Rà soát, giám sát từng trường hợp trở về từ vùng dịch

.

Cùng với việc tuần tra khóa chặt đường mòn, lối mở và kiểm soát người, phương tiện vào thành phố tại 15 chốt cửa ngõ, những ngày qua, lực lượng chức năng tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để kịp thời phát hiện, xử lý, giám sát trường hợp đến, về từ những địa phương khác, nhất là vùng có dịch. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn Covid-19 xâm nhập và lây lan trên địa bàn Đà Nẵng.

Công an phường Chính Gián (quận Thanh Khê) phối hợp lực lượng cơ sở  kiểm tra công tác tạm trú kết hợp tuyên truyền biện pháp phòng, chống Covid-19,  vận động người dân chủ động trình báo cơ quan chức năng khi phát hiện trường hợp đến, về từ những địa phương khác. 				Ảnh: LÊ HÙNG
Công an phường Chính Gián (quận Thanh Khê) phối hợp lực lượng cơ sở kiểm tra công tác tạm trú kết hợp tuyên truyền biện pháp phòng, chống Covid-19, vận động người dân chủ động trình báo cơ quan chức năng khi phát hiện trường hợp đến, về từ những địa phương khác. Ảnh: LÊ HÙNG

Đà Nẵng trải qua 29 ngày không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh trong thành phố cơ bản ổn định và được kiểm soát. Tuy nhiên, dịch bệnh tại một số địa phương còn diễn biến phức tạp, nguy cơ xâm nhập vào thành phố luôn hiện hữu.

Kiểm tra, giám sát người về từ địa phương có dịch

Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào thành phố qua cửa ngõ, đường mòn, lối mở, việc nâng cao ý thức người dân từ cơ sở và kiểm tra, giám sát người về, đến từ địa phương có dịch là một trong những yếu tố quyết định thành công trong việc kiểm soát, ngăn chặn Covid-19 xâm nhập vào Đà Nẵng.

Hằng ngày, ngoài việc phối hợp lực lượng cảnh sát khu vực kiểm tra công tác tạm trú, tạm vắng, ông Lê Ngọc Hạt, Tổ trưởng tổ 50 (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) còn tích cực tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; kiểm tra, theo dõi, giám sát những trường hợp đến, về từ địa phương có dịch nhưng chưa khai báo y tế. “Công tác phòng, chống Covid-19 không của riêng ai, mà là của toàn dân. Tôi làm bằng tất cả tâm huyết của mình với mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé cùng địa phương kiểm soát tình hình dịch bệnh, tránh để dịch xâm nhập và lây lan ra cộng đồng”, ông Hạt chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Phúc (66 tuổi, trú tổ 50, phường Phước Mỹ) đánh giá, lực lượng cảnh sát khu vực và tổ trưởng tổ dân phố hoạt động rất tích cực, thường xuyên đến từng nhà dân kiểm tra công tác tạm trú, cũng như tuyên truyền các quy định phòng, chống Covid-19. “Chúng tôi cam kết với chính quyền và tổ trưởng tổ dân phố, nếu phát hiện trường hợp từ địa phương khác đến sẽ thông báo ngay để lực lượng chức năng kịp thời can thiệp, xử lý”, ông Phúc nói.

Những ngày qua, cán bộ, chiến sĩ Công an phường Chính Gián (quận Thanh Khê) tích cực bám sát địa bàn khu dân cư để kiểm tra công tác tạm trú, tạm vắng tại nhà dân, cơ sở lưu trú, nhà thuê trọ. Ngoài việc kiểm tra nhân hộ khẩu, lực lượng làm nhiệm vụ còn tuyên truyền, nhắc nhở người dân, chủ cơ sở lưu trú không bao che, tiếp tay cho hành vi lưu trú bất hợp pháp; đồng thời hướng dẫn, khuyến khích, vận động nhân dân báo cáo, tố giác các trường hợp đến, trở về thành phố không khai báo y tế.

