ĐNO - Chiều 15-11, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến thống nhất đề xuất của ngành giáo dục về việc tổ chức dạy, học trực tiếp trên địa bàn thành phố từ ngày 22-11, trên cơ sở bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn về phòng, chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp phòng, chống Covid-19 chiều 15-11. Ảnh: PHAN CHUNG |
Theo đó, căn cứ tình hình dịch bệnh và việc tiêm vắc-xin cho học sinh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Bích Thuận đề xuất UBND thành phố tổ chức dạy học trực tiếp cho khối 12 từ ngày 22-11; khối lớp 10, 11 bắt đầu từ ngày 29-11. Riêng khối THCS sẽ đi học trực tiếp sau khi tổ chức tiêm mũi 1 cho học sinh khối lớp 8, 9 đủ 14 ngày.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh, việc dạy học trực tuyến do ảnh hưởng của Covid-19 không thể bảo đảm hết yêu cầu, tiến độ, chất lượng, đồng thời tác động rất lớn đến tâm lý phụ huynh và học sinh.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế, lãnh đạo thành phố thống nhất việc dạy, học trực tiếp sẽ được tổ chức sớm trong thời gian tới, kèm theo đó là các tiêu chuẩn, điều kiện liên quan đến phòng, chống dịch.
“Lãnh đạo thành phố thống nhất đề xuất của ngành giáo dục và nhấn mạnh, việc dạy, học trực tiếp chỉ tổ chức tại các địa phương đang áp dụng cấp độ 1, cấp độ 2 trong phòng, chống dịch. Tương tự, giáo viên và học sinh ở khu vực cấp độ 1, cấp độ 2 mới đủ điều kiện tham gia dạy, học trực tiếp.
Hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ dưới 12 tuổi, vì vậy trước mắt ngành giáo dục phối hợp y tế nghiên cứu thời gian đi học trở lại đối với cấp tiểu học, mầm non trên cơ sở căn cứ tình hình dịch bệnh để đề xuất mốc thời gian cụ thể. Lưu ý, việc tổ chức dạy, học trực tiếp phải thông báo trước một tuần để nhà trường, phụ huynh, học sinh chủ động”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến yêu cầu.
Đối với các cơ sở giáo dục nghề, trường đại học trên địa bàn thành phố, theo từng đầu mối, kế hoạch khác nhau, cần chủ động xây dựng phương án dạy học trực tiếp, đề xuất, báo cáo để thành phố xem xét với điều kiện là phải tổ chức tại địa phương đang áp dụng cấp độ 1, cấp độ 2 và giáo viên, học sinh, sinh viên, học viên tối thiểu phải tiêm mũi 1 đủ 14 ngày.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch hiện nay, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của các đơn vị, địa phương trong việc xử lý các tình huống phát sinh. Số ca mắc, nhất là ca cộng đồng đã giảm trong thời gian qua cho thấy việc xác định khu vực, địa điểm nguy cơ và tổ chức truy vết các F1, F liên quan được lực lượng chuyên môn và địa phương phối hợp tổ chức có hiệu quả, đúng hướng.
“Đề nghị các đơn vị, địa phương, nhất là những khu vực có điểm nóng nên chủ động, cân nhắc kỹ về quy mô, tần suất, cách thức xét nghiệm vừa bảo đảm hiệu quả trong phòng, chống dịch vừa tiết kiệm ngân sách. Đối với việc cách ly F1 tại nhà, đề nghị ngành y tế chủ động đề xuất việc điều chỉnh tần suất xét nghiệm để giảm áp lực cho tuyến dưới nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến đề nghị.
Đối với công tác tiêm vắc-xin, các địa phương chủ động cập nhật số lượng, tỷ lệ tiêm vắc-xin trên địa bàn. Đây là cơ sở quan trọng để đánh giá, áp dụng cấp độ phòng chống dịch nếu số ca mắc tăng cao.
Hiện nay lực lượng công an đã cấp được khoảng 85% mã định danh cho đối tượng học sinh khối lớp 8, 9, đề nghị ngành y tế căn cứ tình hình thực tế chủ động việc tiêm vắc-xin mũi 1 cho nhóm đối tượng này, không ảnh hưởng đến thời gian tổ chức dạy, học trực tiếp sắp tới.
Ngoài ra, các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng, chống Covid-19, đặc biệt là sử dụng triển khai mã QR tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ; việc tuân thủ 5K của người dân khi tham gia các hoạt động, chỗ đông người.
PHAN CHUNG