Khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại

.

Ngày 28-9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021, góp ý dự thảo chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 2017-2021, về cơ bản tất cả các nội dung và giải pháp trong chương trình quốc gia đã được các cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả, đạt nhiều kết quả nổi bật. Mặc dù bệnh dại đã được kiểm soát tốt hơn giai đoạn trước nhưng trung bình mỗi năm có 79 người tử vong vì bệnh dại.

Do đó, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục xây dựng, tham mưu Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 để làm cơ sở tổ chức thực hiện trong thời gian đến, phù hợp với chiến lược kiểm soát bệnh dại đến năm 2030 của thế giới và các nước Đông Nam Á.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT thành phố, từ đầu năm 2019 đến tháng 6-2021, có 27.780 người bị chó cắn trên địa bàn thành phố phải điều trị dự phòng bằng vắc-xin và kháng huyết thanh. Thành phố đã triển khai thực hiện đề án “Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại ở động vật nuôi trên địa bàn các quận của thành phố” và đến nay đã có 45/45 phường lập sổ quản lý chó, mèo nuôi theo quy định; tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại hằng năm của các phường đạt hơn 85%...

Tuy vậy, tình trạng nuôi chó thả rông, không đeo rọ mõm, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng tại một số địa bàn, địa phương còn khá phổ biến. Trong giai đoạn 2022-2025, thành phố tiếp tục duy trì điều kiện và quản lý vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại ở động vật nuôi trên địa bàn 6 quận và tham mưu xây dựng vùng an toàn đối với huyện Hòa Vang, tiến tới hoàn thành mục tiêu khống chế và loại trừ bệnh dại ở động vật nuôi cũng như ở người vào năm 2025.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.