Trung tá Lê Hải Phượng, Trưởng Công an phường Chính Gián cho biết, đơn vị chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ tích cực bám địa bàn, phối hợp tổ trưởng tổ dân phố kiểm soát chặt chẽ tình hình cư trú của từng hộ dân ở khu dân cư; tuyên truyền, vận động người dân chủ động trình báo cơ quan chức năng khi phát hiện trường hợp lạ đến để kịp thời xử lý theo các quy định của pháp luật…

“Với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và tận dụng “tai mắt” của người dân, lực lượng cảnh sát khu vực cơ bản nắm chắc địa bàn, từng trường hợp và quản lý tốt việc đăng ký tạm trú, tạm vắng. Công an phường Chính Gián cùng các tổ dân phố kiên quyết không để xảy ra tình trạng người từ địa phương khác đến thành phố mà không có đăng ký tạm trú, tạm vắng, không khai báo y tế”, Trung tá Lê Hải Phượng nói.

Ông Lê Ngọc Hạt, Tổ trưởng tổ 50 (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) (bìa phải) tuyên truyền, vận động người dân khi phát hiện người từ địa phương khác đến thì thông báo ngay cho cơ quan chức năng. Ảnh: LÊ HÙNG
Ông Lê Ngọc Hạt, Tổ trưởng tổ 50 (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) (bìa phải) tuyên truyền, vận động người dân khi phát hiện người từ địa phương khác đến thì thông báo ngay cho cơ quan chức năng. Ảnh: LÊ HÙNG

Nâng cao vai trò của “cánh tay nối dài”

Theo ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà), lực lượng cảnh sát khu vực, tổ trưởng tổ dân phố là “cánh tay nối dài” hỗ trợ đắc lực cùng các lực lượng khác trong công tác phòng, chống dịch.

Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của cảnh sát khu vực, tổ trưởng tổ dân phố, UBND phường yêu cầu lực lượng này ký cam kết kiểm soát chặt chẽ tình hình tạm trú, tạm vắng của các hộ dân; tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện trường hợp từ nơi khác đến, nhất là những vùng có dịch; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống Covid-19, nhất là thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế.

“Nếu có trường hợp từ vùng dịch về hoặc đến mà không phát hiện, không báo cáo để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thì tổ trưởng tổ dân phố, cảnh sát khu vực đó phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”, ông Trần Văn Hùng khẳng định.

Ông Trần Văn Hùng cho biết thêm, trong ngày 15-6, phường An Hải Bắc tiếp nhận, quản lý 1 trường hợp trở về từ địa phương khác. Lũy kế đến nay, phường An Hải Bắc quản lý, giám sát 14 người trở về từ các địa phương có dịch, trong đó riêng Thành phố Hồ Chí Minh 10 trường hợp. “Chúng tôi yêu cầu 15 giờ hằng này, công an phường, cảnh sát khu vực và tổ trưởng tổ dân phố phải thông báo tình hình cư trú trên địa bàn khu dân cư để Văn phòng UBND phường nắm. Căn cứ tình hình thực tế tại từng khu vực, từng trường hợp cụ thể, UBND phường sẽ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định”, ông Hùng nói.

Theo Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Hòa, đến nay, các phường trên địa bàn quận đã chỉ đạo các lực lượng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện trường hợp đến, về từ địa phương có dịch. Thành viên của các tổ công tác này gồm: cảnh sát khu vực, tổ trưởng tổ dân phố, đại diện các hội, đoàn thể khu dân cư. Nhiệm vụ của các tổ công tác là kiểm tra tạm trú, tạm vắng; giám sát, yêu cầu những trường hợp trở về từ địa phương khác phải khai báo y tế, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Nếu phát hiện trường hợp trở về từ địa phương có dịch, địa phương sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

“Đến nay, các lực lượng cơ bản phát huy tốt vai trò là “cánh tay nối dài” của địa phương trong phòng, chống dịch thông qua việc truyền tải những thông điệp, thông tin của chính quyền đến người dân. Đồng thời, hỗ trợ chính quyền theo dõi, giám sát các trường hợp về từ vùng dịch, vùng có nguy cơ cao, kịp thời triển khai các giải pháp phòng, chống dịch”, ông Nguyễn Hòa cho biết.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.