Chung sức, đồng lòng vượt qua dịch bệnh

.

Sau hơn một tháng căng mình chống dịch và áp dụng các biện pháp chưa từng có tiền lệ, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đã được kiểm soát. Số ca mắc trong vòng 24 giờ thời điểm ghi nhận cao nhất là 202 trường hợp (ngày 27-8) nay giảm về con số 0 (ngày 18-9). Kết quả này là sự quyết tâm, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, hội, đoàn thể, nhân dân cùng những chính sách được đưa ra kịp thời. Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố xung quanh vấn đề này.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến.

Bà Ngô Thị Kim Yến cho biết:

- Bắt đầu từ 18 giờ ngày 31-7, Đà Nẵng áp dụng cách ly toàn xã hội ở mức độ cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh vẫn không có dấu hiệu giảm, đặc biệt là chuỗi lây nhiễm liên quan đến cảng cá Thọ Quang và chợ đầu mối Hòa Cường liên tục ghi nhận nhiều ca mắc mới. Trước tình hình đó, UBND thành phố ban hành Quyết định 2788/QĐ-UBND bắt đầu từ 8 giờ ngày 16-8 với các biện pháp chưa từng có tiền lệ, yêu cầu người dân ở yên trong nhà.

Để thống nhất và đi đến việc ban hành quyết định này, lãnh đạo thành phố, đặc biệt là các đồng chí Thường trực Thành ủy đã bàn bạc, trao đổi rất kỹ, lấy ý kiến từng thành viên trong Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố. Có những cuộc họp diễn ra từ chiều đến tận 23 giờ để trao đổi, phân tích và lấy ý kiến của từng cá nhân xung quanh việc soạn thảo các nội dung liên quan. Vấn đề mà các thành viên đề cập đến nhiều nhất là việc tổ chức cung ứng lương thực, thực phẩm trong bối cảnh hạn chế người dân ra khỏi nhà. Vì vậy, sau khi ban hành Quyết định 2788/QĐ-UBND, UBND thành phố ban hành hướng dẫn kèm theo và khắc phục kịp thời những bất tiện, vướng mắc, khó khăn.

Nhân viên y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động các doanh nghiệp tại Cung thể thao Tiên Sơn. Ảnh: XUÂN DŨNG
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động các doanh nghiệp tại Cung thể thao Tiên Sơn. Ảnh: XUÂN DŨNG

 * Biện pháp ưu tiên hàng đầu mà thành phố triển khai sau đó là gì, thưa bà?

- Mục tiêu của việc áp dụng chính sách “ai ở đâu thì ở đó” giai đoạn này là để ngành y tế đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm trên toàn thành phố nhằm tìm ra F0 trong cộng đồng một cách nhanh chóng và triệt để. Áp dụng phương pháp lấy mẫu gộp, ngành y tế và các địa phương phối hợp lấy mẫu xét nghiệm toàn dân theo từng khu vực có mức độ nguy cơ khác nhau với tần suất 3 ngày/lần.

Trong 1 tháng từ 16-8 đến 16-9, thành phố thực hiện 7 đợt xét nghiệm đại diện hộ gia đình. Bình quân mỗi đợt, ngành y tế phải lấy mẫu xét nghiệm từ 350.000-370.000 lượt người. Đây là áp lực rất lớn. Nếu trước đây, sau một đợt lấy mẫu diện rộng, ngành y tế có khoảng trống nghỉ ngơi. Tuy nhiên tháng cao điểm vừa qua rất khác, cứ lấy xong đợt này, nhân viên y tế phải quay lại lấy đợt tiếp theo với cường độ liên tục. Bộ phận lấy mẫu, xét nghiệm và phân tích dữ liệu gần như không có ngày nghỉ, phải làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm.

