Bảo đảm cách ly an toàn sau nhập cảnh

.

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng ngàn công dân đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài nhập cảnh tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Việc tiếp nhận, cách ly công dân được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, tuyệt đối không để Covid-19 bùng phát và lây lan ra cộng đồng. Để công tác này hiệu quả, hiện UBND thành phố đang có ý kiến đề xuất Chính phủ cho Đà Nẵng tạm dừng tiếp nhận các chuyến bay chở công dân về nước, trước khi các cơ sở lưu trú, nhân lực phục vụ công tác cách ly bị quá tải.

Nhân viên y tế tiếp nhận nhu yếu phẩm, hàng hóa phục vụ công dân cách ly trên địa bàn quận Sơn Trà. Ảnh: PHAN CHUNG
Nhân viên y tế tiếp nhận nhu yếu phẩm, hàng hóa phục vụ công dân cách ly trên địa bàn quận Sơn Trà. Ảnh: PHAN CHUNG

Thực hiện nghiêm ngặt các quy trình phòng dịch

Liên tiếp trong những ngày qua, nhiều chuyến bay chở công dân từ các quốc gia và vùng lãnh thổ (Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Nhật Bản) lần lượt hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Các công dân sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh đều được xe chuyên dụng chở về cách ly tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn.

Theo bác sĩ Phạm Trúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, việc tiếp nhận công dân nhập cảnh được thực hiện theo quy trình chuẩn bị sẵn và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng liên quan. Theo đó, ngay khi xuống Sân bay quốc tế Đà Nẵng, hành khách được lực lượng chức năng tại sân bay thực hiện quy trình giám sát, chuyển cách ly y tế phòng, chống Covid-19 đối với người nhập cảnh - xuất cảnh.

Các hành khách phải thực hiện đúng, đủ sáu bước tại cửa khẩu, gồm: tiếp nhận thông tin trước khi tàu bay hạ cánh, khi tàu bay hạ cánh, giám sát y tế, thủ tục nhập cảnh, thủ tục hải quan và di chuyển từ sân bay về khu cách ly tập trung. Lực lượng kiểm dịch sân bay sau đó tiến hành phun khử trùng, khử khuẩn các khu vực nhà ga T2, tàu bay, các lối phân luồng tiếp nhận công dân nhập cảnh…

Theo Sở Y tế thành phố, để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn công dân phải cách ly khi nhập cảnh, ngành y tế đã phối hợp Sở Du lịch tổ chức rà soát, thẩm định và thiết lập cơ sở cách ly tại các khách sạn. Hiện đã có 38 khách sạn được thiết lập làm cơ sở cách ly trên địa bàn thành phố với hơn 3.200 phòng và hơn 5.600 giường; trong đó có 24 khách sạn ở quận Sơn Trà (chiếm 63,2%), 10 khách sạn ở quận Ngũ Hành Sơn (chiếm 26,3%), 3 khách sạn ở quận Hải Châu (chiếm 7,9%) và 1 khách sạn ở quận Thanh Khê (2,6%).

Bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, để bảo đảm an toàn, hiệu quả trong phòng, chống Covid-19, các cơ sở lưu trú phải chịu trách nhiệm bố trí phương tiện vận chuyển người nhập cảnh đến cơ sở lưu trú; tuân thủ các quy định và sự hướng dẫn của các lực lượng tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng; thực hiện nghiêm túc phương án vận chuyển bảo đảm phòng, chống Covid-19 đã được Sở Y tế thống nhất.

“Đặc biệt, phải thực hiện kế hoạch, phương án bảo đảm phòng, chống Covid-19; trong đó phân công cụ thể trách nhiệm của các cá nhân liên quan đối với từng tình huống, không để bị động, bất ngờ. Chịu trách nhiệm quản lý nhân viên phục vụ, người nhập cảnh thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về cách ly y tế”, bác sĩ Hồng cho biết.

Nhân viên y tế tiếp tế nhu yếu phẩm, hàng hóa phục vụ công dân cách ly. Ảnh: PHAN CHUNG
Nhân viên y tế tiếp tế nhu yếu phẩm, hàng hóa phục vụ công dân cách ly. Ảnh: PHAN CHUNG

Nguy cơ quá tải

Tính đến ngày 14-4, có 31 khách sạn đang phục vụ cho hơn 4.700 công dân nhập cảnh, trong đó hơn 4.000 công dân lưu trú trên địa bàn quận Sơn Trà. Theo bác sĩ Phạm Hồng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, tại mỗi khách sạn phục vụ cách ly y tế người nhập cảnh đơn vị bố trí 2-5 cán bộ, nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ.

“Các nhân viên có nhiệm vụ bảo đảm công tác y tế bao gồm giám sát y tế, theo dõi sức khỏe hằng ngày cho các công dân, hướng dẫn thu gom, xử lý chất thải, rác thải y tế, khử khuẩn môi trường. Ngoài ra, trong vòng 24 giờ sau khi nhập cảnh, tất cả các công dân phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 nên hiện nay khối lượng công việc đang đè nặng lên nhân viên y tế”, bác sĩ Nam cho biết.

Do phần lớn các cơ sở lưu trú phục vụ công tác cách ly y tế tập trung chủ yếu tại quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn nên ngành y tế yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện còn lại tăng cường, bổ sung nhân lực cho 2 địa phương này để bảo đảm công tác cách ly được thực hiện đúng quy định.

Theo Sở Y tế, hiện nay, ngành đang đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn do tiếp nhận cùng lúc nhiều chuyến bay nhập cảnh. Cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ bảo đảm cách ly y tế tại các khách sạn đang quá tải công việc. Trong khi đó, ngành y tế còn nhiều nhiệm vụ trọng tâm về công tác y tế cần thực hiện như phòng, chống Covid-19 tại đơn vị, công tác khám chữa bệnh, chương trình mục tiêu y tế dân số, bảo đảm y tế phục vụ bầu cử…

Nhiệm vụ tiếp nhận công dân Việt Nam nhập cảnh trở về nước, cách ly y tế tại khách sạn được Văn phòng Chính phủ giao cho 2 địa phương Đà Nẵng và Khánh Hòa tại Công văn số 2134/VPCP-QHQT ngày 29-3-2021 và Công văn số 2338/VPCP-QHQT ngày 2-4-2021.

“Tuy nhiên, căn cứ trên các điều kiện thực tế về nhân lực, cơ sở bảo đảm cách ly, ngành y tế đề xuất UBND thành phố xin ý kiến Văn phòng Chính phủ chỉ đạo các địa phương khác có sân bay như Thừa Thiên Huế, Bình Định, Cần Thơ… thiết lập các khách sạn là cơ sở cách ly để chia sẻ nhiệm vụ tiếp nhận công dân nhập cảnh trở về nước cho Đà Nẵng. Bởi từ nay đến đầu tháng 5 tới, có 19 chuyến bay được các cơ quan chức năng thẩm định với hơn 5.300 người nhập cảnh và cách ly tại Đà Nẵng. Nếu số chuyến bay tiếp tục tăng trong thời gian tới, việc bảo đảm phòng, chống Covid-19 trong thời gian cách ly sau nhập cảnh sẽ rất khó khăn”, bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng cho biết.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.