Việt Nam là quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đầu tiên được Đức viện trợ vắc-xin

.

Với 3,35 triệu liều vắc-xin, Đức là nước hỗ trợ Việt Nam số lượng vắc-xin đứng thứ 2 và là nước nhiều nhất trong EU. Đây cũng là số vắc-xin viện trợ song phương lớn nhất tới nay Đức cho 1 quốc gia ngoài EU.

Hàng viện trợ được đưa lên máy bay của Vietjet. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)
Hàng viện trợ được đưa lên máy bay của Vietjet. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Ngày 9-9, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Berlin đã có cuộc phỏng vấn với Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức, Tiến sĩ Nguyễn Minh Vũ, về công tác ngoại giao vắc-xin, quan hệ giữa Việt Nam và Đức cũng như các công tác sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới nhằm hỗ trợ công tác phòng chống đại dịch trong nước.

Nỗ lực thúc đẩy công tác vận động vắc-xin cho Việt Nam

Theo Đại sứ Nguyễn Minh Vũ, trong thời gian qua, trước tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp ở Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức đã xác định việc triển khai công tác ngoại giao vắc-xin cũng như trang thiết bị y tế là ưu tiên số một và tập trung triển khai vận động các bộ, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp Đức cho công tác này.

Trước hết, Đại sứ quán đã kịp thời tham mưu về kinh nghiệm của Đức trong công tác phòng chống đại dịch đi đôi với đảm bảo phát triển kinh tế và công tác tiêm chủng toàn dân, chủ động kiến nghị đưa nội dung vận động vắc-xin vào tất cả các cuộc tiếp xúc, đối thoại cấp cao giữa hai nước.

Vào cuối tháng sáu vừa qua, Đại sứ quán đã nỗ lực thúc đẩy cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Angela Merkel, qua đó góp phần tăng cường quan hệ giữa hai nước cũng như thúc đẩy công tác vận động vắc-xin cho Việt Nam.

Trước đó, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Đức Heiko Maas vào cuối tháng năm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đã đề nghị phía Đức hỗ trợ Việt Nam vắc-xin.

Đại sứ quán đã thông qua nhiều hình thức khác nhau để tiếp xúc, vận động các bộ, ngành, các địa phương, doanh nghiệp, công ty dược phẩm, bạn bè Đức và cộng đồng người Việt Nam ở Đức hỗ trợ công tác chống dịch ở Việt Nam, trong đó tập trung chủ yếu vào ba mục tiêu chính là vận động về việc cung cấp vắc-xin, viện trợ trang thiết bị y tế và hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin, thuốc chữa Covid-19 cho Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Minh Vũ cho biết công tác vận động vắc-xin ngay từ đầu đã gặp nhiều trở ngại do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, đến tháng 7-2021, Đức mới có đủ lượng vắc-xin để tiến hành chiến dịch tiêm chủng cho toàn dân và số lượng dư thừa là không nhiều, vì còn phải chuẩn bị một số lượng vắc-xin nhất định để tiêm liều tăng cường thứ ba cho người dân ở Đức.

Thứ hai, Đức chủ trương theo cách tiếp cận đa phương trong việc chia sẻ vắc-xin, do vậy chính sách của Đức là thông qua cơ chế COVAX để hỗ trợ cho các nước; với 2,2 tỷ euro, Đức là nước đóng góp thứ hai cho cơ chế này.

Thứ ba, trong quá trình vận động, nhiều bang, địa phương, tổ chức của Đức ngỏ ý sẵn sàng viện trợ vắc-xin cho Việt Nam, tuy nhiên vắc-xin phòng Covid-19 là một "mặt hàng đặc biệt" và chính phủ liên bang chịu trách nhiệm mua, quản lý và điều phối vắc-xin ở trong nước Đức.

