Đánh giá nguy cơ Covid-19 qua xét nghiệm ngẫu nhiên

.

Trong những ngày qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố phối hợp nhân viên y tế các địa phương tổ chức lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho các trường hợp từng đến, trở về từ vùng dịch, những trường hợp có nguy cơ nhiễm Covid-19. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch của UBND thành phố nhằm đánh giá lại tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, từ đó có những biện pháp phù hợp với thực tế.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho sinh viên. (Ảnh chụp tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn sáng 10-3) Ảnh: PHAN CHUNG
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho sinh viên. (Ảnh chụp tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn sáng 10-3). Ảnh: PHAN CHUNG

Người dân hưởng ứng, hợp tác

Sáng 9-3, Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ tổ chức 9 điểm lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho người dân, trong đó tập trung chủ yếu tại khu vực Bến xe Trung tâm thành phố. Ngoài ra, 6 trạm y tế tại 6 phường trên địa bàn quận cũng được bố trí lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên.

Tại khu vực Bến xe Trung tâm thành phố, nhân viên y tế tổ chức lấy 121 mẫu gộp, dành cho đối tượng chính là các lái xe phục vụ hoạt động vận tải. Liên quan đến hoạt động này, anh Lê Văn Kh. (37 tuổi, trú tỉnh Nam Định), lái xe khách phục vụ tuyến Đà Nẵng - Nam Định chia sẻ: “Bản thân mình là lái xe thường xuyên đi lại, tiếp xúc với nhiều hành khách. Mặc dù đã thực hiện khai báo y tế mỗi khi di chuyển ra khỏi địa phương hoặc quay về Đà Nẵng nhưng mình vẫn thấy việc xét nghiệm này cần thiết”.

Theo bác sĩ Võ Văn Tỵ, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ, việc lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên diễn ra thuận lợi do người dân vui vẻ chấp hành, hợp tác. “Có một số trường hợp đang đi công tác hoặc vừa mới rời khỏi Đà Nẵng chưa quay lại nên chưa thể lấy mẫu. Chúng tôi đã liên hệ và họ khẳng định sẵn sàng đến cơ sở y tế để lấy mẫu sau khi trở về đây”, bác sĩ Tỵ cho biết.

Tương tự, tại quận Ngũ Hành Sơn, trong sáng 10-3, 99 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 theo phương pháp gộp đã được lấy. Những trường hợp ưu tiên lấy mẫu trên địa bàn quận chủ yếu vẫn là người lao động và sinh viên. “Địa bàn tập trung rất đông sinh viên nên chúng tôi tập hợp danh sách và ưu tiên lựa chọn những sinh viên đến từ các vùng có ghi nhận ca nhiễm Covid-19 để lấy mẫu. Mặc dù trước đó các em thực hiện đầy đủ các biện pháp khai báo y tế, cách ly khi có nguy cơ nhưng việc lấy mẫu ngẫu nhiên vẫn rất cần thiết”, bác sĩ Đinh Văn Thời, phụ trách khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn cho biết.

Đang chờ đến lượt lấy mẫu xét nghiệm, sinh viên Trần Khánh Q. (trú tỉnh Gia Lai, sinh viên khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) cho biết, rất yên tâm và vui mừng khi được yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm. “Em đến từ địa phương trước đây có ca nhiễm Covid-19, ít nhiều trong tâm lý của bạn bè khi tiếp xúc cũng có chút do dự, e ngại nên việc xét nghiệm lần này là dịp để bản thân cảm thấy được an toàn hơn khi quay trở lại Đà Nẵng học tập. Đây là điều cần thiết cho bản thân và cho toàn xã hội”, Q. chia sẻ.

Học sinh, sinh viên, người lao động trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn chờ xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên. (Ảnh chụp tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn sáng 10-3) Ảnh: PHAN CHUNG
Học sinh, sinh viên, người lao động trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn chờ xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên. (Ảnh chụp tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn sáng 10-3). Ảnh: PHAN CHUNG

Không chủ quan

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng, thực hiện Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 25-2 của UBND thành phố về việc xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên, CDC Đà Nẵng có công văn gửi các sở, ban, ngành, địa phương về việc tổng hợp danh sách những trường hợp có nguy cơ.

Theo đó, người lao động, học sinh, sinh viên, lái xe… là những trường hợp từng đi, đến, trở về từ các tỉnh, thành phố có dịch hoặc lân cận vùng dịch (không thuộc diện phải cách ly y tế theo quy định) sẽ được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

“Theo chỉ đạo của thành phố, trên cơ sở số liệu mà các đơn vị cung cấp, chúng tôi lựa chọn ngẫu nhiên 10-20% trong số đó để lấy mẫu. Cũng cần nói thêm, việc lấy mẫu này là để đánh giá tình hình chung của thành phố, chứ không phải lấy mẫu đối với những trường hợp nghi nhiễm”, bác sĩ Thạnh cho biết.

Tính đến thời điểm này, qua rà soát cộng đồng, CDC Đà Nẵng xác định lấy mẫu SARS-CoV-2 cho hơn 2.280 người, trong đó 63 trường hợp là người lao động, hơn 660 người là lái xe và hơn 1.550 học sinh, sinh viên trên toàn thành phố. Đến ngày 10-3, có hơn 820 người được lấy mẫu xét nghiệm và tất cả đều âm tính với SARS-CoV-2. Theo bác sĩ Thạnh, trên cơ sở đánh giá tình hình từ các địa phương, đến nay, về cơ bản dịch bệnh được kiểm soát, không còn diễn biến phức tạp như trước.

“Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên bước đầu cho thấy tình hình dịch bệnh ở địa phương có những dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa không còn nguy cơ. Vì vậy, các sở, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai các biện pháp cần thiết và người dân tuyệt đối không được chủ quan”, bác sĩ Thạnh nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, tinh thần chung hiện nay vẫn là thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống Covid-19 theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố tại Công văn số 1149/UBND-SYT ngày 3-3. Ngoài việc thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, Bộ Y tế, địa phương cũng duy trì triển khai nhiều nhiệm vụ phù hợp với tình hình.

Theo đó, công tác giám sát, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm tiếp tục triển khai đối với các trường hợp có nguy cơ; thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố về công tác khai báo y tế toàn dân; các cơ sở y tế trên địa bàn tuân thủ nghiêm các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, kiểm soát dịch bệnh. “Ngành y tế tiếp tục cập nhật các ổ dịch, vùng dịch tại các địa phương trên cả nước; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19 phù hợp đối với các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm.

Ngoài ra toàn bộ công chức, viên chức, người lao động và toàn thể người dân tiếp tục tuân thủ việc đeo khẩu trang nơi công cộng, không tập trung đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, thường xuyên sát khuẩn tay, khai báo y tế… để công tác phòng, chống dịch tiếp tục phát huy hiệu quả”, bác sĩ Yến cho biết thêm.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.