Trong 7 đợt lấy mẫu xét nghiệm hộ gia đình, thành phố phát hiện 277 ca mắc trong cộng đồng. Từ những ca mắc này, các hoạt động truy vết, cách ly, xét nhiệm những F1, F liên quan tiếp tục được triển khai. Chỉ trong vòng 1 tháng, thành phố ghi nhận hơn 2.700 ca mắc Covid-19. Nhiều đơn vị, địa phương chạy đua với thời gian, rút ngắn được thời gian lấy mẫu xét nghiệm từ 3 ngày xuống còn 2,5 ngày thậm chí 2 ngày trong mỗi đợt. Đó là sự phấn đấu lớn của lực lượng y tế vì cùng thời điểm còn phải triển khai công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm trước khi tiêm vắc-xin cho người cao tuổi và người có bệnh nền tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm trước khi tiêm vắc-xin cho người cao tuổi và người có bệnh nền tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

* Đà Nẵng đã sẵn sàng cho kịch bản điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 như thế nào?

- Có những thời điểm, Bệnh dã chiến tại Khu ký túc xá phía tây thành phố, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang phải thu dung, điều trị 2.500 bệnh nhân Covid-19 cùng lúc nên áp lực rất lớn. Tuy nhiên, xác định rõ nhiệm vụ phải cứu chữa kịp thời nhất cho các bệnh nhân, hạn chế thấp nhất số ca tử vong do Covid-19, đội ngũ y bác sĩ các bệnh viện vượt qua vô vàn khó khăn, vất vả với quyết tâm cao độ nhất.

Đặc biệt, phác đồ điều trị luôn luôn được y, bác sĩ suy nghĩ, điều chỉnh thích hợp nhất nhằm đưa số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong xuống mức thấp nhất có thể. Đà Nẵng là địa phương có kinh nghiệm trong công tác điều trị Covid-19, trong đó lĩnh vực hồi sức tích cực được xem là thế mạnh của các y, bác sĩ. Đồng thời, thành phố luôn có sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị, vật tư, giường bệnh. Đến thời điểm này, thành phố khẳng định chưa bao giờ xảy ra tình trạng thiếu máy thở, thiếu trang thiết bị để cứu sống bệnh nhân.

Thành phố cũng luôn chủ động đi trước trong việc điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. Mặc dù sau đó số ca mắc mới có chiều hướng giảm nhưng lãnh đạo thành phố vẫn quyết định chuẩn bị thêm bệnh viện dã chiến số 2. Với phương châm chuẩn bị nhiều nhất, tốt nhất để xử lý kịp thời tình huống xấu nhất xảy ra, đó là cùng lúc điều trị 6.000 bệnh nhân Covid-19 và có 300 bệnh nhân phải điều trị hồi sức. Trong một tháng qua, số ca mắc Covid-19 từ 2.500 ca đã điều trị đã giảm xuống dưới 900 ca.

* Yếu tố nào tạo nên sự thành công trong việc áp dụng các biện pháp chưa từng có tiền lệ trong một tháng qua, thưa bà?

- Nếu chống dịch mà không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân thì sẽ không bao giờ thành công. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Thành ủy, HĐND, UBND, thời gian qua, gần như tất cả bí thư, chủ tịch các quận, huyện, phường, xã  đều ở trạng thái áp lực chống dịch giống như ngành y tế, thậm chí còn cao hơn. Bởi lãnh đạo các địa phương vừa phải lo chống dịch, nắm tình hình, kiểm soát, điều tra, truy vết vừa phải lo các vấn đề an sinh xã hội. Bên cạnh đó, tổ Covid-19 cộng đồng, bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, các tình nguyện viên… trong khu dân cư đều nêu cao vai trò, tinh thần trách nhiệm, cùng chia sẻ, gánh vác nhiệm vụ phòng, chống dịch với thành phố.

Thường trực Thành ủy, UBND thành phố kêu gọi tất cả những cán bộ Nhà nước đang giãn cách tại địa phương, lực lượng nòng cốt cơ sở, đảng viên sinh hoạt tại khu dân cư cùng tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Đây là sáng kiến hay của thành phố nhằm huy động tổng lực để thực hiện công tác giám sát, tuyên truyền, hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong thời điểm “ai ở đâu thì ở đó”. Có thể khẳng định, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân đã giúp thành phố đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh.

* Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

PHAN CHUNG - LÊ HÙNG thực hiện

;
;
.
.
.
.
.