Sổ tay

Cần xã hội hóa mua vắc-xin ngừa Covid-19

.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 24-2, lô vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên với 117.600 liều do Chính phủ đặt mua của Công ty AstraZeneca (Anh) đã về đến Việt Nam. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, 11 nhóm đối tượng ưu tiên sẽ được sắp xếp tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, chủ yếu dành cho những người ở tuyến đầu chống dịch và số người có nguy cơ cao. Trong khi đó, nhu cầu được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 lại rất lớn. Giải pháp xã hội hóa để tạo điều kiện cho mọi người dân tiếp cận được vắc-xin ngừa Covid-19 là vấn đề cần thiết.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngày 19-2, Bộ Y tế cho biết nếu đủ vắc-xin cho mọi người dân có chỉ định tiêm chủng, Việt Nam cần 150 triệu liều (mỗi người tiêm 2 mũi). Về lộ trình cung ứng vắc xin ngừa Covid-19 phải đến quý 4-2021, nước ta mới nhập về tổng số là 90 triệu liều.

Do đó, cùng với nguồn lực ngân sách Nhà nước cần xã hội hóa để nhập khẩu đủ vắc-xin ngừa Covid-19 cho mọi người dân. Hải Phòng là địa phương tiên phong đề xuất được mua vắc-xin Covid-19 để tiêm chủng cho toàn dân thành phố tại cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy ngày 21-1. Theo đó, Hải Phòng đề xuất mua vắc-xin cho 2,051 triệu người dân Hải Phòng bằng nguồn ngân sách của thành phố và hỗ trợ của Trung ương. Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 và các địa phương trong toàn quốc ngày 24-2, tỉnh Quảng Ninh báo cáo sẽ dành tối thiểu 500 tỷ đồng để mua vắc-xin phòng ngừa Covid-19 tiêm phòng cho toàn dân trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, ngày 21-12-2020, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về vắc-xin ngừa Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xác định khả năng sản xuất vắc-xin của các doanh nghiệp trong nước, tìm kiếm mua vắc-xin nước ngoài phù hợp, chất lượng bằng ngân sách quốc gia và các nguồn khác. Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Y tế cần hoàn thiện đề án cụ thể về số lượng, đơn giá, đối tượng tiêm, phương thức, hiệu lực vắc-xin, xác định mua của nước nào là phù hợp nhất. Bên cạnh ngân sách Nhà nước, cần xã hội hóa để có các nguồn lực cần thiết cho việc này.

Hiện nay nhu cầu có đủ vắc-xin ngừa Covid-19 để tiêm phòng cho toàn dân đang trở nên cấp bách. Chính phủ đặt mục tiêu tiêm miễn phí cho mọi người dân nhưng để toàn dân được tiêm phòng vắc-xin kịp thời, bảo đảm cho cuộc sống và công việc nhanh chóng trở lại bình thường, bên cạnh ngân sách Nhà nước rất cần nguồn lực xã hội hóa để mua vắc xin ngừa Covid-19. Xã hội hóa nguồn lực mua vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ góp phần giảm áp lực cho hệ thống tiêm chủng phòng Covid-19 của hệ thống y tế Nhà nước, tiết kiệm ngân sách. Việc xã hội hóa nguồn lực mua vắc-xin sẽ giúp không chỉ cho 11 nhóm đối tượng được Bộ Y tế nêu ra mà những người dân còn lại, đặc biệt là người nghèo, người yếu thế trong xã hội, cũng sẽ được tiếp cận với vắc-xin ngừa Covid-19.

Nếu việc xã hội hóa mua vắc-xin ngừa Covid-19 sớm trở thành một chủ trương chính thức thì đây sẽ là chủ trương rất nhân văn, không chỉ góp phần nhanh chóng ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19 mà còn thúc đẩy hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trở lại trong một trạng thái bình thường mới và bảo đảm an sinh xã hội.

HOÀNG ANH

;
;
.
.
.
.
.