Mang bình yên trở về

.

Sau hơn 5 tuần hỗ trợ tỉnh Bắc Giang điều trị những bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng, đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng vừa trở về khi tình hình dịch bệnh tại tỉnh này cơ bản được kiểm soát. Thế nhưng, niềm vui chẳng dám hé lộ cùng ai, bởi đồng nghiệp khắp cả nước vẫn ngày đêm đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách để chữa trị cho người bệnh.

Ê-kip bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Đà Nẵng điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại Trung tâm ICU, Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang. Ảnh: L.T.H
Ê-kíp bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Đà Nẵng điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại Trung tâm ICU, Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang. Ảnh: L.T.H

Khi ngỏ lời viết bài, bác sĩ Nguyễn Tấn Hùng, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng, xua tay từ chối: “Đó là nhiệm vụ mà bọn mình phải hoàn thành, không có gì đáng nói. Hơn nữa hiện giờ tình hình dịch bệnh vẫn còn căng thẳng, anh em đồng nghiệp còn chiến đấu từng ngày, từng giờ. Sự nỗ lực, cống hiến của mình chẳng thấm vào đâu”.

Đoàn bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Đà Nẵng nhận lệnh lên đường hỗ trợ Bắc Giang vào ngày 31-5, sau hơn 1 giờ lãnh đạo bệnh viện phát động. Thời điểm đó, Bắc Giang đang là tâm dịch của cả nước, đặc biệt số ca mắc Covid-19 nặng liên tục tăng cao. Với kinh nghiệm trong việc điều trị những bệnh nhân nặng, các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Đà Nẵng được đưa đến Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang - nơi thiết lập bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.

Bác sĩ Hùng nhớ lại, hình ảnh đầu tiên ập vào mắt đoàn khi đặt chân đến đó là những bệnh nhân nặng được gắn các thiết bị hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn. Nhóm bác sĩ, điều dưỡng của thành phố được phân chia theo từng ê-kip làm việc cùng đoàn y, bác sĩ tỉnh Thừa Thiên Huế, Hà Nội cũng được tăng cường trong dịp này. “Số bệnh nhân nặng liên tục được chuyển đến, có thời điểm mỗi ngày chúng tôi nhận 7-8 bệnh nhân cùng một lúc. Cảm giác lúc đó vừa lo lắng cho an toàn của bệnh nhân vừa áp lực liệu cơ sở vật chất, thiết bị nơi đây có đủ cho số lượng bệnh nhân trong thời gian tới”, bác sĩ Hùng kể.

Là người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý Trung tâm ICU (hồi sức nặng) với quy mô 101 giường bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang, bác sĩ Hùng cho biết, các ca mắc Covid-19 nặng được chuyển vào đây rất khác so với những bệnh nhân được ghi nhận tại Đà Nẵng.

Đợt nhiễm virus lần này theo biến thể Delta, biểu hiện lâm sàng của các ca bệnh dù không có bệnh nền nhưng diễn biến tổn thương phổi rất nhanh. Sau vài ngày nhiễm, phổi bệnh nhân xuất hiện mờ trắng cả hai bên. Do đó, nguy cơ tử vong có thể ở các nhóm độ tuổi chứ không chỉ ở người cao tuổi và có bệnh nền như trước. Vì vậy, công tác điều trị cho các bệnh nhân đặt ra bài toán ứng phó, đáp ứng mọi tình huống có thể xảy ra.

Để giảm thiểu tối đa số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, lực lượng chi viện từ các bệnh viện trên khắp cả nước như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Nông nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương… thường xuyên trao đổi, hội ý và chủ động về các biện pháp điều trị ban đầu.

“Thông qua các nhóm hội ý chuyên môn có sự tham gia của các trung tâm y tế tuyến cơ sở, nơi đang tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ, bọn mình hướng dẫn, hỗ trợ các biện pháp điều trị ban đầu để không cho bệnh nhân trở nặng. Bởi bệnh nhân mắc Covid-19 khác các bệnh do virus khác, khi trở nặng có thể tử vong ngay. Cách tốt nhất là chủ động điều trị khi còn nhẹ”, bác sĩ Hùng cho biết thêm.

Là 1 trong 7 điều dưỡng xung phong lên đường chi viện cho Bắc Giang, điều đáng nhớ của nữ điều dưỡng Võ Thị Hoài Thương (khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức) trong đợt công tác này là số lượng bệnh nhân trẻ, chuyển biến nặng nhanh. Họ phần lớn là công nhân, lao động chính trong gia đình. Mắc Covid-19 đồng nghĩa với việc nguồn thu nhập chính của gia đình bị ảnh hưởng.

“Trước khi vào chăm sóc bệnh nhân, nếu nói không lo lắng, không quan ngại là không đúng. Nhưng khi vào đến phòng bệnh nặng, nhìn thấy các bệnh nhân đang đối mặt với nguy kịch thì mọi nỗi lo sợ không còn nữa. Lúc đó mình chỉ muốn làm thật tốt để họ sớm hồi phục sức khỏe chứ không nghĩ ngợi gì”, chị Thương chia sẻ. Theo phân công, ê-kíp bác sĩ, điều dưỡng hoạt động liên tục, hiếm khi có thời gian được nghỉ ngơi trọn vẹn bên nhau. Dù mệt mỏi nhưng tất cả y, bác sĩ đều cảm thấy được an ủi mỗi khi nhìn thấy ca bệnh nặng diễn tiến tốt, sức khỏe ổn định hơn.

Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, không chỉ tinh thần tiên phong, tình nguyện tốt mà các bác sĩ, điều dưỡng trong đoàn công tác lần này còn được đào tạo thành ê-kip rất bài bản. Đây là đội ngũ y tế tinh nhuệ đã tham gia điều trị, cứu sống nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. “Họ thể hiện bản lĩnh tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Điều quan trọng hơn là thể hiện được tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong lúc đồng nghiệp ở tỉnh bạn đang khó khăn, quá tải. Làm nhiệm vụ nào, phối hợp với ai thì cuối cùng niềm hạnh phúc của người bác sĩ, y tá, điều dưỡng cũng là kịp thời cứu chữa bệnh nhân”, bác sĩ Nhân cho biết.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.