Thứ tư, trong trao đổi, vận động BioNTech, công ty dược phẩm của Đức đã hợp tác với Pfizer của Mỹ nghiên cứu, bào chế thành công vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên theo công nghệ mRNA, công ty này cho biết theo sự thống nhất giữa hai công ty, việc đàm phán mua bán vắc-xin với các quốc gia khác ngoài Liên minh châu Âu (EU) sẽ do công ty Pfizer ở Mỹ đảm nhận.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Theo Đại sứ Nguyễn Minh Vũ, mặc dù gặp nhiều khó khăn như vậy, Đại sứ quán kiên trì, bền bỉ tiếp xúc, vận động, thuyết phục Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng của Đức xem xét cung cấp vắc-xin cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX và điều chỉnh chính sách về viện trợ vacicne song phương, nhất là giai đoạn Đức bắt đầu dư thừa vắc-xin khi phần đông dân số đã được tiêm chủng.

Đại sứ quán cũng vận động các bang cũng như các Hiệp hội doanh nghiệp của Đức, đặc biệt là các hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam lên tiếng kêu gọi Chính phủ Đức hỗ trợ cho Việt Nam.

Công tác vận động kiên trì và quyết liệt, không kể ngày đêm đã mang lại những kết quả thiết thực, đóng góp vào cuộc chiến kiềm chế và đẩy lùi dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Ngày 3-9 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có thư gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính thông báo về việc Chính phủ Đức quyết định viện trợ cho Việt Nam 2,5 triệu liều vắc-xin của hãng AstraZeneca.

Đại sứ quán cũng vừa nhận được thông tin Bộ Y tế Liên bang Đức cam kết đề nghị COVAX chuyển thêm cho Việt Nam 850.000 liều vắc-xin. Như vậy, kể cả viện trợ song phương và thông qua cơ chế COVAX chỉ định trực tiếp cho Việt Nam, Đức cam kết hỗ trợ cho Việt Nam 3,35 triệu liều vắc-xin.

Chính phủ Đức cũng đã quyết định viện trợ khẩn cấp các trang thiết bị y tế cho Việt Nam gồm 75 máy thở, 15 màn hình, 20.000 máy đo nồng độ ôxy với tổng trị giá khoảng 20 tỷ đồng.

Đáp lại lời kêu gọi của Đại sứ quán, các bang, địa phương và các doanh nghiệp Đức cũng đã ủng hộ tổng cộng hơn 800.000 bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19, 15 máy thở, 30 màn hình theo dõi bệnh nhân, hàng trăm nghìn khẩu trang y tế và nhiều trang thiết bị y tế khác.

Thêm vào đó, Đại sứ quán cũng đã tích cực kết nối các công ty dược phẩm của Việt Nam và các công ty, tập đoàn của Đức để xem xét hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin và thuốc chữa Covid-19 ở Việt Nam.

accine tiếp nhận được bảo quản tại kho vaccine tiêm chủng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Vắc-xin tiếp nhận được bảo quản tại kho vắc-xin tiêm chủng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Cũng trong thời gian qua, với sự kết nối của Đại sứ quán, Bộ Y tế Việt Nam đã làm việc trực tuyến với các công ty cung cấp trang thiết bị y tế hàng đầu của Đức như Dräger, Siemens, Mövenstein… để tìm hiểu, đàm phán cung ứng trang thiết bị y tế phục vụ công tác chống dịch của Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ, viện trợ thiết thực của Đức cho Việt Nam cũng đã cho thấy rõ tầm mức của quan hệ song phương. Từ trước đến nay, Đức chủ yếu viện trợ vắc-xin cho các nước thông qua cơ chế COVAX. Chỉ mới gần đây, Đức mới điều chỉnh chính sách và viện trợ trực tiếp cho một số ít các quốc gia ngoài EU.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhận được vắc-xin viện trợ của Đức. Với khoảng 3,35 triệu liều vắc-xin, Đức là nước hỗ trợ Việt Nam số lượng vắc-xin đứng thứ hai và là nước nhiều nhất trong EU. Đây cũng là số lượng vắc-xin viện trợ song phương lớn nhất tới giờ của Đức dành cho một quốc gia ngoài EU.

