không được. 

Bé V. (6 tuổi, ở quận Thanh Khê) cũng là một trường hợp tai nạn thương tích do bất cẩn. Khi đang chơi cùng em thì bé bị kẹp ngón út vào khe cửa làm đứt rời đầu búp ngón tay. Gia đình cho trẻ vào cấp cứu tại một cơ ở y tế trên địa bàn quận Hải Châu. Vì tha thiết và mong muốn giữ lại ngón tay cho con gái nhỏ nên bố mẹ bé V. đã chuyển em đến Bệnh viện Đà Nẵng. Tại đây, các bác sĩ cấp cứu nhanh chóng hội chẩn và quyết định mổ cấp cứu cho bé. 

Thạc sỹ - bác sỹ Đỗ Tuấn Ngọc, Khoa Bỏng - Phẫu thuật tạo hình, người trực tiếp phẫu thuật cho bé V. cho biết: “Khi bé V. đến khám đã 4 giờ sau tai nạn nên việc cứu chữa cho em là không hề dễ dàng. Các tổn thương đứt rời đầu búp ngón tay rất hay gặp ở người lớn trong độ tuổi lao động, ít gặp hơn ở trẻ em nhưng không phải hiếm gặp. Các tổn thương này nếu không được điều trị đúng cách sẽ để lại những di chứng nặng nề cả về chức năng lẫn thẩm mỹ cho bệnh nhân. Bảo quản phần chi bị đứt rời là một yếu tố quan trọng góp phần thành công của phẫu thuật”.

Hiện tại, 10 ngày sau mổ, đầu búp ngón tay được ghép hồng hào trở lại, trẻ đã trở lại lớp học như các bạn. Bác sĩ Ngọc khuyến cáo, trong trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra phần chi bị đứt rời cần được bảo quản như sau: bọc bằng gạc hoặc vải sạch, cho vào túi ni-lon kín, đặt trong thùng đá và vận chuyển cùng người bệnh đến các bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình để được phẫu thuật đúng cách. 

Theo bác sĩ Ngọc, để phòng tránh tai nạn thương tích cho các em, các bậc phụ huynh cần sắp xếp đồ đạc trong nhà hợp lý, không để vướng đường trẻ hay đi lại. Đồng thời luôn giữ sàn nhà, nhà tắm, sân… (những nơi sinh họat của trẻ) khô ráo, không trơn trượt; không để đồ dùng, đồ vật của trẻ ở những nơi quá cao trẻ không với tới được. Phụ huynh cần giáo dục con trẻ tránh các trò chơi nguy hiểm: nhảy từ trên cao, đuổi nhau chơi đùa ở những chỗ nguy hiểm, các trò như nhảy ngựa... ; hướng dẫn trẻ kỹ năng phòng tránh khi đi vào những khu vực hoặc sử dụng những đồ vật dễ gây ngã.

Gia đình và nhà trường hướng dẫn và tổ chức cho các em hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh như thăm quan, cắm trại...Đồng thời bảo đảm các thiết bị điện trong gia đình đều an toàn, tuyệt đối không dùng dây điện trần (không có vỏ bọc nhựa) để mắc điện trong nhà, không dùng dây điện có phích cắm cắm trực tiếp vào ổ cắm, không để đồ vật đựng nước nóng trong tầm với trẻ em (nồi canh, phích nước, vòi nước nóng, bàn là, ống bô xe máy...).

THU HƯƠNG
 

;
;
.
.
.
.
.