Theo Đại sứ, sự hỗ trợ quý báu và kịp thời của Đức về vắc-xin và trang thiết bị y tế dành cho Việt Nam thể hiện tình cảm, tinh thần đoàn kết của Chính phủ và nhân dân Đức đối với Việt Nam trong giai đoạn khó khăn này, cũng là để đáp lại tình cảm, sự hỗ trợ của Chính phủ, nhân dân Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam ở Đức đối với nước Đức trong giai đoạn đầu của đại dịch, đồng thời cho thấy quan hệ giữa hai nước đang tiếp tục phát triển rất tốt đẹp trên mọi lĩnh vực cả về chiều rộng và chiều sâu, từ chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại - đầu tư, văn hóa - giáo dục - khoa học công nghệ, hợp tác an ninh-quốc phòng...

Đại sứ cũng nhấn mạnh, trong thời gian qua, kể cả trong đại dịch Covid-19, quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước vẫn được thúc đẩy mạnh mẽ. Năm 2020, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á (vượt Malaysia và Singapore), còn Đức tiếp tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU trong nhiều năm qua.

Qua các cuộc tiếp xúc, trao đổi, các bộ, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp Đức đều đánh giá cao tầm quan trọng của nền kinh tế cũng như vai trò địa chính trị của Việt Nam trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bày tỏ tin tưởng và mong muốn Việt Nam sớm vượt qua được đại dịch và cùng thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trong tương lai.

Cộng đồng người Việt tại Đức là cầu nối tích cực vun đắp cho tình hữu nghị

Về phía cộng đồng người Việt Nam ở Đức, Đại sứ Nguyễn Minh Vũ cho biết, cộng đồng khoảng 200.000 người Việt Nam ở Đức đã và đang là cầu nối tích cực vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai nước.

Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Đức, cộng đồng người Việt Nam đã phát động nhiều chương trình có ý nghĩa nhằm chung tay giúp người dân Đức đối phó với đại dịch, được chính quyền và nhân dân sở tại ghi nhận, đánh giá cao như phong trào may khẩu trang và nấu các suất ăn tặng các nhà dưỡng lão, bệnh viện của Đức.

Đại sứ Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại buổi gặp kiều bào tại Đức. (Ảnh: Vũ Tùng/TTXVN)
Đại sứ Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại buổi gặp kiều bào tại Đức. (Ảnh: Vũ Tùng/TTXVN)

Trong thời gian vừa qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam ở Đức đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, tích cực quyên góp ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch ở trong nước.

Tính đến thời điểm hiện tại, cộng đồng đã quyên góp được khoảng 50.000 euro cho Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 cùng hàng trăm nghìn khẩu trang, quần áo bảo hộ và thiết bị y tế gửi tặng Việt Nam. Điển hình là gia đình ông Trần Đăng Khoa, Việt kiều ở Đức, đã cùng với ông Trần Bá Dương và Công ty Thaco ủng hộ hàng triệu bộ kit xét nghiệm nhanh chuyển về Việt Nam.

Bên cạnh những hỗ trợ về vật chất, trang thiết bị y tế, nhiều chuyên gia, trí thức, doanh nghiệp Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức thời gian qua cũng đã tích cực hỗ trợ Đại sứ quán kết nối với các công ty dược phẩm, các tập đoàn cung cấp trang thiết bị y tế của Đức, thông tin tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Đức về cuộc vận động của Đại sứ quán.

Sự hỗ trợ nhiệt thành của cộng đồng đã thể hiện truyền thống yêu nước, nghĩa tình đồng bào của người Việt Nam, qua đó chung tay giúp nhân dân trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Về công tác sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới, Đại sứ cho biết trước mắt, Đại sứ quán sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để vận chuyển số hàng viện trợ của Chính phủ Đức về Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, Đại sứ quán sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác vận động vắc-xin, các trang thiết bị phòng chống dịch, cũng như tiếp tục kết nối, hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin, thuốc chữa bệnh tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Đại sứ quán sẽ tiếp tục tìm hiểu kinh nghiệm của Đức về các biện pháp chống dịch, mở cửa du lịch, khôi phục tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19 để tham mưu, giúp các cơ quan trong nước có cơ sở tham khảo, theo đó đưa ra những chính sách phù hợp với tình hình.

Theo TTXVN/Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích